Người “bắt sóng” pháo đài bay Mỹ

Lục Tùng |

“Sau khi lắng nghe, ghi nhận ý kiến, đề xuất từ những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu tại hội nghị “Vạch nhiễu tìm thù” vào đầu tháng 6.1972 ở Yên Định (Thanh Hóa), các đồng chí lãnh đạo đã đúc kết ra quy trình “bắt sóng” máy bay B52 để sau đó lập nên “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu” - cựu binh Trần Văn Dụy - nguyên Đại đội trưởng Radar 18, Trung đoàn 291 (Binh chủng Radar - Quân chủng Phòng không - Không quân) - kể.

Anh không chỉ hé mở bí mật giúp quân đội VN hạ gục “pháo đài bay” của Mỹ cách đây hơn 40 năm, mà nhắc nhở chúng ta bài học sâu sắc về chìa khóa của thành công: Tính dân chủ.

Ông Trần Văn Dụy bên những bức ảnh về “bắt sóng” máy bay B52.

Mười chín giờ bốn phút

“Lúc đó là 19h04 phút ngày 18.12.1972” - đã hơn 40 năm, nhưng ông Trần Văn Dụy vẫn nhớ tươi nguyên thời khắc lịch sử của lần đầu tiên “bắt sóng” được máy bay B52 - “Đó là thời khắc lịch sử:

Lần đầu tiên Binh chủng Radar VN “bắt sóng” được pháo đài bay B52 ngay trong ngày mở màn chiến dịch 12 ngày đêm rải thảm bom miền Bắc”.

Theo lời ông Dụy, lúc đó Yên Định (Thanh Hóa), nơi Đại đội Radar 18 đóng bản doanh, đang vào mùa đông lạnh, nhưng cả đại đội lại toát mồ hôi vì phấn khích, vui mừng tột độ”.

Cái nóng hầm hập từ mái tôn thấp lè tè của “Nhà Đồng đội” nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Lý Thường Kiệt (phường Vĩnh Thanh, TP.Rạch Giá - Kiên Giang) vẫn không làm giảm lửa hào hứng của ông Dụy:

“Qua theo dõi và phân tích tình hình, cộng với điện tối khẩn của cấp trên nhận định về âm mưu của Mỹ sẽ dùng pháo đài bay B52 đánh miền Bắc, vào 15h30 ngày 18.12.1972, tôi triệu tập giao ban đại đội sớm hơn thường lệ đến 30 phút để nhắc nhở công tác chuẩn bị và động viên cán bộ, chiến sĩ lên tinh thần sẵn sàng chiến đấu”.

Chân dung ông Dụy vào thời điểm tháng 12.1972 (ảnh trên).Ảnh: LT

Giọng ông Dụy sôi nổi hẳn lên khi nhắc đến các đồng chí, đồng đội trong đội hình chiến đấu hôm đó:

Nguyễn Văn Thuyên, Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Tốn, Nguyễn Văn Hằng (máy radar K3), Bùi Xuân Chung, Trần Thanh Bàn, Nguyễn Văn Khoa, Lê Huy Trâm (máy radar K4) và Nguyễn Văn Kim, Trần Văn Ban, Nguyễn Văn Quý (máy radar 7).

“Lúc này ghi nhận của radar cho thấy tình hình không bình thường, trên bản đồ mi-ca, đường chì đen - biểu thị đường bay của địch, nhiễu cường độ 3: Lúc thẳng, lúc lượn vòng, lúc mất hút…

Đến 18h20, khi phát hiện màn huỳnh quang nhiễu đã lấn át mục tiêu, kinh nghiệm mách bảo về khả năng B52 đang lên từ hướng tây nam và hướng đông, tôi lệnh cho antena sục sạo, chống nhiễu theo phương án mới và đặc biệt lưu ý anh em tập trung trong phương vị 230 đến 300…” - giọng ông Dụy chợt sôi nổi hẳn - “Đang chỉ đạo các bộ phận hoạt động khẩn trương hơn nữa, thì bất chợt nghe Nguyễn Thanh Sơn reo lên: Đây rồi thủ trưởng ơi, B52, cao 10km, 240-350 (phương vị 240, cự ly 350km). Lúc này, đồng hồ điểm 19h04”.

Đây được xác định là một phát hiện vô cùng quan trọng về mặt quân sự, dù trước đó ít phút Đại đội 45 và Đại đội 16 đóng ở Nghệ An đã bắt được “sóng” B52.

Bởi với “công nghệ mới” triển khai lần đầu thì việc lặp lại đúng với kết quả phát hiện trước đó càng củng cố thêm cơ sở cho cấp trên vững tin để triển khai đội hình chiến đấu và hạ B52 đầu tiên trong trận tập kích 12 ngày đêm vào 40 phút sau.

Từ chiến công này đã nối nhịp cầu lập nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” làm chấn động địa cầu.

Bài học “dân chủ”

Sự kiện radar miền Bắc “bắt sóng” được máy bay B52, không chỉ tạo nên chiến thắng mang tính quyết định buộc địch phải ngồi vào bàn đàm phán ngay sau khi vừa định lật lọng bằng “cú lừa đảo lịch sử”, mà còn làm chấn động địa cầu.

Bởi trong mắt các nhà quân sự quốc tế lúc bấy giờ, B52 là pháo đài “bất khả xâm phạm”.

Ngoài khả năng mỗi lần thả 30 tấn bom, có tốc độ bay 18km/phút, nó còn được Không quân Mỹ “xây” xung quanh bức tường bảo vệ kiên cố.

Theo ông Dụy, đáng ngại nhất là hệ thống gây nhiễu đa dạng:

Nhiễu từ các hạm tàu và hàng loạt máy bay chuyên gây nhiễu ngoài đội hình EB66 (Không quân), EA6B, EC121 (Hải quân) và nhiễu của các loại máy bay chiến thuật. Đặc biệt mỗi B52 có 15 máy gây nhiễu, 2 máy phóng nhiễu với hàng trăm bó sợi kim loại nhằm đánh lạc hướng khiến trắc thủ radar của chúng ta khó phân biệt giữa B52 thật và B52 giả.

Một tốp B52 gồm ba chiếc, tổng cộng có 45 máy tạo thành nhiễu dày đặc, đan xen, công suất rất lớn, phạm vi rất rộng.

Vì vậy, vào thời kỳ đầu hầu hết radar của ta rất khó phát hiện được mục tiêu.

Ngoài ra, địch còn tăng cường bằng cách dùng tên lửa Srai (AGM-45 Shrike) phóng từ máy bay tấn công các hệ thống radar của ta.

“Chúng muốn bịt mắt radar và thủ tiêu trắc thủ VN” - giọng ông Dụy bồi hồi - “Ngày 13.4.1972, để dọn đường cho B52 rải thảm bom trên đường 15 (Thanh Hóa), tên lửa Shrike đã bắn liên tiếp vào nhiều mục tiêu, trong đó có đài radar của Đại đội 18 làm đồng chí Trương Hữu Ái hy sinh tại chỗ”.

Chính vì thế nên dù chúng rải thảm bom nhiều lần trong tháng 4.1972 tại các địa phương như Thanh Hóa, Hải Phòng, nhưng chúng ta chỉ hạ được 3 chiếc.

“Trước bức xúc này, tháng 6.1972, Binh chủng Radar chọn đơn vị tôi tổ chức hội nghị, lắng nghe ý kiến và đề xuất từ những người trực tiếp chiến đấu, như trắc thủ từ Vĩnh Linh ra, Đông Bắc, Tây Bắc vào…”.

Ông Dụy nhớ lại: “Lúc đó, đang thời gian nghỉ học nên chúng tôi mượn cơ sở của Trường cấp 2 Yên Định tổ chức”.

Với chủ đề “Vạch nhiễu tìm thù”, trong 3 ngày làm việc khẩn trương dưới sự chủ trì của Tư lệnh Bùi Đình Cường, Phó Chính ủy Nguyễn Đăng Tuất, từ thực tiễn sinh động và đa dạng… hội nghị đã rút ra được nhiều bài học quý tạo nền tảng cho cuộc chiến đấu và chiến thắng B52 sau này, như xác lập thêm đường bay ném bom của B52 từ đảo Guam sang, từ Utapao lên… và còn đúc kết được nhiều quy trình thao tác, quy trình chống nhiễu… giúp Binh chủng Radar tạo cho mình đôi “mắt thần” để giúp các đơn vị chiến đấu nhắm thẳng quân thù mà bắn.

Kỳ tích “mắt thần”

“Ngày 20.5.1975, khi tiếp quản Liên đoàn Kiểm báo ở Tân Sơn Nhất (Liên đoàn), nhiều sĩ quan ở đây đã bày tỏ sự kính phục trước chiến công “bắt sóng” máy bay B52 của radar VN” - ông Dụy kể - “Trung tá Nguyễn Hữu Cầu - Chỉ huy Trung tâm Kiểm báo 33 Sơn Trà (Đà Nẵng) - nói:

Không quân Mỹ đã gây nhiễu nặng, chúng tôi không theo dõi họ được, nhưng không hiểu sao các radar miền Bắc lại làm được? Qua trinh sát điện tử, thấy radar miền Bắc nhiều quá, công suất mạnh quá…

Đợi Trung tá Cầu nói hết, tôi chỉ nhỏ nhẹ: Binh khí là vật vô tri, máy móc chúng tôi có thể thiếu và yếu, nhưng chúng tôi chiến thắng là vì chiến đấu chính nghĩa”.

Tuy nhiên, theo ông Dụy, chính xác hơn đó là chiến thắng của trí tuệ VN.

Một trong những thay đổi cơ bản nhất là chúng ta tạo ra thế trận radar vừa có khả năng khép kín linh hoạt, vừa có khả năng chống nhiễu cho từng chiến dịch, và cho cả chiến lược, cũng như phát hiện liên tục mục tiêu và nhất là vừa đảm bảo an toàn trước cách đánh phá radar của địch.

Theo đó, tùy hoàn cảnh cụ thể của từng đơn vị mà bố trí chuyên môn hóa từng máy radar bám máy bay tiêm kích, bám B52, đo độ cao, chống tên lửa…

Bộ phận báo vụ cũng được thay đổi phương pháp phát nên đã tăng tốc độ từ 190 chữ/phút lên 240 chữ/phút, tiêu đồ đi đường bay từ 10 tốp kên 15 tốp…

“Sau khi bổ sung chất xám VN, nhiều phương tiện ngoại nhập đã phát huy tính năng hoạt động cao hơn cả thiết kế ban đầu” - ông Dụy đưa ra thí dụ điển hình trong số nhiều kỹ thuật đánh B52 - “Và giữa các kỹ năng này có sự bổ trợ, gắn bó liên hoàn với nhau nên đã tạo ra hiệu quả to lớn”.

Điển hình là kỹ thuật đánh lừa tên lửa Shrike của Binh chủng Radar và kỹ thuật “bắn 3 điểm” của Binh chủng Phòng không.

Theo ông Dụy, tên lửa Shrike là tên lửa có điều khiển, có bộ phận “nhớ” rất tốt. Chỉ cần “đọc” được tần số radar phát ra là có thể nhanh chóng tìm đến đúng vị trí để đánh.

Vì vậy, thay vì để máy hoạt động theo cơ chế tự động hóa, từ bài học cơ bản tại hội nghị, các đơn vị radar đã linh động triển khai kỹ thuật sóng thủ công, tạo ra những vòng quay trái với quy luật của nhà chế tạo và không lặp lại giữa vòng sau với vòng trước nên dễ dàng đánh bại khả năng săn mồi của vũ khí tối tân này.

Vô hiệu hóa hỏa lực địch, bộ phận radar có nhiều thời gian hơn đầu tư cho việc “vạch nhiễu tìm thù” để bộ phận phòng không phát huy kỹ thuật “bắn 3 điểm”.

“Đó là chuyên môn sâu, nhưng có thể hiểu cơ bản là kỹ thuật bắn không theo quy luật mà các sách vở đào tạo trên thế giới đúc kết. Chính yếu tố bất ngờ này đã khiến máy bay địch không biết đường né” - ông Dụy nở nụ cười - “Nhờ vậy mà trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, chúng ta đã bắn hạ 34 chiếc B52, làm chết, bị thương và bắt sống trên 200 giặc lái”.

Sau chiến thắng này, Đại đội 18 được báo Quân đội VN tuyên dương bằng bài báo “hoành tráng” kèm bức ảnh Đại đội trưởng Dụy đang chỉ đạo chiến sĩ…

Chiến thắng của trận “Điện Biên Phủ trên không” làm chấn động địa cầu đã buộc Chính phủ Mỹ phải “xuống nước” tuyên bố ngừng ném bom và ngồi vào bàn Hội nghị Paris ký Hiệp định về “Chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở VN”.

Trong đó có dấu ấn chung của lực lượng radar và cá nhân ông Dụy.

Thế nhưng giờ đây ông vẫn sống bình dị ngay giữa lòng thành phố nhộn nhịp bên bờ biển Tây sau hơn 16 năm được điều động chi viện vào Kiên Giang công tác tại nhiều cơ quan dân sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại