Coi trọng huấn luyện, làm chủ vũ khí, trang bị mới

Tuấn Nam |

Cùng với việc mua sắm, sản xuất, sửa chữa bổ sung vào biên chế nhiều loại vũ khí, khí tài, trang thiết bị hiện đại, theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, các đơn vị, nhất là đơn vị thuộc các quân chủng, binh chủng, ngành đã coi trọng huấn luyện, khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) mới.

Từ nghiên cứu…

Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng đã thực hiện hàng trăm đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ, hợp đồng quân binh chủng thiết thực giúp các đơn vị khai thác hiệu quả và bảo đảm kỹ thuật tốt cho các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) công nghệ cao mới được trang bị như: Máy bay, tàu ngầm, tên lửa, ra-đa...

Các cơ quan chức năng đã biên soạn nhiều tài liệu công nghệ liên quan đến công tác khai thác, sửa chữa VKTBKT công nghệ cao, góp phần huấn luyện, nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật tại các đơn vị.

Các học viện, nhà trường liên tục cập nhật nội dung, phương pháp giảng dạy mới nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục-đào tạo. Nhiều trung tâm huấn luyện với quy mô lớn, trang bị hệ thống mô hình, học cụ giảng dạy hiện đại xuất hiện.

Có thể khẳng định, những trung tâm mô phỏng, trình chiếu thiết bị, vũ khí mới giúp cán bộ, chiến sĩ nắm rõ cấu trúc, nguyên lý hoạt động trên thực địa của các loại vũ khí, khí tài hiện đại.

Đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, thực hành cho các đơn vị.

Các học viện, nhà trường quân đội đã đưa các tổ chuyên gia đi tham quan, tìm hiểu, thu thập tài liệu về VKTBKT hiện đại, công nghệ mới; từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức bảo đảm sát thực tế trang bị của đơn vị.

Thiếu tướng Nguyễn Công Định, Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, cho biết: “Cụ thể hóa công tác này, học viện đã triển khai xây dựng chương trình đào tạo dài hạn kỹ sư quân sự các chuyên ngành mới như: Động cơ phản lực, an ninh thông tin…

Trên cơ sở rút ngắn thời gian giảng dạy lý thuyết, tăng huấn luyện thực hành, học viện đã đẩy mạnh ứng dụng các trang thiết bị mô phỏng, dạy học hiện đại và đưa vũ khí, trang bị mới vào huấn luyện.

đến các đơn vị…

Trong giai đoạn 2013-2015, các đơn vị tên lửa-khí tài đặc chủng (TL-KTĐC) đã đồng bộ toàn diện các loại pháo tự hành, tên lửa chống tăng B72, xe bệ tên lửa SPU-E, đài điều khiển… cho những đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân, Binh chủng Pháo binh và Cục Quân khí.

Là đơn vị tiếp nhận, cấp phát một khối lượng lớn vật tư kỹ thuật ngành TL-KTĐC với nhiều chủng loại như: Tên lửa bờ, tên lửa đất đối đất, tên lửa chống tăng… Kho KT887, Cục Kỹ thuật Binh chủng đã hoàn thành tốt quy định, quy trình nghiệp vụ ngành.

Trước khi tổ chức tiếp nhận, cấp phát, kho hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị đến giao và nhận vật tư, hàng hóa.

Với phương châm “chính xác, kịp thời”, trên cơ sở giữ đúng thủ tục, nguyên tắc, không gây khó khăn, phiền hà đối với khách hàng, Kho KT887 đã trở thành địa chỉ tin cậy của các đơn vị trong toàn quân.

Bảo quản tốt, sử dụng hiệu quả

Đại tá Nguyễn Đức Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật TL-KTĐC, Cục Kỹ thuật Binh chủng, cho biết: “Để thực hiện tốt công tác bảo đảm kỹ thuật, khai thác, sử dụng hiệu quả, cơ quan chuyên ngành kỹ thuật TL-KTĐC đã làm tốt việc tham mưu và hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ.

Ngành tập trung ưu tiên bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ, khu vực trọng điểm, góp phần duy trì và nâng cao hệ số kỹ thuật, hạn chế tốc độ xuống cấp của VKTBKT; đồng thời tổ chức sửa chữa, đồng bộ VKTBKT cho huấn luyện, diễn tập, bắn đạn thật của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng”.

Phần lớn các kho quân khí, trạm kiểm tra, bảo dưỡng tên lửa của các đơn vị toàn quân hiện nay đã được đầu tư, củng cố, nâng cấp, đáp ứng đủ các điều kiện cất giữ, bảo quản, bảo dưỡng theo quy định.

Từ hệ thống ca-mê-ra giám sát ở phân kho, trạm xưởng của Kho KT789, KT887, KT788, Sở chỉ huy Cục Kỹ thuật Binh chủng, Tổng cục Kỹ thuật dễ dàng theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của đơn vị.

Thiếu tướng Lê Xuân Phương, Cục trưởng Cục Kỹ thuật Binh chủng, cho biết:

“Không chỉ sửa chữa tại chỗ, ngành còn tổ chức sửa chữa cơ động tại các đơn vị như: Lữ đoàn 769, Vùng 1 và Lữ đoàn 680, Vùng 3, Quân chủng Hải quân; Lữ đoàn 490, Lữ đoàn 45, Binh chủng Pháo binh hay Kho KV1, Cục Quân khí.

Việc sửa chữa được thực hiện bởi cán bộ, nhân viên kỹ thuật có tay nghề tốt và nhiều kinh nghiệm sửa chữa trong điều kiện dã ngoại. Do vậy, sản phẩm sửa chữa sau khi được nghiệm thu có chất lượng tốt”.

Để VKTBKT TL-KTĐC luôn có tình trạng kỹ thuật tốt, ngành đã chỉ đạo các đơn vị đưa số VKTBKT không có kế hoạch sử dụng vào niêm cất dài hạn. Các đơn vị chủ động nghiên cứu phương pháp, chọn vật liệu niêm cất mới phù hợp với điều kiện thực tế.

Đến nay, có thể khẳng định: Phương pháp niêm cất bịt kín dùng silicagel hút ẩm cho các loại VKTBKT TL-KTĐC đạt hiệu quả kinh tế và bảo đảm yêu cầu kỹ thuật.

Ngoài ra, vật liệu hấp thụ khí ăn mòn cũng là phương pháp hữu dụng trong quy trình niêm cất dài hạn các loại vật tư kỹ thuật của các tổ hợp tên lửa.

Song song với công tác mua sắm, ngành đã đặt sản xuất, sửa chữa các chủng loại vật tư kỹ thuật đặc chủng tại những nhà máy, viện nghiên cứu trong quân đội.

Từ năm 2013 đến nay, các đơn vị đã sản xuất được 22 mặt hàng phục vụ cho sửa chữa, đồng bộ và niêm cất VKTBKT TL-KTĐC...

Thời gian tới, ngành TL-KTĐC nghiên cứu làm chủ VKTBKT và đề xuất nội dung cải tiến theo hướng nâng cao tính năng kỹ-chiến thuật đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại.

Các đơn vị đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tập trung hoàn thành các đề tài để đưa vào áp dụng, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của toàn quân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại