Những dự đoán đáng sợ về lực lượng tên lửa chiến lược TQ

Khang Minh |

(Soha.vn) - Tân Hoa Xã trích dẫn một bài viết trên trang mạng vệ tinh của Nga, trong đó tiết lộ khá chi tiết về quy mô và cơ cấu tổ chức của Quân đoàn Pháo binh số 2 Trung Quốc.

Bài viết dẫn lời Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Nga Alexander Khramchikhin cho rằng, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ và Nga. Vì nhiều lý do, tiềm năng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc luôn thu hút sự chú ý của quốc tế, tuy nhiên, ngoài sự tồn tại của các kho vũ khí ra, Trung Quốc vẫn còn nhiều bí mật.

Theo Alexander, với việc Nga và Mỹ cắt giảm hàng loạt vũ khí hạt nhân sau thời kỳ Chiến tranh lạnh, số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc có thể sánh ngang với Nga và Mỹ, thậm chí Trung Quốc có thể là nước sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới hiện nay.

Alexander còn nhận định rằng số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc có thể nhiều hơn tổng số đầu đạn đạn hạt nhân của Anh, Pháp và các quốc gia hạt nhân chưa được công nhận (Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên) cộng lại.

Theo bài viết, tình hình phân bổ của vũ khí hạt nhân Trung Quốc giữa các quân binh chủng chủ yếu dựa trên những số liệu đã có để suy đoán. Ngoài Nga ra, chỉ có Trung Quốc phân bổ phần lớn lực lượng hạt nhân chiến lược cho quân chủng độc lập. Trong quân đội Trung quốc, lực lượng này được gọi là Quân đoàn Pháo binh số 2, giống với Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, chủ yếu biên chế lực lượng hạt nhân chiến lược mặt đất.

Thông tin về Quân đoàn Pháo binh số 2 của Trung Quốc được bảo mật kỹ càng, không có bất kỳ số liệu chính thức nào liên quan đến số lượng tên lửa và đầu đạn. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin khác nhau cho biết, Quân đoàn Pháo binh số 2 có tổng cộng 6 tập đoàn quân tên lửa (từ số 51 đến số 56). Dưới mỗi tập đoàn quân có các Lữ đoàn, hiện Quân đoàn Pháo binh số 2 có 24 lữ đoàn tên lửa. Mỗi Lữ đoàn có thể có từ 9 đến 54 bộ thiết bị phóng, số lượng tên lửa có thể nhiều hơn số lượng thiết bị phóng, thông thường nhiều hơn 20 – 25%.

Quân khu Bắc Kinh đã xây dựng hệ thống đường hầm đan chéo nhau dưới đất cho Quân đoàn Pháo binh số 2 để giấu thiết bị phóng, đặc biệt là thiết bị phóng di động, tên lửa và đầu đạn, tuy nhiên, vẫn chưa có nguồn tin tình báo nào có thể tiếp cận sâu hơn khu vực này. Vì vậy, những thông tin được biết đến vẫn chủ yếu là về 6 tập đoàn quân tên lửa.

Từ góc độ số lượng Lữ đoàn tên lửa, có thể phần nào đoán biết được số lượng thiết bị phóng tên lửa của Quân đoàn Pháo binh số 2 là: 30 – 36 bộ phóng tên lửa DF-5, 18 – 30 bộ phóng DF-4, 9 – 30 bộ phóng DF-3; 48 bộ phóng DF-31 (trong đó có 30 bộ phóng DF-31A); 88 bộ phóng DF-21; 24 – 45 bộ phóng DF-15, 36 bộ phóng DF-11A; 18 bộ phóng DH-10. Số lượng đầu đạn có thể là 367 – 439 đầu đạn. Nếu cộng với 25% tên lửa thay thế, như vậy số lượng tên lửa có thể đạt khoảng 45 quả tên lửa DF–5; 30 tên lửa DF–3A; 60 tên lửa DF-31 (bao gồm 36 quả tên lửa DF-31A); 110 tên lửa DF-21; 60 tên lửa DF-15; 45 tên lửa DF–11; 70 tên lửa DF-10.

DF-31A
DF-31A

Tên lửa xuyên lục địa của Trung Quốc có 3 loại: DF-5 (tầm bắn 7.500 – 15.000 km), DF-31/31A (tầm bắn 7.000 – 12000 km), DF-4 (tần bắn 5.500 – 7.000 km). Tầm bắn cụ thể của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tùy thuộc vào tải trọng chiến đấu. Tên lửa DF-31 thay thế DF-5 cũ là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phù hợp với yêu cầu chiến đấu hiện nay, dùng để phá hủy các mục tiêu trên đất liền của Mỹ. Hiện nay, đây cũng là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc mang được nhiều đầu đạn nhất. DF-4 là tên lửa tầm trung, dùng để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Trên lý thuyết, DF-4 cũng có thể tấn công châu Âu, tuy nhiên, chiến tranh giữa Trung Quốc và các nước châu Âu khó có khả năng xảy ra. Ngoài ra, Trung Quốc đang thử nghiệm tên lửa xuyên lục địa DF-41, có thể mang tối đa 10 đầu đạn hạt nhân, tầm bắn có thể đạt 14.000 km.

Tên lửa đạn đạo tầm trung có 2 loại: DF-3A (tầm bắn khoảng 3000 km) và DF- 21 (tầm bắn 2.000 – 3.000 km). Những tên lửa đạn đạo tầm trung này dùng để tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga, Ấn Độ và Nhật Bản. Hiện tên lửa DF-3A đang được ngừng hoạt động và dần được thay thế bằng tên lửa DF-21. DF-21 có một số biến thể cải tiến, trong đó có biến thể DF-21D được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay".

Tên lửa chiến thuật chiến dịch có 2 loại: DF-11 (tấn bắn 300 – 800 km), DF-15 (tần bắn 600 km). Tên lửa DF-15 và DF-11 hầu như dùng để tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Đài Loan, đa số trang bị cho Tập đoàn quân số 52, số ít trang bị cho Lữ 816 của Tập đoàn quân 51.

Tầm bắn tối đa của tên lửa hành trình DH-10 là 4.000 km, là sự kết hợp công nghệ tên lửa Kh-55 của Nga và Tomahawk của Mỹ mà thành. Đây là một loại vũ khí mới được trang bị cho Quân đoàn pháo binh số 2.

Trong số các tên lửa trên, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-5, DF-4 và tên lửa đạn đạo tầm trung DF-3 sử dụng giếng phóng silo, số tên lửa còn lại sử dụng bệ phóng di động.

Hình ảnh được cho là của tên lửa DH-10
Hình ảnh được cho là của tên lửa DH-10

Bài viết cho biết do không có bất kỳ số liệu chính thức nào liên quan đến Quân đoàn Pháo binh số 2 của Trung Quốc nên quy mô của 6 tập đoàn quân tên lửa đều có thể lớn hơn nhiều so với miêu tả này, đặc biệt là về kho tên lửa và đầu đạn. Dữ liệu mà bài viết đề cập chủ yếu dựa trên cơ sở những phát hiện vệ tinh về số lượng tên lửa hạt nhân của Trung Quốc. Thực lực của Quân đoàn Pháo binh số 2 có thể còn cao gấp nhiều lần, với số lượng tên lửa và đầu đạn lên tới gần hàng nghìn quả, trong đó phải kể đến tên lửa DF-21, DF-31 và DH-10.

Bài viết nhận định lực lượng hạt nhân chiến lược mặt đất của Trung Quốc có tính năng tác chiến ổn định mạnh hơn nhiều so với của Mỹ và Nga. Các quân binh chủng khác của quân đội Trung Quốc cũng có kho vũ khí hạt nhân lớn. Theo suy đoán, Lục quân Trung Quốc có 1.500 - 2.500 đầu đạn hạt nhân, Không quân Trung Quốc có ít nhất có 500 đầu đạn và Hải quân có gần 100 đầu đạn. Với sự phát triển của các phương tiện phóng, số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc cũng sẽ tăng theo.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại