Nguồn lực nào giúp ông Putin tăng cường sức mạnh quân đội Nga?

Nhàn Đàm |

Câu chuyện Nga chính thức tuyên bố sẽ tham gia một cuộc tập trận chung với Trung Quốc trên biển Đông đang là đề tài bàn tán sôi nổi trên thế giới trong vài ngày qua.

Về phương diện địa chính trị toàn cầu, đây là một trong những biểu hiện cho sự trỗi dậy và mở rộng ảnh hưởng chính trị và quân sự Nga trên thế giới.

Cùng với Trung Quốc, Nga đang là một trong ba quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng lớn nhất toàn cầu và có tốc độ tăng chi tiêu lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Nhưng nếu như điều này không có gì bất thường với Trung Quốc, quốc gia đã trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới, thì điều này đang đặt ra những câu hỏi với Nga, vốn không có nhiều đột biến về tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua.

Vậy thì, đâu là nguồn lực đã giúp Putin tăng cường sức mạnh cho quân đội Nga một cách đáng kể như vậy.

Tính đến giai đoạn cuối năm 2014, Nga đang là một trong ba quốc gia có mức chi tiêu cho quốc phòng lớn nhất thế giới.

Tổng cộng, ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2014 đã đạt mức 84 tỉ USD, chỉ xếp sau Mỹ và Trung Quốc. Nhưng đó vẫn chưa phải là điểm đáng chú ý nhất.

Theo ước tính, ngân sách dành cho quốc phòng của Nga đã tăng 20 lần kể từ khi ông Putin lên nắm giữ vị trí tổng thống vào năm 2000.

Không chỉ thế, tổng mức chi tiêu cho quốc phòng của Nga đang có một tỷ lệ cao nếu so với ngân sách quốc gia, cao hơn hẳn so với mức trung bình trên thế giới.

Tổng mức đầu tư cho quốc phòng an ninh và các vấn đề có liên quan của Nga năm 2014 đã chiếm tới 34% ngân sách, gấp đôi so với năm 2010.

Đây được xem là một mức đầu tư cho quốc phòng cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của thế giới, kể cả Mỹ cũng chỉ dành khoảng 18% ngân sách hàng năm cho lĩnh vực quốc phòng an ninh mà thôi.

Sự tăng cường đầu tư cho quốc phòng của Nga trong vòng hơn một thập niên trở lại đây, được xem như một nỗ lực khôi phục vị thế của quốc gia kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Kể từ khi thành lập năm 1991, nước Nga đã trải qua không ít các cuộc xung đột và các cuộc chiến để bảo vệ quyền lợi quốc phòng an ninh của mình, từ các cuộc xung đột ở Checnya cho tới cuộc chiến ngắn ngày với Gruzia.

Việc tăng cường cho quốc phòng vì thế là điều cần thiết. Nó cũng được xem là biểu tượng cho sự trỗi dậy của Nga với tư cách là một cường quốc mới ở khu vực và trên thế giới.

Thế nhưng, việc Nga tăng cường mạnh đầu tư cho quốc phòng trong khoảng 5 năm trở lại đây khiến cho cả thế giới ngạc nhiên.

Chỉ trong vòng 5 năm kể từ năm 2010, mức chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng gần gấp đôi, điều này lại diễn ra trong giai đoạn kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Nga nói riêng không có nhiều khởi sắc do dư âm của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Trong khi hầu hết các nước phương Tây đều cắt giảm mạnh chi tiêu quốc phòng kể từ năm 2010 để hồi phục nền kinh tế, thì Nga lại làm ngược lại là tăng gần gấp đôi chi tiêu quốc phòng và thậm chí còn tăng số lượng quân nhân phục vụ trong quân đội.

Những sự tăng cường đầu tư mạnh mẽ ấy cũng không có vẻ như khiến cho kinh tế Nga bị tổn hao, khi mà nước này vừa chứng tỏ sức đề kháng đáng kể của nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng do các lệnh trừng phạt từ phương Tây vừa qua.

Câu trả lời cho việc Putin dựa vào nguồn lực nào để tăng cường chi tiêu quốc phòng của Nga, nằm ở việc biến quân đội Nga trở thành một cỗ máy làm kinh tế một cách hiệu quả.

Nói cách khác là tìm cách tăng cường sự phát triển của khu vực phức hợp công nghiệp - quân sự.

Chương trình này bắt đầu được khởi động vào cuối năm 2010 và được đẩy mạnh vào giữa tháng 5.2014, khi tổng thống Putin ký sắc lệnh chính thức thành lập các sư đoàn công nghiệp.

Theo đó, hàng chục ngàn binh sĩ sẽ được chuyển sang làm việc ở các doanh nghiệp quốc phòng thay vì thường xuyên phải phục vụ ở các sư đoàn một cách thường trực.

Điều này bắt nguồn từ sự mở rộng hoạt động sản xuất và xuất khẩu các khí tài quân sự một cách rộng lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Nga trong vài năm trở lại đây.

Theo ước tính, Nga đã xuất khẩu một lượng khí tài quân sự có trị giá lên tới 16 tỉ USD trong năm 2014, mức cao nhất kể từ nhiều năm qua, và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa trong thời gian tới.

Chính vì sự phát triển nhanh chóng và ăn nên làm ra của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, nên mức chi tiêu cho quốc phòng của Nga vài năm gần đây cũng tăng lên, và đòi hỏi nhiều nhân lực hơn nữa vào phục vụ trong ngành này.

Kể từ năm 2011 đến nay, nhân sự trong quân đội Nga đã tăng thêm khoảng 850.000 người, và một phần lớn trong số này được tuyển mộ và lựa chọn vào hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Việc này vì thế không chỉ đơn thuần là chuyển đổi một phần quân đội sang chức năng kinh tế, mà còn là chuyển đổi chức năng của cả nền kinh tế Nga.

Ngành công nghiệp quốc phòng đang dần trở thành một lĩnh vực phát triển mạnh nhất ở Nga, và vì thế nó sẽ tự động thu hút nhân lực vào hoạt động trong lĩnh vực này. Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho quân đội, mà còn cho cả nền kinh tế Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại