"Điểm mặt" những tàu chiến giữ kỷ lục thế giới

Cùng hướng phát triển pháo, xe tăng, tàu chiến cũng đi theo phương án thiết kế lớn nhất, to nhất.

Tàu sân bay có tuổi thọ ngắn nhất

Shinano là tàu sân bay (Hải quân Nhật) có tuổi đời ngắn nhất trong lịch sử ngành hàng hải quân sự. Tàu được khởi đóng vào ngày 4/5/1940 với thiết kế là một siêu thiết giáp hạm thế hệ Yamato. Nhưng vào mùa hè năm 1941, chương trình đóng tàu Shinano bị đình hoãn để tập trung mọi nguồn lực cho cuộc chiến đang đến gần.

Hơn 1 năm sau, khi Hải quân Nhật Bản mất 4 tàu sân bay sau trận Midway thì tàu Shinano mới được đóng tiếp. Và lúc này người ta quyết định cải biến nó thành một tàu sân bay để bổ sung cho lực lượng tàu sân bay vừa bị thiệt hại nặng. Việc đóng tàu Shinano được giữ bí mật rất cao. Các kỹ sư và nhân viên tham gia việc đóng tàu  bị giới hạn ở trong xưởng.

Ngày 5/10/1944, tàu hạ thủy tại cảng quân sự Yokosuka và được đặt tên chính thức là Shinano (theo tên một tỉnh cũ của Nhật Bản) vào ngày 8/10. Ngày 9/11 cùng năm, nó được đưa vào đội hình biên chế của Hải quân Đế quốc Nhật Bản một cách vội vàng.

Tàu sân bay 50 ngày tuổi Shirano.
Tàu sân bay 50 ngày tuổi Shirano.

Shinano có lượng giãn nước tối đa 72.000 tấn, dài 226,58m, rộng 36,3m. Ngày 28/11, tàu Shinano lên đường đi Kure để nhận vũ khí bổ sung. Bảo vệ cho Shinano có 3 khu trục hạm. Lúc này trên tàu có 2.176 sĩ quan và binh sĩ cùng hơn 300 công nhân xưởng tàu và 40 nhân viên dân sự.

3h sáng ngày 29/11, Shinano bất ngờ bị tàu ngầm Archerfish của Mỹ tấn công bằng ngư lôi. Do tàu mới, thủy thủ trên tàu không được huấn luyện kỹ càng, lại không biết sử dụng thiết bị phòng cháy trên tàu nên cả con tàu trở nên hỗn loạn.

Đến 11h cùng ngày, Shinano lật nghiêng rồi chìm xuống đáy biển sâu. Hơn 600 trong tổng số 2.600 thủy thủ trên tàu bị thiệt mạng. Từ khi hạ thủy đến ngày chìm, tàu Shinano chỉ tồn tại được hơn 50 ngày.

Tàu khu trục lớn nhất đang phục vụ

Trong bảng xếp hạng các tàu khu trục hiện nay, tàu lớp Arleigh Burke của Mỹ là tàu lớn nhất. Các tàu thuộc lớp này có lượng giãn nước 8.300-11.000 tấn, dài 155m.

Năm 1985, Hải quân Mỹ đã đóng chiếc tàu khu trục tên lửa đầu tiên của lớp Arleigh Burke (dự tính sẽ đóng 79 chiếc tàu lớp này).

Khu trục hạm Arleigh Burke.
Khu trục hạm Arleigh Burke.

Về trang bị vũ khí, tàu lớp Arleigh Burke có hai hệ thống phóng thẳng đứng tên lửa (với 32 ống ở phía trước boong tàu, 64 ống ở phía sau). Các hệ thống ống phóng này có thể bắn các loại đạn: tên lửa hành trình đối đất Tomahawk, tên lửa hành trình chống tàu mặt nước, tên lửa phòng không RIM-66, tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa chống ngầm.

Trong đó, tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo giúp tàu này sở hữu một lá chắn hữu hiệu khi kết hợp cùng những thiết bị định vị, cảnh báo sớm.

Ngoài ra, chiến hạm lớp Arleigh Burke còn trang bị hệ thống pháo phòng không Phalanx, pháo hạm 127mm. Loại chiến hạm này cũng có thể chở theo trực thăng chiến đấu đa nhiệm Sikorsky SH-60 Seahawk vốn được Hải quân Mỹ ưa chuộng.

Với số khí tài hùng hậu trên, tàu khu trục lớp Arleigh Burke đủ sức tác chiến xa bờ để tấn công mọi mục tiêu trên biển, trên không lẫn trên mặt đất.

Tuần dương hạm lớn nhất thế giới

Tàu tuần dương lớn nhất thế giới hiện nay là tàu lớp Kirov của Liên Xô cũ. Mục đích của quân đội Liên Xô khi phát triển lớp tàu Kirov là để đối phó với các tàu sân bay của Hoa Kỳ, vì thế vì kích thước của chúng chỉ kém tàu sân bay.

Lớp tàu Kirov có chiều dài 252m, rộng 28,5m, cao 9,1m với lượng giãn nước 28.000 tấn lúc mang đầy đủ vũ khí.

Đây là tàu chiến cấp 1 sử dụng động cơ hạt nhân duy nhất trong lịch sử Hải quân Liên Xô nói chung và thế giới nói riêng. Kirov cũng là con tàu đầu tiên trên thế giới sử dụng thiết bị phóng đạn theo phương thẳng đứng.

Tuần dương hạm Kirov.
Tuần dương hạm Kirov.

Tàu Kirov được trang bị kho vũ khí khổng lồ gồm: 20 tên lửa chống hạm P-700 Granit (tầm bắn 625km); 96 tên lửa đối không tầm xa S-300FM; 128 tên lửa đối không tầm trung 9K95 Tor; 2 tổ hợp tên lửa đối không tầm thấp OSA-MA (40 đạn); hệ thống rocket chống ngầm Udav-1; ngư lôi 533mm. Với hệ thống vũ khí như vậy, đây là một trong những tàu quân sự mặt nước có hỏa lực mạnh nhất hiện nay.

Năm 1998, các dự án đóng tàu lớp Kirov bị đình chỉ vì lý do ngân sách. Đến thời điểm đó có tất cả 4 tàu lớp Kirov đã được đóng. Chiếc đầu tiên mang tên Kirov đưa vào hoạt động năm 1980, chiếc Frunze năm 1984, chiếc Kalinin năm 1988.

Nhưng hiện chỉ có chiếc Pyotr Velikiy (tên cũ là Yury Andropov) hạ thủy năm 1986 là đang hoạt động thuộc Hạm đội Phương Bắc.

Tàu ngầm hạt nhân lớn nhất

Cho đến nay thế giới vẫn chưa có chiếc tàu ngầm động cơ hạt nhân nào vượt qua được tàu Typhoon của Hải quân Liên Xô.

Tàu Typhoon dài 175m, rộng 23m và cao 18m. Trọng tải choán nước khi nổi khoảng 24000 tấn, khi chìm khoảng 48.000 tấn. Vận tốc tối đa của tàu đạt 27 hải lý/h khi lặn và 22 hải lý/h khi nổi.

Trên tàu biên chế 150 quân nhân với trang bị gồm: 20 tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-NX-20 (tầm bắn 9.000 km).

Tàu Typhoon có khả năng lặn sâu dưới biển 180 ngày và lâu hơn trong điều kiện cần thiết (chiến tranh hạt nhân) mà thủy thủ vẫn sống tốt.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Typhoon.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Typhoon.

Nét đặc biệt nữa là trong khi tàu Typhoon là loại tàu có thể di chuyển xa để triển khai tên lửa đạn đạo ở gần biên giới của kẻ thù nhưng các tên lửa mà nó mang lại có tầm bắn xa đủ để xem là nó đã được triển khai chiến đấu mặc dù nó vẫn neo tại cảng.

Liên Xô đã đóng 6 tàu ngầm Typhoon nhưng ngày nay chỉ còn 3 chiếc hoạt động. Trong tương lai, toàn bộ các tàu sẽ loại biên chế và thay thế bằng tàu ngầm chiến lược Borei

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại