Phòng không Nga chỉ đủ sức bảo vệ một nửa lãnh thổ

Tuân Việt |

(Soha.vn) - Dù đang sở hữu loại hệ thống phòng không hiện đại bậc nhất thế giới là S-400, song phòng không Nga mới chỉ bảo vệ được phân nửa lãnh thổ rộng lớn của mình.

Vũ khí Liên Xô/Nga đã gây ra rất nhiều tổn thất to lớn cho Không quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam (1965-1973) và Israel trên kênh đào Suez vào năm 1970 - 1973. Trong tháng 6 năm 1982, tại thung lũng Bekaa của Li-băng, hệ thống phòng không SA-75 của Syria đã tiêu diệt một chiếc máy bay Kfir của Israel và một chiếc Phantom cũng bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa Osa. Ngoài ra, các hệ thống tên lửa-pháo phòng không của Syria còn bắn rơi nhiều máy bay trực thăng.

Trong tháng 1 và tháng 2 năm 1991, bằng các hệ thống tên lửa của Liên Xô, Iraq đã bắn hạ nhiều máy bay của Không quân Mỹ và đồng minh. Theo thống kê, Mỹ và các đồng minh trong Chiến dịch Bão táp sa mạc cũng đã bị mất khoảng 40 máy bay bởi các hệ thống phòng không trên mặt đất của Iraq.

Có thể nói phòng không đóng một vai trò vô cùng quan trọng làm nên chiến thắng trước các cuộc không kích của máy bay địch. Không giống như không quân, phòng không có thể hoạt động trong mọi điều kiện, không cần phải trở về khu vực đóng quân sau mỗi lần thực hiện nhiệm vụ, không tiêu thụ nhiều nhiên liệu và có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao hơn.

Phòng không Nga: Thiếu và chưa đều

Hiện Phòng không Nga có 34 trung đoàn pháo binh được biên chế các tổ hợp tên lửa hiện đại S-300PS, S-300PM và S-400. Trong số 100 tiểu đoàn thuộc 34 trung đoàn pháo binh của Phòng không Nga, có 9 tiểu đoàn S-400 và 91 tiểu đoàn S-300 (bao gồm cả 2 tiểu đoàn S-300P thuộc trung tâm đào tạo Ashuluk của binh chủng pháo cao xạ thuộc khu vực Astrakhan).

Đó là chưa kể tới 5 lữ đoàn tên lửa-pháo cao xạ được chuyển thành trung đoàn, đã được chuyển giao cho Không quân từ lực lượng phòng không mặt đất bao gồm 1 trung đoàn với 2 tiểu đoàn S-300V, 1 trung đoàn với 2 tiểu đoàn Buk và 1 trung đoàn hỗn hợp gồm 2 tiểu đoàn S-300V và 1 tiểu đoàn Buk. Như vậy, tổng cộng Nga có 39 trung đoàn với khoảng 107 tiểu đoàn pháo binh được trang bị các hệ thống tên lửa pháo cao xạ hiện đại nhất thế giới. Thoạt nhìn, con số này có vẻ như rất nhiều.

	Hệ thống tên lửa S-400 của Phòng không Nga.

Hệ thống tên lửa S-400 của Phòng không Nga.

Tuy nhiên, việc phân bố của các trung đoàn tên lửa này trên một đất nước rộng lớn như Nga là rất không đồng đều và mới chỉ đủ bảo vệ được một nửa lãnh thổ rộng lớn Liên bang Nga. Tất nhiên, thủ đô Moscow là nơi được bảo vệ tốt nhất với khoảng mười trung đoàn S-300P (trong đó có 2 trung đoàn được biên chế 2 tiểu đoàn S-400), và 5 trung đoàn thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của Nga với tên lửa A-135.

St Petersburg có 4 trung đoàn S-300P và 1 trung đoàn hỗn hợp S-300V/Buk. Trong khu vực Murmansk, Severomorsk và Polyarnogo được triển khai 3 trung đoàn của S-300P, gần Vladivostok và Nakhodka là 2 trung đoàn S-300P. Riêng Nakhodka nhận được thêm 2 tiểu đoàn S-400. Trong khu vực Kaliningrad, nơi đặt trụ sở chính của Hạm đội Baltic, có 1 trung đoàn S-300V và 1 trung đoàn S-300P/S-400. Khu vực Petropavlovsk-Kamchatsky được bảo vệ bởi 1 trung đoàn S-300P và Novorossiysk là 2 tiểu đoàn S-400.

Trong khi đó, khu vực Khabarovsk được bố trí 1 trung đoàn S-300P và 1 trung đoàn S-300V gần khu vực tỉnh tự trị Do Thái. Ngoài ra, 1 trung đoàn tên lửa S-300P được bố trí ở khu vực Komsomolsk trên sông Amur.

Việc bố trí các hệ thống tên lửa với số lượng như vậy tại các khu vực nói trên được coi là tạm chấp nhận được để bảo vệ nước Nga trước các cuộc tấn công từ trên không. Tuy nhiên, ở các khu vực khác, số lượng các trung đoàn tên lửa khá hạn chế.

	Hệ thống tên lửa S-300V.

Hệ thống tên lửa S-300V.

Tại các khu vực khác như Voronezh gần thủ đô Moscow chỉ được bố trí 1 trung đoàn S-300P, khu vực Tây Bắc – 1 trung đoàn S-300P thuộc tỉnh Novgorod, khu vực Kavkaz – 1 trung đoàn S-300P gần Rostov-on-Don và 1 trung đoàn Buk ở New Jersey, khu vực Volga - 2 trung đoàn S-300P (gần Samara và Engels Saratov), khu vực Ural – 1 trung đoàn S-300P gần Yekaterinburg và trên khu vực Siberia rộng lớn – chỉ có 3 trung đoàn S-300P (ở Novosibirsk, Irkutsk và Achinsk Krasnoyarsk) và 1 trung đoàn Buk ở Buryatia.

Khu vực này thậm chí còn rộng lớn hớn cả khu vực Viễn Đông (như đã thống kê ở trên với việc được bố trí 1 trung đoàn S-300P/S-400, 4 trung đoàn S-300P, 1 trung đoàn S-300B tại Vladivostok - Nakhodka, Khabarovsk - Birobidzhan, Komsomolsk-on-Amur và Petropavlovsk-Kamchatsky). Máy bay của đối phương có thể dễ dàng hiện diện với số lượng lớn tại các "lỗ hổng" lên đến hàng dặm giữa các đơn vị phòng không ở phía đông. Tuy nhiên, không chỉ ở Siberia và Viễn Đông, mà còn nhiều khu vực rông lớn nơi có cơ sở công nghiệp và khu vực đóng quân của lực lượng hạt nhân chiến lược cũng không đươc bảo vệ bởi lưới lửa phòng không.

Khó khăn trong khâu sản xuất

Trong khuôn khổ chương trình vũ khí nhà nước, Nga có kế hoạch tăng cường thêm 2 trung đoàn S-400 và 10 tiểu đoàn tên lửa mới nhất S-500 (không chỉ thực hiện nhiệm vụ phòng không và phòng thủ tên lửa chiến thuật mà còn thực hiện phòng thủ tên lửa chiến lược) đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện tại nhiều người hoài nghi rằng kế hoạch này sẽ không được thực hiện mặc dù số lượng các hệ thống phòng không nói trên không nhiều.

	S-400 không đủ để cung cấp cho quân đội và nước ngoài.

S-400 không đủ để cung cấp cho quân đội và nước ngoài.

Trên thực tế, Nga đang thiếu năng lực sản xuất loại tên lửa hiện đại nhất thế giới S-400 và chưa thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của quân đội cũng như phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, việc quản lý chưa thực sự hiệu qua khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất rơi vào tình trạng phá sản. Vì vậy, Nga đã triển khai xây dựng khẩn cấp 2 nhà máy sản xuất S-400 tại Kirov và Nizhny Novgorod, tất nhiên, việc làm này sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Và một vấn đề nữa được đặt ra là khi các nhà máy được hoàn thành thì liệu có đủ công nhân và kỹ sư để các nhà máy trên đi vào hoạt động hay không?

Tình hình càng trở nên phức tạp khi mà chi phí cho kỹ thuật phòng không vô cùng tốn kém. Chi phí cho một trung đoàn tên lửa phòng không hiện đại (ngay cả khi trung đoàn này chỉ có hai tiểu đoàn) có thể so sánh sánh với chi phí của một chiến hạm.

Các đơn vị phòng không chưa được bảo vệ

Hiện nay phòng không Nga đang gặp phải một vấn đề mà trước đây chưa từng có trọng lực lượng phòng không Liên Xô: các đơn vị phòng không, ngay cả khi được bố trí ở trung tâm của đất nước cũng cần phải được bảo vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công của khủng bố và những kẻ phá hoại.

Vấn đề này chưa được giải quyết một cách thỏa đáng và các trung đoàn phòng không này cần phải được bảo vệ bởi hệ thống phòng không tầm ngắn. Hiện nay các trung đoàn S-400 đã nhận được 2 tiểu đoàn tên lửa-pháo phòng không tầm ngắn Pantsir-S, tuy nhiên, các trung đoàn S-300P và V thì chưa.

	Tổ hợp tên lửa-pháo phòng không tầm ngắn Pantsir-S khai hỏa.

Tổ hợp tên lửa-pháo phòng không tầm ngắn Pantsir-S khai hỏa.

Như chúng ta đã biết, nhược điểm chính của S-300 và S-400 là tốc độ nạp đạn khá hạn chế. Ngay cả khi các hệ thống này có độ chính xác cực cao thì cũng không đủ tên lửa để có thể tiêu diệt tất cả các mục tiêu. Do đó, theo chuyên gia quân sự của Nga, nếu như Mỹ và Trung Quốc muốn tấn công nước Nga thì cách đơn giản nhất là không kích bằng một số lượng lớn các máy bay và tên lửa để phòng không Nga không kịp trở tay.

Chính vì vậy mà yêu cầu cấp thiết đặt ra lúc bấy giờ là Nga cần phải tăng cường nhiều hơn nữa các đơn vị phòng không và phân bố một cách đồng đều trên toàn bộ lãnh thổ rộng lớn để có thể bảo vệ đất nước trước các cuộc tấn công từ bên ngoài.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại