Nga dần hoàn thiện khả năng công - thủ tại Bắc Cực

Nga đang biến Bắc Cực thành pháo đài bất khả xâm phạm khi liên tiếp công bố kế hoạch trang bị khủng cho lực lượng vũ trang tại đây.

Hãng TASS ngày 30/12 dẫn nguồn tin ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, 50 chiếc máy bay đánh chặn siêu âm nâng cấp MiG-31BM sẽ được biên chế cho Không quân Nga để bảo vệ các hướng chiến lược quan trọng nhất của nước này tại Bắc Cực.

Theo nguồn tin trên, những chiến đấu cơ được hiện đại hóa lên tiêu chuẩn MiG-31BM sẽ được bàn giao cho quân vào cuối năm 2018.

"Sau khi được hiện đại hóa sâu rộng lên tiêu chuẩn MiG-31BM, số máy bay đánh chặn này sẽ được đưa vào trực chiến để bảo vệ các hướng chiến lược đặc biệt quan trọng, trong đó có Bắc Cực", nguồn tin trên nói.

Ngay từ năm 1998, MiG-31 đã được Nga hiện đại hóa sâu để tạo ra biến thể MiG-31BM. Hai chiếc máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31BM đầu tiên được biên chế cho Không quân Nga vào năm 2008. Năm 2012 có thêm sáu chiếc nữa được đưa vào biên chế.

Theo truyền thông Nga, các máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31BM được nâng cấp về hệ thống điện tử và dữ liệu kỹ thuật số, trang bị radar đa năng, buồng lái mới cùng hệ thống kiểm soát vũ khí mạnh hơn.

MiG-31BM có thể hoạt động hoàn toàn độc lập mà không cần sự hỗ trợ của các hệ thống kiểm soát không gian trên mặt đất. MiG-31BM được trang bị radar mảng pha Zaslon M mạnh hơn radar đời đầu lắp trên MiG-31.

Zaslon M có tầm hoạt động 300-400km, theo dõi 24 mục tiêu và tiêu diệt 6 trong số đó cùng lúc. Buồng lái của máy bay tiện nghi hơn đem lại sự thoải mái cho phi công, nó được lắp màn hình HUD và màn hình màu tinh thể lỏng hiển thị thông số kỹ thuật bay cũng như tình trạng vũ khí.

Vũ khí đối không chủ lực của MiG-31BM là tên lửa tầm xa R-37 mạnh hơn so với R-33 trên phiên bản cũ. R-37 có tầm bắn từ 150-398km, tốc độ hành trình Mach 6, hệ dẫn đường kết hợp quán tính và radar chủ động, lắp đầu đạn nổ phân mảnh 60kg. MiG-31BM mang tên lửa đối không tầm ngắn - tầm trung tiên tiến hơn như R-73 và R-77.

MiG-31BM có thể thực hiện nhiệm vụ chế áp hệ thống phòng không đối phương (SEAD) bằng tên lửa chống radar Kh-31P, Kh-58. Trong nhiệm vụ không đối đất, MiG-31BM tấn công tiêu diệt mục tiêu bằng tên lửa đối đất Kh-29 hoặc tên lửa hành trình đối đất tầm xa Kh-59.

Hiện nay, MiG-31BM vẫn tiếp tục được nằm trong kế hoạch hiện đại hóa kéo dài đến năm 2020 của quân đội Nga.

Việc Nga công bố kế hoạch biên chế phi đội MiG-31BM diễn ra đồng thời với kế hoạch triển khai 1 trung đoàn tên lửa phòng không S-400 tại Bắc Cực. Đến khi kế hoạch này được thực hiện, S-400 và MiG-31 cùng với những vũ khí đã được Nga triển khai tại đây sẽ hoàn thiện khả năng công – thủ của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại