Nga giúp Ấn phát triển tàu ngầm hạt nhân “đả” Trung Quốc?

Thiên Nam |

Theo thông tin mới nhất, một doanh nghiệp Ấn Độ đã sang Nga để đàm phán về kế hoạch liên danh đóng tàu ngầm hạt nhân cho hải quân nước này.

Thực lực tàu ngầm hạt nhân Ấn Độ còn rất kém

Ngày 21-5, truyền thông Nga đưa tin, một công ty đóng tàu Ấn Độ đang tìm kiếm đối tác tại Nga để thiết kế, chế tạo tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới cho hải quân nước này, nhằm nâng cao năng lực tác chiến của lực lượng tàu ngầm đang có dấu hiệu tụt hậu.

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn nguồn tin của truyền thông Ấn Độ cho biết, Công ty Reliance Infrastructure của nước này đã sang Moscow để tìm kiếm đối tác tại Nga, lập liên doanh đóng tàu ngầm hạt nhân và tàu chiến công nghệ "tàng hình".

Được biết, lãnh đạo công ty đang có mặt tại Moscow gặp gỡ đại diện Bộ Quốc phòng Nga.

Nguồn tin từ cuộc đàm phán nói rằng, cuối tuần này đoàn có thể được Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tiếp và ông sẽ nêu tên đối tác tiềm năng sở hữu các công nghệ cần thiết cho phía đối tác.

Chính phủ Nga từ chối cho biết thông tin chi tiết về kế hoạch này, nhưng ông Sergei Karmalito, Tham tán cao cấp Đại sứ quán Nga tại New Delhi cho biết:

Nga sẵn sàng đàm phán với các đối tác Ấn Độ “về nhiều dự án khác nhau”, bao gồm cả hợp tác và liên danh để sản xuất các thiết bị quốc phòng hiện đại.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược INS Chakra của Ấn nguyên là tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo mang số hiệu K-152 Nerpa thuộc Project 971, lớp Akula của Nga

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược INS Chakra của Ấn nguyên là tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo mang số hiệu K-152 Nerpa thuộc Project 971, lớp Akula của Nga

Theo truyền thông Ấn Độ, nội dung cuộc đàm phán lần này xoay quanh việc đóng 6 tàu ngầm hạt nhân hiện đại, áp dụng công nghệ do đối tác nước ngoài cung cấp tại xưởng đóng tàu Pipavav ở bang Gujarat - Ấn Độ.

Việc đóng 6 tàu ngầm nằm trong khuôn khổ dự án nâng cấp sức mạnh hạm đội tàu ngầm của hải quân nước này.

Hiện lực lượng tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường của Ấn Độ đều đang ở trong tình trạng rất bi đát.

Tàu ngầm thông thường chỉ còn vẻn vẹn 14 chiếc, gồm 10 tàu ngầm Kilo của Nga và 4 tàu ngầm thế hệ cũ do Nhà máy đóng tàu Horvath của Đức đóng, mà hầu hết số đó đã quá cũ, sắp hết thời hạn sử dụng.

Hải quân nước này cũng chỉ có vẻn vẹn 1 tàu ngầm hạt nhân chiến lược INS Chakra - nguyên là tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo mang số hiệu K-152 Nerpa thuộc Project 971, lớp Akula được thuê liên tục của Nga từ năm 1984 đến nay.

Ngoài ra, hải quân nước này hiện đang nghiên cứu phát triển tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Arihant. Chiếc đầu tiên trong số này là INS Arihant hiện đã hoàn tất quá trình thử nghiệm lò phản ứng hạt nhân và đang thử nghiệm vũ khí trên biển.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 091 - lớp Hán của hải quân Trung Quốc

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 091 - lớp Hán của hải quân Trung Quốc

Tuy nhiên, con tàu này chỉ có lượng giãn nước khoảng 6000 tấn và mang theo các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.

Theo tin của Bộ quốc phòng Ấn Độ, tàu ngầm này có thể phóng được tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm nội địa K-15 (Bo5) có tầm bắn hơn 700 km và có thể mang được một đầu đạn hạt nhân nặng 1 tấn.

Ngoài ra, nó cũng có thể được trang bị hệ thống 12 ống phóng thẳng đứng giành cho 12 quả tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ tàu ngầm (SLBM), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân là K-5, có tầm bắn 1.500 km, đã thử nghiệm thành công đầu năm 2013.

Tuy nhiên, hiện tàu ngầm này vẫn còn phải tiếp tục một số hạng mục thử nghiệm nữa nên sớm nhất cũng phải đến cuối năm 2016 nó mới được biên chế cho lực lượng hải quân.

Sau đó, nước này sẽ tiếp tục đóng thêm 5 chiếc nữa trong kế hoạch sở hữu 6 tàu ngầm loại này.

Những hạn chế trong công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo liên lục địa (SSBN) sẽ khiến Ấn Độ phải mất hàng chục năm tìm tòi, nghiên cứu, chế tạo nữa mà chưa chắc đã thành công.

Trong khi đó số lượng tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đang tăng lên rất nhanh chóng.

Tàu ngầm hạt nhân quốc nội INS Arihant và tên lửa đạn đạo tầm ngắn K-15 của Ấn Độ vvvvv

Tàu ngầm hạt nhân quốc nội INS Arihan phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn K-15 của Ấn Độ

Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc hiện được tình báo Mỹ đánh giá là đang phát triển rất nhanh chóng.

Trung Quốc hiện nay có khoảng 59 tàu ngầm diesel, 9 tàu ngầm hạt nhân và sẽ tăng lần lượt lên các con số 63 (tàu ngầm thông thường) và 11 (tàu ngầm hạt nhân) vào trước thời điểm năm 2020.

Hiện Bắc Kinh đang dồn lực phát triển những lớp tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất, tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ đã đến thế hệ 2 (Type 092 - lớp Hạ và Type 094 lớp Tấn).

Ngoài ra, còn có tàu ngầm hạt nhân tấn công mang tên lửa hành trình chống hạm thế hệ thứ 3 (Type 091 - lớp Hán, Type 093 - lớp Thương và Type 095).

Đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn - Type 094 có khả năng mang theo 12 tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm “Cự Lang-2” (JL-2), có tầm phóng trên 8000 km.

Bên cạnh đó là tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095, mang tên lửa hành trình chống hạm YJ-18, tầm phóng 600 km và tên lửa hành trình đối đất DH-10, tầm phóng trên 1500 km.

Hiện các nguồn tin tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc đã sở hữu tới 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn, đồng thời đẩy mạnh phát triển tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095, đóng thêm nhiều tàu Type 093 để nâng cao tiềm lực răng đe hạt nhân từ dưới nước.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn - Type 094 của hải quân Trung Quốc

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn - Type 094 của hải quân Trung Quốc

Để tăng cường lực lượng tàu ngầm hạt nhân một cách thần tốc, nước này buộc phải mua tàu ngầm hạt nhân nước ngoài và Ấn Độ đã tìm đến Nga.

Bởi hiện Nga là một cường quốc hàng đầu về công nghệ tàu ngầm hạt nhân, với hàng loạt loại tàu ngầm hàng đầu thế giới thuộc lớp Akula, lớp Delta, lớp Borey…

Chọn tàu ngầm của Nga sẽ tận dụng được tối đa các cơ sở hạ tầng, thiết bị cho tàu ngầm mà hải quân nước này đã bỏ nguồn vốn lớn để đầu tư.

Việc này sẽ khiến cho giá thành của toàn bộ tàu ngầm rẻ hơn. Ngoài ra, Ấn Độ còn có khá nhiều kinh nghiệm sử dụng và đào tạo tàu ngầm của Nga.

Hơn nữa nếu hợp tác với Nga, Ấn sẽ có khả năng học hỏi được kinh nghiệm chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới lớp Bulava của Nga - điều mà các nhà chế tạo tên lửa đạn đạo phóng trên đất liền và phóng từ tàu ngầm của nước này đang còn yếu.

Nếu Ấn Độ đạt được thỏa thuận với Nga để chế tạo 6 tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới thì trong vòng 10 năm tới, cùng với dự án chế tạo tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant, New Dehli hoàn toàn có thể cân bằng lực lượng răn đe hạt nhân từ tàu ngầm với Bắc Kinh.

>>> Thế giới trực thăng "loáng mắt" trong triển lãm ở Moskva

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại