Nga-Pháp dứt tình Mistral, Mỹ đắc lợi

Long Thành |

Nga và Pháp đã chính thức thống nhất chấm dứt hợp đồng về tàu đổ bộ trực thăng Mistral càng sớm càng tốt.

Pháp cắn răng

Báo chí Nga ngày 30/7 dẫn lời Trợ lý Tổng thống Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự, ông Vladimir Kozhin cho biết các cuộc đàm phán giữa Nga và Pháp về tàu đổ bộ chở trực thăng Mistral đã hoàn tất.

Hai bên đã xác định thời điểm cũng như số tiền Paris sẽ trả Moskva, hợp đồng sẽ chính thức được chấm dứt càng sớm càng tốt.

Ông Kozhin xác nhận: "Các cuộc đàm phán đã hoàn tất, mọi thứ đã được xác định, cả thời điểm và số tiền. Tôi hy vọng sẽ sớm ký thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng, và sau đó sẽ công bố số tiền Pháp trả cho chúng tôi"".

Nga-Phap dut tinh Mistral, My dac loi
Nga-Pháp chính thức dứt tình vụ Mistral

Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 28/7 tuyên bố Pháp có nghĩa vụ tuân thủ hợp đồng đã ký, đồng thời khẳng định sẽ đưa ra quyết định về việc có hay không việc bàn giao giao các tàu chiến Mistral cho Nga “trong vài tuần tới”.

Theo hợp đồng trị giá 1,2 tỷ euro ký năm 2011 dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, Pháp đóng hai tàu sân bay trực thăng lớp Mistral cho Nga.

Đây là loại tàu chiến dài 180 m, trọng tải 22.000 tấn, có khả năng chở 16 trực thăng, hàng chục xe bọc thép và phương tiện quân sự, cùng tối đa 700 binh sĩ.

Chiếc đầu tiên mang tên "Vladivostok", dự kiến được chuyển giao cho Nga chậm nhất vào tháng 11/2014, chiếc còn lại mang tên "Sevastopol" được chuyển giao trong năm 2015.

Tuy nhiên, cuối tháng 11 năm ngoái giữa lúc quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine,

Pháp đã quyết định hoãn bàn giao 2 tàu này cho Nga và đặt điều kiện chỉ thực hiện hợp đồng khi Nga "thể hiện vai trò tích cực" giúp chấm dứt cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Giới quan sát cho rằng việc Pháp ngừng bàn giao tàu chiến Mistral đầu tiên cho Nga vào cuối năm ngoái là do sức ép từ Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Từ đó tới nay, tình hình diễn biến không theo chiều hướng thuận lợi cho quyết định bàn giao tàu chiến giữa Pháp và Nga. Pháp đang tính đến các khả năng bán lại hai tàu chiến nói trên cho khách hàng mới.

Nga-Phap dut tinh Mistral, My dac loi
Pháp chấp nhận thiệt hại để chiều lòng Mỹ?

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố sẽ không phạt Pháp vi phạm hợp đồng bàn giao tàu Mistal nhưng yêu cầu Paris phải hoàn lại phí tổn mà Moskva đang gánh chịu.

Nguồn tin từ báo chí Nga cho biết Pháp đã đề nghị thay đổi hợp đồng bàn giao hai tàu Mistral, hoàn trả lại Nga khoản tiền 785 triệu euro với điều kiện Pháp có thể bán lại hai tàu chiến nói trên.

Tuy nhiên, Nga vẫn yêu cầu Pháp phải hoàn trả mọi chi phí, kể cả chi phí đào tạo các thủy thủ và xây dựng lại cảng Vladivostok, nơi chiếc tàu Mistral đầu tiên dự định sẽ sử dụng làm căn cứ.

Ngư ông đắc lợi

Hôm 6/7, trong chuyến thăm Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố Chính phủ Pháp quyết định không bàn giao 2 tàu chiến lớp Mistral cho Nga bất chấp việc nước này sẽ phải trả cho Moskva khoản tiền bồi thường lên tới 1,2 tỷ USD.

Lý do được ông Bộ trưởng Drian đưa ra để giải thích cho việc đình chỉ bàn giao 2 tàu quân sự Mistral cho Nga là cuộc xung đột tại Ukraine.

Cho đến nay, theo Pháp, tình hình tại Ukraine vẫn chưa thay đổi vì vậy hợp đồng bán tàu cho Nga sẽ không được thực hiện.

Ông Drian nhấn mạnh Pháp không có sự lựa chọn nào khác và đồng ý sẽ trả tiền bồi thường cho phía Nga.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Pháp cho biết để hạn chế thiệt hại, Paris sẽ tìm cách bán lại 2 tàu chiến này cho khách hàng mới.

Ông Drian bày tỏ hoan nghênh nếu Washington đồng ý mua lại, song cũng cho biết người đồng cấp Mỹ Ashton Carter vẫn chưa đề cập tới vấn đề trên trong các cuộc gặp tại Lầu Năm góc.

Bên trong tàu đổ bộ Mistral

Giới phân tích cho rằng Pháp đã thể hiện tính hai mặt khi lựa chọn quyết định không giao hai tàu Mistral và hủy bỏ hợp đồng với Nga.

Việc hủy hợp đồng có nghĩa là Pháp không tin sẽ có một giải pháp nào đó cho cuộc khủng hoảng Ukraine và đồng nghĩa với việc Pháp xem Nga là “kẻ thù lâu dài”.

Trong khi đó, cũng có nhiều đồn đoán về việc Pháp sẽ làm gì sau khi hủy hợp đồng với Nga.

Những trục trặc như thế này đã từng xảy ra trong quá khứ, liên quan tới lệnh cấm vận chống Nam Phi năm 1977, ngừng cung cấp vũ khí cho Iraq năm 1989 sau cuộc xâm lược Kuweit, nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994 hay cuộc tấn công Libya năm 2011...

Có ý kiến đề nghị giao các thiết bị này cho NATO. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp này dường như là không thích hợp nhất vì như vậy sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa các nước phương Tây với Nga.

Cũng có ý kiến đề nghị các thiết bị này giao cho EU, và được xem là có vẻ hợp lý hơn vì EU không phải là một liên minh quân sự, các sứ mệnh của tổ chức này là duy trì hòa bình hoặc nhân đạo mà đối với nó Mistral là một công cụ lý tưởng.

Nếu thực hiện giải pháp này, đây sẽ là cơ hội để EU thể hiện khả năng của mình, điều mà bấy lâu nay họ vẫn luôn tìm kiếm.

Mỹ lo sợ bị vũ khí Nga-Pháp chiếm thị phần

Từ trước tới nay, Mỹ vẫn luôn kêu gọi Pháp không giao Mistral cho Nga. Lý do được đưa ra là cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng đã chỉ thẳng sự lo sợ của Mỹ trong thương vụ này mà Ukraine chỉ là cái cớ.

Thứ nhất, nếu hợp đồng này thành công sẽ tạo điều kiện để hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa Nga và Pháp trở nên sâu sắc hơn, không loại trừ Moskva sẽ đề nghị Paris sở hữu một số vũ khí Nga rẻ hơn và hiệu quả quả hơn vũ khí Mỹ.

Và sau Pháp, sẽ có nhiều nước châu Âu mong muốn mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng với Nga. Wasington muốn chặn đứng con bài domino này.

Thứ hai, việc Pháp hủy hợp đồng với Nga có thể khiến ngành công nghiệp quốc phòng Pháp gặp khủng hoảng vì phải đền bù hợp đồng quá lớn, không dưới 3 tỉ euro, đồng thời uy tín của Paris với tư cách là nhà cung cấp vũ khí sẽ giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến giảm sức cạnh tranh trên thị trường vũ khí, nơi Mỹ là tay chơi hàng đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại