Mỹ bí mật tập trận oanh tạc tại căn cứ gần Biển Đông

Anh Tuấn |

Theo thông tin mới nhận được, hai máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã thực hiện một hoạt động tập trận oanh tạc bằng vũ khí thật tại miền Bắc nước Úc vào đầu tháng này.

“Hai chiếc Pháo đài bay B-52 thuộc Phi đội Ném bom số 2 của căn cứ không quân Barksdale, bang Louisiana, vừa trở về sau khi tiến hành một nhiệm vụ kéo dài 44 tiếng tại Úc”, Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ công bố.

Trong lần bay này, các phi cơ B-52 đã diễn tập thả bom thật tại căn cứ không quân Delamere, nằm tại phía nam thành phố Darwin (Úc) nơi quân đội Mỹ đang đóng tại đó. Các phi cơ này cũng thực hiện oanh kích tầm thấp tại căn cứ Tindal gần đó.

Máy bay B-52 của không quân Mỹ

Cũng theo công bố trên, hoạt động lần này được thực hiện với sự phối hợp của quân đội Úc và đã cho thấy “khả năng tiến hành các cuộc không kích trên toàn thế giới, đồng thời đây là cơ hội để cùng hợp tác với một đồng minh chiến lược nằm trong phạm vi hoạt động của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ”.

Chỉ huy của Bộ Tư lệnh Mỹ, tướng Cecil D. Haney phát biểu: “Những chuyến bay này là một trong những cách để Mỹ khẳng định cam kết xây dựng một Châu Á - Thái Bình Dương ổn định và hòa bình”.

“Bên cạnh việc nâng cao kỹ năng thực hiện nhiệm vụ trên không và làm nhiệm vụ trên toàn cầu, việc huấn luyện và phối hợp đảm bảo an ninh với các đồng minh trong khu vực sẽ cải thiện khả năng cùng nhau đáp trả bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào”, tướng Haney nói thêm.

Vào tháng 8/2014, Mỹ và Úc ký một thỏa thuận cho phép Hoa Kỳ sử dụng một khoảng đất 200.000 hecta của căn cứ Delamare để huấn luyện thả bom. Thỏa thuận này ghi rõ rằng B-52 là một trong những loại máy bay sẽ được sử dụng trong các đợt tập trận này.

Tháng trước, một trợ lý đảm trách vấn đề an ninh ở vùng Châu Á - Thái Bình Dương của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ là ông David Shear đã gây tranh cãi khi đã nói nhầm rằng Hoa Kỳ có kế hoạch đặt máy bay ném bom B-1 tại Úc.

Các hãng thông tấn tại Úc trích dẫn lời của ông Shear rằng: “Chúng tôi sẽ bố trí các loại khí tài của Không quân Mỹ tại Úc, trong đó có phi cơ B-1 và các loại máy bay do thám khác”.

Chính phủ Úc ngay lập tức phủ nhận lời của ông Shear. Thủ tướng Úc Tony Abbott nói rằng ông này đơn giản đã “nói nhầm”, còn một quan chức giấu tên của nước này cũng nói rằng ông Shear “thiếu quan sát”.

Một quan chức từ Đại sứ quán Mỹ tại Úc sau đó đã xác nhận rằng: “Hoa Kỳ không có kế hoạch đưa oanh tạc cơ B-1 và các loại máy bay do thám vào nước Úc”.

Úc có chính sách đối ngoại phức tạp đối với Trung Quốc. Một mặt, Canberra lo ngại về những hoạt động gần đây của Trung Quốc, cụ thể là trên Biển Đông.

Úc đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc Trung Quốc xây dựng trên các đảo tranh chấp, đồng thời đẩy mạnh tuần tra trên biển và mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước như Mỹ và cả Nhật Bản.

Mặt khác, Trung Quốc hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, điều này buộc Canberra phải thận trọng trước những chính sách đối với Trung Quốc.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại