Ki-84 máy bay nhanh nhất của Nhật Bản trong CTTG II

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Nakajima Ki-84 là loại máy bay chiến đấu có tốc độ nhanh nhất, hiệu quả nhất của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ II.

Trước và trong những năm Chiến tranh thế giới thứ II đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực hàng không quân sự Nhật Bản. Ngành công nghiệp hàng không Xứ sở Mặt trời mọc đã cho ra đời rất nhiều mẫu máy bay chiến đấu thành công như Mitsubishi A6M Zero, Nakajima Ki-27, Nakajima Ki-43... gây ra những cơn ác mộng khủng khiếp cho lực lượng đồng minh.

Ngoài những máy bay chiến đấu nổi tiếng nói trên, Nhật Bản còn cho ra đời một mẫu chiến đấu cơ rất thành công khác là Nakajima Ki-84 Hayate (lực lượng Đồng minh gọi là Frank). Nó được đánh giá là chiếc máy bay chiến đấu tốt nhất của Nhật Bản trong các hoạt động quy mô lớn.

Máy bay chiến đấu nhanh nhất của Nhật Bản

Quá trình phát triển Nakajima Ki-84 được bắt đầu vào năm 1942 theo yêu cầu của Không quân Đế quốc Nhật Bản nhằm bổ sung và thay thế dần cho Nakajima Ki-43. Yêu cầu đặt ra là máy bay mới phải có được tính cơ động tuyệt vời như Ki-43 đi kèm với hỏa lực đủ mạnh để chống lại các máy bay chiến đấu được bọc giáp tốt của quân Đồng minh.

Ki-84 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 3/1943, quá trình sản xuất hàng loạt và đưa vào hoạt động từ năm 1944. Ki-84 có thiết kế khí động học tương tự Ki-43 với một số sửa đổi ở khung, cánh tà. Máy bay đã khắc phục hầu hết các điểm yếu trên Ki-43 về khả năng cơ động, hỏa lực yếu và giáp bảo vệ kém.

Ki-84 là máy bay chiến đấu không chiến hiệu quả nhất của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II.

Ki-84 là máy bay không chiến hiệu quả nhất của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ II.

Cánh máy bay làm bằng kim loại giúp cải thiện lực nâng và tải trọng, khu vực buồng lái được bọc giáp dày và thùng nhiên liệu tự hàn tốt hơn. Ki-84 trang bị động cơ cánh quạt 4 lưỡi Nakajima Ha-45 công suất 1.800 mã lực với 18 xy lanh ứng dụng công nghệ phun nhiên liệu trực tiếp. Động cơ này cho phép Ki-84 đạt tốc độ tối đa khoảng 686 km/h, đưa nó trở thành loại máy bay chiến đấu nhanh nhất của Nhật Bản thời đó. Tuy nhiên động cơ này có yêu cầu bảo trì quá phức tạp, gây ra những khó khăn cho các hoạt động chiến đấu vào giai đoạn cuối của chiến tranh.

Ki-84 được vũ trang khá mạnh với 2 súng máy hạng nặng 12,7 mm trong thân cùng 2 pháo 20 mm gắn ở 2 bên cánh. Hệ thống hỏa lực này cho phép Ki-84 đối phó hiệu quả với các máy bay chiến đấu hạng nặng của lực lượng Đồng minh.

Hỏa lực mạnh, khả năng cơ động cao, tốc độ bay nhanh đã biến Ki-84 đã trở thành một đối thủ đầy thách thức trên không. Máy bay này có thể tham chiến chống lại hầu hết các chiến đấu cơ của Không quân Đồng minh kể cả nhiệm vụ đánh chặn những máy bay ném bom bay cao như B-29 Superfortresses.

Ki-84 là máy bay chiến đấu hiếm hoi có thể đánh chặn các máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ(ảnh minh họa)

Ki-84 là máy bay chiến đấu hiếm hoi có thể đánh chặn các máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ (ảnh minh họa)

Mùa hè năm 1944, Ki-84 đã được triển khai đến Trung Quốc cùng với Sentai 22 (tên gọi đơn vị Không quân đế quốc Nhật Bản tương đương cấp trung đoàn) để chống lại các máy bay P-47 Thunderbolts và P-51 Mustangs của đơn vị Không quân số 14 của Mỹ.

Trong 5 tuần tham chiến đầu tiên Ki-84 đã lập chiến công bắn hạ 22 máy bay đối phương, đưa nó trở thành máy bay không chiến hiệu quả nhất của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ II. Hiệu suất tuyệt vời của Ki-84 đã gây rất nhiều khó khăn cho các hoạt động chiến đấu của lực lượng Đồng minh

Ki-84 tham chiến chính thức trên quy mô lớn trong trận đánh Vịnh Leyte, Philippines - trận hải chiến lớn nhất lịch sử thế giới. 7 trung đoàn Ki-84 (khoảng 315 chiếc) đã được triển khai trên đảo Leyte để ngăn chặn cuộc tấn công của Mỹ lên hòn đảo này.

Ki-84 cũng được sử dụng trong trận chiến Okinawa. Tuy nhiên, các phi công Nhật Bản đã bị choáng ngợp bởi số lượng quá lớn của máy bay Đồng minh dẫn đến hiệu suất chiến đấu không cao. Mặt khác, những thất bại liên tiếp càng làm cho tinh thần chiến đấu của họ suy giảm nghiêm trọng.

Về lý thuyết, Nhật Bản hoàn toàn có đủ số lượng máy bay để ngăn chặn cuộc tấn công của Mỹ. Tuy nhiên, ngay trong thời điểm cam go đó, Ki-84 lại bắt đầu “dở chứng”. Động cơ của nó không thực sự tin cậy trong các điều kiện chiến đấu khắc nghiệt, bộ phận hạ cánh rất dễ bị tổn thương khi đáp xuống những đường băng gồ ghề.

Thực ra, điểm yếu của Ki-84 không phải do thiết kế mà chính là do quá trình sản xuất gặp vấn đề. Càng về cuối chiến tranh, Nhật Bản càng bị cô lập về nguyên vật liệu dẫn đến buộc phải sử dụng các kim loại kém chất lượng.

Sự xuất sắc của Ki-84 hay Ki-43 vẫn không đủ để làm thay đổi cục diện chiến trường.(Trong ảnh Ki-43 và Ki-84 tại một sân bay của Hàn Quốc sau chiến tranh)
Sự xuất sắc của Ki-84 hay Ki-43 vẫn không đủ để làm thay đổi cục diện chiến trường.(Trong ảnh Ki-43 và Ki-84 tại một sân bay của Hàn Quốc sau chiến tranh)

Máy bay được yêu cầu sản xuất với tốc độ quá nhanh để đưa vào tham chiến nên không thể đảm bảo được việc kiểm soát chất lượng. Có đến 3.382 chiếc Ki-84 được sản xuất chỉ trong vòng 17 tháng, tốc độ sản xuất nhanh hơn “gà đẻ” này là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của Ki-84 trong chiến đấu.

Bên cạnh đó, số lượng phi công được đào tạo một cách bài bản và dày dạn kinh nghiệm bị bắn hạ ngày càng nhiều. Những phi công mới vào nghề được đào tạo một cách vội vàng tỏ ra quá “non tay” trước các phi công lão luyện của Đồng minh.

Tuy nhiên xét về tổng thể Ki-84 vẫn là một máy bay chiến đấu thành công, nó là loại phi cơ hiếm hoi của Nhật Bản có thể gây tốt thất nặng nề cho máy bay ném bom B-29 của Mỹ. Tuy nhiên, do bị quá tải trong một cuộc chiến không cân sức, sự xuất sắc của Ki-84 là không đủ để thay đổi cục diện chiến trường.

Máy bay chiến đấu Nakajima Ki-84 trong Chiến tranh thế giới II

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại