Nhìn lại cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất

Ngày 2/8/1990, xung đột vũ trang đã chính thức xảy ra giữa Iraq và Kuwait dẫn tới việc Mỹ phát động một cuộc chiến tranh lớn tấn công Iraq với cái tên “Bão táp sa mạc".

Sau những yêu sách đòi Kuwait phải hoàn lại thặng dư dầu mỏ đã bơm trong vùng Roumeillah, một tầng dầu khổng lồ ở biên giới và được khai thác chung giữa hai nước không được đáp ứng. Rạng sáng ngày 2-8-1990, Iraq bắt ngờ tấn công Kuwait. Ngay lập tức Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết lên án hành động quân sự và yêu cầu Iraq phải rút ra khỏi lãnh thổ Kuwait. Không những không rút quân mà ngày 9/8/1990, Đài Phát thanh Iraq thông báo chính thức sáp nhập Kuwait thành tỉnh thứ 19 của Iraq.

Ngày 17/1/1991, lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu đã khơi mào chiến dịch “Bão táp sa mạc”, bắt đầu cuộc không kích vào Iraq. Bằng những vũ khí hiện đại nhất trong thời kỳ Chiến tranh lạnh như “tên lửa hành trình”, “máy bay tàng hình”, bom đạn “thông minh” được điều khiển bằng vệ tinh, Mỹ đã nhanh chóng tàn phá tất cả các mục tiêu cơ sở quân sự và kinh tế quan trọng nhất, các sở chỉ huy chiến lược, các trung tâm truyền hình và phát thanh của Iraq.

Máy bay A-10A Thunderbolt II tấn công mục tiêu mặt đất thuộc Không lực Mỹ bay trên vùng mục tiêu trong chiến dịch Bão táp sa mạc.

Chỉ trong vòng sáu tuần, 80.000 tấn bom đã dội xuống Iraq, tương đương số bom ném xuống Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Và ngày 26/2/1991, Tổng thống Saddam Hussein buộc phải tuyên bố rút quân khỏi Kuwait.

Một điều dễ hiểu là nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến tranh Vùng vịnh được bắt nguồn chính từ những món lợi kếch xù từ dầu mỏ. Quân đội Iraq tấn công Kuwait với mục đích độc chiếm “vùng mỏ dầu” này, để từ đó bán lấy tiền trang trải các khoản nợ nhiều tỷ USD sau cuộc chiến với Iran. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Mỹ lại có hành động là bênh vực Kuwait. Có thể nói, chiến tranh vùng vịnh là cơ hội vàng cho Mĩ can thiệp vào Iraq, một âm mưu mà từ lâu Mỹ đã muốn thực hiện. Bởi trong chiến lược chuyển dịch trục đối đầu quốc tế từ xung đột Đông - Tây sang bình diện xung đột Bắc - Nam thì Mỹ đi tìm đối thủ mới là Iraq.

Các nước ở vùng Vịnh đáp ứng tới 1/4 tổng nhu cầu dầu mỏ của thế giới và tập trung tới 66% nguồn dầu mỏ đã được thăm dò phát hiện. Do nhu cầu dầu mỏ ngày một tăng, một khi Mỹ kiểm soát được các khu vực dầu mỏ lớn nhất thế giới, trước hết là Vùng Vịnh, thì tất cả các nước đồng minh của Mỹ sẽ phải tiếp tục ủng hộ vị thế bá chủ chính trị - quân sự của Mỹ trên thế giới.

Và Mỹ đã thành công khi lôi kéo được thêm nhiều quốc gia lớn khác trong những cuộc chiến vì dầu này. Từ cuộc chiến Iran-Iraq, đến chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, thứ hai, hay xung đột ở Dafour của Sudan, hoặc những lần rải thảm gươm giáo ở Kurdistan thuộc miền bắc Iraq... Mọi lập luận, kiểu như "đưa dân chủ đến nước nọ, vùng kia; hay loại trừ bạo chúa; rồi giải giáp vũ khí giết người hàng loạt và đưa ánh bình minh tới phía Bắc…" đều là chỉ nhằm che đậy một sự thật là muốn sở hữu được thật nhiều dầu khí của Trung Đông.

Xe tăng M1A1 tiêu diệt các xe tăng Iraq trên đường rút lui.

Các nhà phân tích cho rằng, liệu có phải Mỹ quá lo cho an ninh thế giới trước mối đe dọa cái gọi là “vũ khí giết người hàng loạt của Iraq”, đến mức phải điều hơn 150 nghìn quân tới vùng Vịnh, để rồi hơn 4.000 quân thiệt mạng. Chương trình hạt nhân của Iran có khiến cho phương Tây căng thẳng đến như thế không, hay chính là an ninh trên eo biển Hormuz, nơi được coi là cuống họng để dầu khí của Trung Đông đi ra nuôi sống nền kinh tế toàn cầu, cũng như nguồn vàng đen vô tận của Iran và toàn vùng Vịnh? Và theo các chuyên gia, lý do chính là nguồn lợi từ dầu mỏ.

Biến lãnh địa của mình trở thành thiên đường, đó là dầu mỏ. Trở thành công cụ chi phối trên chính trường quốc tế, đó lại là dầu mỏ. Đóng vai trò nguồn gốc của cuộc xung đột, đó cũng là dầu mỏ. Trong bức tranh toàn cảnh thế giới, không chỗ nào thiếu bóng dáng “vàng đen”, chỉ khác nhau có nơi ít, nơi nhiều. Thế giới chỉ có thể bình yên, hưởng nguồn lợi do dầu mỏ mang lại, khi các nước thật sự biết tôn trọng quyền toàn vẹn lãnh thổ, và lợi ích hợp pháp của nhau. Mọi cuộc chiến tranh, trong đó có cuộc chiến vì dầu mỏ, chỉ đem lại những tổn thất cho cả hai bên. Và nhiều cuộc chiến ở vùng Vịnh, trong đó có cuộc chiến giữa Iraq và Kuwait, là ví dụ điển hình.

24 năm sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất nhưng người dân ở khu vực Trung Đông chưa thể có được một ngày được sống trong hòa bình, no ấm. Và với tầm quan trọng chiến lược của dầu mỏ, cuộc chiến tranh giành nguồn “vàng đen” này của thế giới chắc chắn vẫn chưa thể sớm có điểm dừng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại