Điểm yếu chết người của Không quân Nga trước Mỹ

Tuấn Vũ |

Tạp chí quốc phòng National Interest vừa chỉ ra những điểm yếu chết người của Không quân Nga trước Mỹ. Vậy Không quân Nga có thực sự như vậy?

Tạp chí Mỹ thống kê, năm 2010, Không quân và lực lượng máy bay của Hải quân Nga chỉ đặt mua 19 máy bay cánh cố định mới.

Con số máy bay mới được mua về sau đó tăng lên thành 24 máy bay trong năm 2011, 35 máy bay trong năm 2012, 51 máy bay năm 2013 và 101 chiếc trong năm 2014.

Và đến năm 2015, điện Kremlin dự kiến sẽ mua thêm 91 máy bay cánh cố định mới.

Tốc độ mua sắm của Nga là rất ấn tượng, tuy nhiên cho dù Nga đã có những bước cải thiện lớn, không quân Nga vẫn còn có một điểm yếu chết người mà nước này chưa thể khắc phục.

National Interest cho rằng, đã gần 30 năm sau khi Mỹ và các đồng minh thân cận sử dụng các loại vũ khí chính xác, khi gần như các loại máy bay tiêm kích đều được trang bị tên lửa định hướng bằng laser, radar, tia hồng ngoại hoặc hệ thống GPS, Nga vẫn đi sau trong việc phát triển, mua về và triển khai các loại vũ khí loại này, đặc biệt là các loại tên lửa có tầm bắn xa.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Alexander Mladenov viết trong một bài báo của tạp chí Combat Aircraft của Mỹ cho rằng:

“Nga hiện vẫn đang thiếu nhiều loại vũ khí, bao gồm các loại tên lửa định hướng, tên lửa tầm xa cùng các loại bom định vị bằng vệ tinh, mặc dù các loại vũ khí này đều đã được quân đội Nga thử nghiệm thành công”.

Tiêm kích tàng hình T-50 thử nghiệm với vũ khí.
Tiêm kích tàng hình T-50 thử nghiệm với vũ khí.

Vậy có thực sự Không quân Nga tồn tại những điểm yếu chết người này?

Theo một bài viết trên tạp chí Jane's hồi đầu năm 2015 chỉ ra rằng, rõ ràng Không quân Nga đang có những tồn tại nhưng Nga đang dần thay thế những vũ khí nói trên bằng dàn vũ khí hiện đại hơn, do đó, khoảng cách về công nghệ vũ khí chính xác cao giữa Nga và Mỹ đang được khỏa lấp.

Jane's còn nhấn mạnh rằng, thua kém duy nhất hiện nay của Nga trước Mỹ chỉ là máy bay tàng hình.

Theo đó, Mỹ là nước đầu tiên và cũng là nước duy nhất hiện nay đã đưa ra vào trang bị chiến đấu cơ tàng hình với những máy bay F-22, oanh tạc cơ B-2 và sắp tới là F-35.

Trong khi đó Nga có duy nhất một loại một loại chiến đấu cơ tàng hình đang phát triển đó là tiêm kích Sukhoi T-50. Rõ ràng về phân khúc này, Mỹ có lợi thế hơn hẳn Không quân Nga.

Tuy nhiên, tàng hình không phải là tất cả sức mạnh của một lực lượng Không quân hiện đại, điều quyết định lại nằm ở vũ khí của chúng. Vấn đề này Nga lại là nước đang chiếm ưu thế so với Mỹ, Jane's nhận định.

Sức mạnh tên lửa đối không của Nga

- Tên lửa R-77 (mã NATO: AA-12 Adder) là loại tên lửa không đối không tầm trung hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay. R-77 là một đối thủ trực tiếp nặng ký với tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM của Mỹ.

R-77 hoạt động theo nguyên lý “bắn và quên” và được thiết kế để chống lại tất cả các mục tiêu trên không. Nó cũng có thể được sử dụng để chống lại tên lửa hành trình và các loại vũ khí dẫn đường chính xác khác.

Tên lửa R-77 có thể trang bị rộng rãi cho các tiêm kích của Nga như Su-27, Su-30MK, Su-34, Su-33, Su-35, Su-37, MiG-29, MiG-35, MiG-31. Thậm chí, ngay cả MiG-21 nếu được nâng cấp về hệ thống điện tử cũng có khả năng sử dụng R-77.

Tên lửa R-77 được sản xuất với 3 biến thể trang bị đầu tự dẫn khác nhau gồm: R-77 tiêu chuẩn sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động.

R-77T sử dụng đầu tự dẫn hồng ngoại Mk-80M tương tự như trên tên lửa R-73M và R-27T. R-77P sử dụng đầu tự dẫn quang điện.

R-77 tiêu chuẩn được trang bị radar chủ động 9B-1348E có khả năng khóa mục tiêu ở cự ly 20km và hoạt động theo nguyên lý “bắn và quên”.

Tên lửa có chiều dài 3,6m, đường kính 200mm, sải cánh 350mm, trọng lượng phóng 175kg, tầm bắn từ 40-80km tùy biến thể.

Tên lửa được trang bị đầu đạn nặng 20kg với ngòi nổ laser cận đích, tốc độ của tên lửa gấp 4,5 lần tốc độ âm thanh (5.000km/h).

- Tên lửa R-73E/R-73EL (mã NATO: AA-11 Archer) là tên lửa không đối không tầm ngắn của Nga. Tên lửa này có thể đánh chặn máy bay chiến đấu, máy bay ném bom, tấn công và máy bay vận tải quân sự.

R-73E/R-73EL có thể được trang bị cho các loại máy bay chiến đấu MiG hoặc Sukhoi và các máy bay tấn công khác cũng như trực thăng.

Tên lửa “bắn và quên” này được trang bị hệ thống dẫn đường hồng ngoại để tấn công các mục tiêu từ mọi hướng, trong môi trường phức tạp, khi có sự đối kháng tích cực của đối phương.

R-73 là một tên lửa dẫn đường hồng ngoại nhạy cảm, thiết bị cảm ứng có thể "nhìn" thấy mục tiêu lên đến góc 60 độ. Nó có thể hiển thị lên trên màn hình gắn trên mũ của phi công (HMS), cho phép phi công điều khiển tên lửa đến mục tiêu.

- Ngoài những tên lửa thuộc thế hệ cũ kể trên, hiện nay Nga đang phát triển nhiều loại tên lửa đối không khác được coi là không có đối thủ trên thế giới, trong đó có K-77M.

Cụ thể, Nga đã bổ sung một hệ thống radar mạng pha điện tử chủ động – hay còn gọi là "AESA” – trên đầu của tên lửa tầm xa R-77 để sản xuất ra tên lửa K-77M. Dựa vào các cảm biến định hướng mới, K-77M sẽ có độ chính xác hơn các loại tên lửa khác.

Vậy K-77M chính xác đến mức nào? Theo một số nguồn tin, K-77M có khả năng khóa được những mục tiêu đang cơ động nhanh nhất ở cách xa khoảng 60km hoặc hơn. Được biết loại tên lửa này sẽ được Nga ưu tiên trang bị trên tiêm kích T-50.

Sự kết hợp giữa T-50 và K-77M có thể sẽ khiến chiến đấu cơ này bắt kịp, thậm chí tốt hơn cả máy bay chiến đấu tàng hình tốt nhất của Mỹ.

Và khi T-50 được trang bị loại vũ khí mới trên, chắc chắn nó sẽ dễ dàng phát hiện ra chiến đấu cơ hiện đại F-35, loại máy bay tàng sẽ chiếm số lượng lớn trong phi đội máy bay chiến đấu của Mỹ trong những thập kỷ tới.

Tiêm kích F-22 với đạn tên lửa đối không treo bên ngoài khoảng vũ khí.
Tiêm kích F-22 với đạn tên lửa đối không treo bên ngoài khoảng vũ khí.

Mỹ yếu thế trước Nga?

Trong bảng xếp loại những tên lửa đối không nguy hiểm nhất thế giới được Jane's thực hiện hồi cuối năm 2014 cho thấy, tên lửa đối không của Mỹ luôn đứng ở vị trí sau Nga.

- Tên lửa AIM-120: Tên lửa không đối không tầm trung AIM-120, được công ty quốc phòng Raytheon của Mỹ nghiên cứu chế tạo.

Nó đã chứng minh khả năng chiến đấu tại các chiến trường ở Iraq, Bosnia và Kosovo. AIM-120 được xếp vào một trong những tên lửa đối không tốt nhất thế giới hiện nay.

Tên lửa AIM-120 nặng 157kg, hiện đang có trong trang bị của quân đội 36 nước. Kiểu mới nhất AIM-120C5 có đầu đạn cải tiến, động cơ tên lửa tầm bắn xa hơn, cánh ngắn và cánh đuôi ổn định phù hợp cho việc vận chuyển bên trong máy bay.

AIM-120 có thể được tích hợp trên máy bay chiến đấu F-22, Eurofighter Typhoon, F-15, F-16, F/A-18, F-35 JSF, Sea Harrier, Tornado, Harrier II Plus, JAS-39 Gripen và hệ thống tên lửa đối không tiên tiến của Na Uy (NASAMS). Nó cũng có đầu đạn nổ với độ phân mảnh cao.

- Tên lửa AIM-9X Sidewinder cũng do Raytheon sản xuất và là “thành viên” mới nhất trong gia đình của tên lửa không đối không tầm ngắn Sidewinder.

Đây được cho là một trong những tên lửa không đối không tầm ngắn hiện đại nhất thế giới, nó cũng có thể dễ dàng tích hợp với một loạt các máy bay chiến đấu hiện đại.

Tên lửa này hiện đang được trang bị trong lực lượng Hải quân và Không quân Mỹ cũng như không quân của 8 quốc gia khác.

Nó được triển khai trên các máy bay chiến đấu F-15, F-16, F/A-18, Sea Harrier, F-4, A-4, AV-8B và máy bay tấn công Tornado cũng như trực thăng AH-1.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang phát triển một số loại tên lửa đối không mới. Tuy nhiên, với những trang bị hiện có, Không quân Mỹ chưa thể chứng minh được sức mạnh của mình trước Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại