Hé lộ vũ khí trong cuộc 'khoe hàng' kỷ lục của Triều Tiên

Báo chí Hàn Quốc hôm 17.7 cho biết, CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị cho một cuộc duyệt binh khổng lồ nhân 60 năm kết thúc chiến tranh liên Triều (1950 - 1953). Sự kiện đã làm dấy lên những kỳ vọng rằng thế giới có thêm cơ hội chứng kiến những thứ vũ khí đời mới được quốc gia này “khoe ra”, như tên lửa đạn đạo tầm xa gắn trên xe kéo di động.

Nín thở chờ đợi một cuộc “khoe hàng” kỷ lục
Tiềm lực quân sự của Triều Tiên vẫn luôn là một bí ẩn lớn với thế giới bên ngoài.

Cơ hội phô trương trong các cuộc duyệt binh hoành tráng

Theo hãng tin Yonhap, Triều Tiên đã lắp đặt tên lửa tầm ngắn Scud, tầm trung Nodong và tầm trung Musudan vào các xe phóng di động để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh, dự kiến tổ chức trong ngày 27.7. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Triều Tiên huy động khoảng 10.000 binh lính tham gia luyện tập ở sân bay Mirim gần thủ đô Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm.

Bình Nhưỡng đã coi 27.7 là “Ngày Chiến thắng trong cuộc chiến giải phóng tổ quốc” để ca ngợi các thành tựu của cố chủ tịch Kim Il-sung trong cuộc chiến dài 3 năm. Đây cũng là một trong mười ngày quốc lễ ở Triều Tiên. Hồi tháng 2 vừa qua Uỷ ban T.Ư Đảng Lao động Triều Tiên đã thông qua kế hoạch tổ chức duyệt binh, tuần hành và bắn pháo hoa để mừng 60 năm kết thúc chiến tranh. Do là năm chẵn, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ khoe ra một lượng lớn vũ khí giống như kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Il-sung. Lần đó, Bình Nhưỡng đã cho công chúng trong nước và thế giới mãn nhãn bằng 880 vũ khí và trang thiết bị quân sự khác nhau - số lượng nhiều nhất từ trước tới nay.

Chúng bao gồm máy bay không người lái, tên lửa chống tăng đời mới, tên lửa đất đối đất tầm ngắn, tầm trung và khí tài quân sự mới. Mẫu máy bay chiến đấu không người lái (UAV) của Triều Tiên dường như đã được chế tạo dựa theo mẫu MQM-107D của Mỹ. Mẫu máy bay gốc này đã rơi vào tay Triều Tiên qua đường mua lại từ một số nước Trung Đông. Các UAV này chủ yếu là... mục tiêu tập bắn để không quân và lục quân Mỹ tập luyện. Quân đội Mỹ đã sử dụng mẫu UAV này để thử nhiều hệ thống tên lửa đất đối không khác nhau như Stinger và Patriot. Không quân dùng nó để thử tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder và AIM-120 AMRAAM. Sau khi rơi vào tay Triều Tiên, UAV này được gắn thêm thuốc nổ và có thể để tấn công mục tiêu quan trọng.

Vũ khí chống tăng đời mới của Triều Tiên về cơ bản vẫn là loại RPG-7 vác vai được trang bị quả đạn mới, có khả năng xuyên giáp xe tăng dày hơn. “Chúng tôi sợ rằng mẫu đạn chống tăng mới này có thể xuyên thủng giáp xe tăng chủ lực K-1” - một nguồn tin quân sự Hàn Quốc nói với Yonhap vào năm ngoái.

Nhưng, dư luận quan tâm nhất vẫn là tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Năm 2010, Triều Tiên gây sốt khi lần đầu tung ra tên lửa Musudan. Quả tên lửa tầm trung này đến nay vẫn là một bí ẩn lớn với thế giới vì chưa từng được bắn thử. Người ta phỏng đoán do Musudan đặt trên xe kéo kiêm bệ phóng di động MAZ-547A/MAZ-7916 với khả năng chở tên lửa nặng 27 tấn, nó có thể nặng chừng 14,2 tấn, với chiều dài 12 mét, đường kính 1,5 mét. Tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, mang một đầu đạn nặng khoảng 1,2 tấn, với tầm bắn từ 2.000km tới 5.000km.

Trong cuộc duyệt binh năm ngoái, Triều Tiên gây chú ý khi công bố món “đồ chơi” mới nhất: tên lửa đạn đạo KN-08. “Gần như mọi vũ khí trên bộ đã được khoe ra, nhiều khả năng lần này tên lửa tầm xa KN-08 sẽ lại xuất hiện vào cuối buổi duyệt binh” - Yonhap nhận định hôm 17.7.

 

Vũ khí bắn được tới Mỹ chỉ là mô hình?

KN-08, tên gọi khác là Nodong-C và Hwasong-3, được Mỹ và phương Tây gọi là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chiến lược (ICBM) do kích cỡ rất lớn của nó. Giống như Musudan, thông tin về KN-08 hiện đang nằm trong vòng bí mật.

Theo nguồn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, 6 quả tên lửa được khoe hồi tháng 4 năm ngoái chở trên xe kiêm bệ phóng tương tự xe chở tên lửa Topol-M của Nga. Người ta tin rằng chiếc xe này đã được chế tạo dựa trên bộ khung mẫu của xe WS-51200 do Cty sản xuất xe chuyên dụng Wanshan, Trung Quốc, chế tạo.

Dựa trên kích thước của chiếc xe, người ta ước tính tên lửa có chiều dài 17 mét, đường kính 1,9 mét trong tầng 1 và tầng 2, giảm xuống còn 1,3 mét trong tầng 3. Nhiều khả năng nó sử dụng nhiên liệu rắn. Thông số này khiến KN-08 có tầm bắn chừng 6.000 - 9.000km, gần bằng với tầm hoạt động ước tính của Taepodong-2.

Không giống Taepodong-2, KN-08 có khả năng cơ động rất tốt nên khó bị phát hiện và phá hủy. Tên lửa này cũng có thể được phóng đi trong thời gian ngắn do không mất thời gian nạp nhiên liệu lỏng như ở Taepodong-2.

Ngày 17.2 năm nay, Yonhap dẫn nhiều nguồn tin Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên mới chỉ thử thành công động cơ đẩy tầng 1 của tên lửa này ở Pongdong-ni, tại Trung tâm thử nghiệm động cơ tĩnh tỉnh Bắc Phyongan. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy tên lửa này đã được Triều Tiên đưa vào trang bị, trong khi chưa từng bắn thử nó.

Lãnh đạo quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng đe dọa do Musudan và KN-08 mang lại. “Triều Tiên đã phát đi các thông tin đáng chú ý. Nhưng chúng tôi vẫn chưa được chứng kiến Musudan và loại tên lửa ICBM lớn hơn kia thể hiện một màn trình diễn đáng tin” - Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear tuyên bố.

Quan điểm nghi ngờ này cũng được một số chuyên gia ủng hộ. Sau khi kiểm tra các bức ảnh chụp KN-08, chuyên gia tên lửa Markus Schiller và cộng sự Robert Schmucker kết luận trên hãng tin AP rằng việc tên lửa có 3 tầng và đặt trên bệ phóng di động là đặc điểm dễ nhận thấy nhất của tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn. Nhưng trên thân nó vẫn có chứa một số đặc điểm kỹ thuật của tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng. Việc pha tạp nhiều đặc điểm và thực tế rằng Triều Tiên không có kinh nghiệm, cũng như năng lực chế tạo ICBM sử dụng nhiên liệu rắn đã khiến hai người kết luận tên lửa này là sản phẩm giả.

Không còn nghi ngờ gì về việc những quả tên lửa đó chỉ là mô hình” - họ đánh giá - “Chưa rõ Triều Tiên thiết kế tên lửa như thế để đánh lừa các nhà phân tích nước ngoài, hay đây là một sản phẩm vụng về thực sự. Câu hỏi nữa là liệu mô hình KN-08 được xây dựng theo một nguyên mẫu tên lửa thực sự đang được bí mật phát triển, hay tất cả chỉ là một màn trình diễn đã qua dàn dựng?”.

Schiller đi xa hơn khi khẳng định rằng ngay cả khi KN-08 là một sản phẩm hoàn thiện, Triều Tiên “hoàn toàn không thể” có khả năng tấn công đáng tin cậy cùng thứ vũ khí này khi chưa từng bắn thử. Theo ông trước kia, phương Tây biết được nhiều thông tin về Taepodong-2 chủ yếu nhờ các hoạt động thử tên lửa này. Mặc dù khả năng cơ động của KN-08 khiến người ta khó theo dõi hơn, nhưng chắc chắn quỹ đạo của nó sẽ hiện lên trên màn hình của rađa tầm xa, cũng như trên vệ tinh một khi Triều Tiên tiến hành bắn thử. Song điều này đã không xảy ra.

 

Sẽ thu hút sự quan tâm lớn

Nhưng cũng có luồng dư luận ở Mỹ coi trọng thực sự các mối đe dọa tới từ KN-08. Trong một buổi thông báo vắn tắt tại Bộ Quốc phòng Mỹ trong ngày 15.3, Phó Tham mưu trưởng Liên quân, Đô đốc James Winnefeld đã phát tín hiệu cho thấy quân đội tin rằng KN-08 là một mối đe dọa nghiêm trọng, dù các chuyên gia phỏng đoán 6 quả tên lửa được mang ra “khoe” trong tháng 4.2012 có thể chỉ là sản phẩm giả mạo hoặc đơn thuần là mô hình. “Chúng tôi tin rằng KN-08 rất có thể đạt được tầm bắn đủ xa để vươn tới Mỹ” - ông nói.

Chuyên gia phân tích B.Klingner thuộc Quỹ Di sản có trụ sở ở Mỹ nói rằng các chuyên gia tên lửa và kiểm soát vũ khí không nên vội vã đánh giá thấp khả năng của KN-08. Ông cho rằng các tên lửa được mang ra trưng bày có thể là mô hình thử nghiệm cho một hệ thống đã phát triển cao hơn của Triều Tiên. “Người ta thường có quan điểm không xem KN-08 như một mối đe dọa nghiêm túc. Điều này cũng dễ hiểu vì lâu nay nhiều chuyên gia đã đánh giá thấp khả năng phát triển tên lửa của Triều Tiên” - Klingner nói. Tuy nhiên ông chỉ ra rằng ít nhà dự báo đã đoán trước được việc Triều Tiên sẽ thành công khi phóng tên lửa mang vệ tinh Unha-3 hồi tháng 12 năm ngoái, vốn được xem là một phiên bản đã qua chỉnh sửa của tên lửa Taepodong 2.

 

Việc quả tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo thành công khi đó thực sự đã khiến nhiều chuyên gia “bổ ngửa” vì không ngờ Triều Tiên lại có sự tiến bộ mạnh như vậy về công nghệ tên lửa. Sự chủ quan của họ một phần tới từ việc các cuộc phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên trong thời gian ngắn trước đó đều thất bại.

Klingner cũng cảnh cáo những ai nghi ngờ khả năng Triều Tiên đã làm chủ được vũ khí hạt nhân. Theo ông, Mỹ đã phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên và mang vào sử dụng trong những năm 1940 chỉ sau một lần thử duy nhất, trong khi Triều Tiên đã có 3 lần thử hạt nhân. Tương tự, Israel hiện đang có một kho vũ khí hạt nhân trong tay, dù nước này chỉ thử nguyên tử đúng một lần tại bờ biển ngoài khơi Nam Phi.

Vì lẽ đó, bất kỳ món vũ khí mới nào được Triều Tiên mang ra khoe trong cuộc duyệt binh lần này đều sẽ thu hút sự quan tâm và mổ xẻ của quân đội Mỹ, Hàn Quốc và các chuyên gia quân sự quốc phòng, bởi lẽ không có gì là không thể xảy ra ở đất nước nổi tiếng bí mật như Triều Tiên.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại