F14 Myanmar và Gepard 3.9 Việt Nam - Chiến hạm nào mạnh hơn?

Đức Anh |

Khinh hạm F14 lớp Kyan Sitthar có lợi thế ở tên lửa chống hạm C-802A tầm bắn 180 km, trong khi Gepard 3.9 có năng lực phòng không tốt hơn.

Hôm 24/12, Hải quân Myanmar đã tiếp nhận khinh hạm tàng hình UMS Sin Phyu Shin (F14), đây là tàu thứ hai thuộc lớp Kyan Sitthar do công nghiệp đóng tàu Myanmar chế tạo với sự giúp đỡ kỹ thuật từ Trung Quốc.

Giới quân sự Myanmar cho rằng F14 là tàu chiến mạnh nhất của hải quân nước này và không thua kém các chiến hạm khác trong khu vực Đông Nam Á. Nếu sánh so với Gepard 3.9 của Việt Nam, F14 có những điểm mạnh và hạn chế nào?

Thiết kế

F14 có thiết kế thủy động lực học theo công nghệ tàng hình. Tàu có 2 tháp radar ở phía trước và phía sau, phía đuôi có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng chống ngầm Ka-27 của Nga hoặc Z-9C của Trung Quốc.

Kyan Sitthar có bề ngoài khá giống tàu hộ vệ tên lửa Type 054A. Các kỹ sư Trung Quốc giữ vai trò rất lớn trong chương trình đóng mới tàu chiến của Myanmar nên ảnh hưởng từ Bắc Kinh là không có gì đáng ngạc nhiên.

Lớp khinh hạm này có chiều dài 108 m; rộng 13,5 m; lượng giãn nước đầy tải khoảng 3.000 tấn. Phía Myanmar tuyên bố F14 có khả năng tán xạ sóng radar khá tốt nhưng thông tin trên vẫn chưa được xác nhận.

Trong khi đó, Gepard 3.9 của Việt Nam cũng có thiết kế tàng hình nhẹ, nhưng tàu chỉ có sàn đáp mà không có nhà chứa cho trực thăng chống ngầm đi cùng.

Gepard có chiều dài 103 m; rộng 13 m; mớn nước 5,3 m; lượng giãn nước toàn tải 2.100 tấn. Xét về mặt thiết kế F14 và Gepard tương đương nhau.

Hệ thống điện tử


Radar tìm kiếm mục tiêu trên không RAWL-02 do Ấn Độ sản xuất theo giấy phép của Pháp

Radar tìm kiếm mục tiêu trên không RAWL-02 do Ấn Độ sản xuất theo giấy phép của Pháp

Cảm biến chính của F 14 gồm radar tìm kiếm mục tiêu trên không RAWL-02 do Ấn Độ sản xuất, lắp ở tháp phía sau. Radar này hoạt động trên băng tần L, phạm vi tìm kiếm mục tiêu khoảng 270 km.

Tháp phía trước lắp radar tìm kiếm mục tiêu Type 362 cho tên lửa chống hạm của Trung Quốc. Radar này có tầm hoạt động khoảng 100 km.

Ngoài ra, F14 còn có 2 radar điều khiển hỏa lực Type 47 của Trung Quốc lắp dưới chân tháp radar. Tàu sử dụng hệ thống định vị thủy âm HMS-X do Ấn Độ chế tạo để tìm kiếm và phát hiện tàu ngầm đối phương.

Việc tàu chiến Myanmar sử dụng thiết bị điện tử từ nhiều quốc gia khác nhau đặt ra những câu hỏi về khả năng tích hợp chúng vào trong một môi trường chiến thuật thống nhất.

Đối với Gepard 3.9, tàu được trang bị radar tìm kiếm mục tiêu trên không MR-352 Pozitiv-ME (Cross Dome) có tầm trinh sát 150 km.

Bên cạnh đó là radar hỏa lực MR-123-02 Vympel điều khiển bắn cho pháo hạm và radar hỏa lực Mineral-ME tầm trinh sát lên tới 450 km để dẫn đường cho tên lửa chống hạm.

Cấu hình của Gepard hiện đang hoạt động trong Hải quân Việt Nam không có chức năng chống ngầm nhưng sẽ được bổ sung trong cặp tàu đang đóng ở Nga.

Như vậy, phạm vi tìm kiếm mục tiêu của các cảm biến trên Gepard 3.9 đều lớn hơn F14, toàn bộ hệ thống do Nga chế tạo nên độ ổn định khi hoạt động cũng cao hơn.

Vũ khí


Cụm phóng tên lửa chống hạm Kh-35 Uran E của khinh hạm 011 Đinh Tiên Hoàng

Cụm phóng tên lửa chống hạm Kh-35 Uran E của khinh hạm 011 Đinh Tiên Hoàng

Gepard 3.9 được trang bị pháo hạm AK-176M cỡ 76,2 mm, pháo có tốc độ bắn tối đa 120 viên/phút, tầm bắn 15 km; 2 pháo phòng không cao tốc AK-630M tốc độ bắn 5.000 viên/phút ở phía sau, tầm bắn hiệu quả 4 km.

Phía trước tàu có 1 hệ thống phòng không tích hợp Palma. Tổ hợp gồm 2 pháo bắn siêu nhanh AO-18K 6x30 mm, tốc độ bắn 5.000 viên/phút và 8 tên lửa đánh chặn tầm thấp Sosna-R. Palma đánh chặn được đồng thời 6 mục tiêu ở cự ly 8 km.

Vũ khí chủ lực của Gepard là 8 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E tầm bắn 130 km, mang theo đầu đạn nặng 145 kg, vô hiệu hóa được tàu chiến có lượng giãn nước đến 5.000 tấn.

Trong khi đó, pháo hạm của F14 là Oto Melara Super Rapid 76,2 mm có tốc độ bắn tương đương AK-176M nhưng tầm bắn xa hơn 5 km, đặc biệt hơn nó còn bắn được đạn Vulcano tầm 40 km.

Trên các khinh hạm lớp Kyan Sitthar còn có 3 hệ thống phòng thủ tầm cực gần NG-18 do Trung Quốc sản xuất; 6 giá phóng tên lửa phòng không vác vai và 2 súng máy bên mạn tàu có nguồn gốc từ Triều Tiên.

Vũ khí mạnh nhất của F14 là 8 tên lửa chống hạm C-802A của Trung Quốc. Tên lửa C-802A có tầm bắn 180 km mang theo đầu đạn nặng 165 kg. Ngoài ra, tàu còn được lắp đặt 2 cụm phóng ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Yu-7 cũng của Trung Quốc.

Trước đó từng có thông tin cho rằng, F14 sẽ mang hệ thống phòng không tầm xa HQ-9. Tuy nhiên khả năng này rất khó xảy ra vì F14 chỉ có lượng giãn nước 3.000 tấn, không phù hợp với kích thước của HQ-9.

Xét về tổng thể, F14 có lợi thế ở tầm bắn của tên lửa chống hạm nhưng năng lực phòng không quá yếu, còn Gepard 3.9 được thiết kế hài hòa cả về năng lực tấn công lẫn phòng thủ.

Gần đây xuất hiện thông tin cho rằng Gepard 3.9 của Việt Nam sẽ lắp tên lửa chống hạm Klub. Khi đó, năng lực tấn công của Gepard sẽ vượt trội F14.

Điểm yếu của Gepard 3.9 là khả năng chống ngầm sẽ được khắc phục ở cặp tàu tiếp theo, nhưng đáng tiếc nhà chứa trực thăng vẫn chưa nằm trong cấu hình hiện đại hóa, do vậy đây là điểm mà F14 được đánh giá cao hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại