Chuyện một người Nga trở thành lính tiểu đoàn 307

Platon Skrizhinsky từng chiến đấu hơn 10 năm, bị bắt làm tù binh, trải qua 2 cuộc chiến tranh lớn của thế kỷ 20 và phục vụ trong 3 quân đội.

Cuộc đời ông, từ một chiến sỹ Hồng quân, qua những khúc quanh của số phận, trở thành lính Lê dương của Pháp. Tại Việt Nam, Platon Skrizhinsky đã tìm cách để liên lạc với những người kháng chiến và rồi ông được bổ sung vào tiểu đoàn 307 lừng danh “đánh đâu được đấy”.

Từ chiến sĩ Hồng quân

Năm 1939, cậu học sinh lớp 10 Platon Skrizhinsky ở vùng quê Berdichev (Ukraina) tập trung ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học vào năm sau. Cậu mong ước một ngày nào đó sẽ được lên Thủ đô Moskva, được tận mắt ngắm nhìn Quảng trường Đỏ. Ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp nên cậu thường ra cánh đồng thí nghiệm ở nông trang để làm quen với công việc ở đó.

Ngày 29/3/1940, chỉ một ngày sau sinh nhật thứ 18, Platon nhận được giấy nhập ngũ. Mọi mong ước đều dang dở bởi vì những tin tức đều cho thấy hình như chiến tranh đang cận kề. Sau một thời gian huấn luyện, Platon Skrizhinsky được phân công làm lính lái xe ở tiểu đoàn phục vụ sân bay ở ngoại ô thành phố Rostov trên sông Đông.

Platon “Thành” – tên Việt Nam của anh - được kết nạp vào Đảng Lao động VN năm 1952. Sau này, Platon đã vinh dự được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.

Khi biết câu chuyện về người lính Hồng quân Platon Skrizhinsky, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân viết thư gửi Chính phủ Liên Xô đề nghị tạo điều kiện cho Platon và con gái hồi hương.

Những thông tin về nguy cơ quân Đức tấn công Liên Xô ngày càng dồn dập... Đại đội của Platon được phân công trực ở Thành ủy. Đó là những ngày khá tất bật, nào sơ tán các cơ sở công nghiệp, chuyển quân, chuẩn bị lương thực thực phẩm... Hầu như lúc nào Platon cũng trên đường và nghỉ ngơi bằng cách gục đầu vào tay lái sau mỗi chuyến đi.

Ngày 22/6/1941, quân Đức tấn công Liên Xô.

Đầu năm 1942, trung sĩ Skrizhinsky được bổ sung vào một sư đoàn bộ binh của Tập đoàn quân số 6. Người mẹ của người lính trẻ chỉ nhận được một bức thư của con từ tiền tuyến. Đó là thông tin đầu tiên, và cũng là cuối cùng bà nhận được từ con trai của mình...

Tranh của: Nguyễn Xuân Hoàng

Mùa xuân năm 1942, trung tướng chỉ huy A.M.Gorodnyakovsky ra lệnh phản công giải phóng Kharkov. Trong trận chiến này, Hồng quân đã chịu tổn thất nặng nề, theo số liệu chính thức có đến gần 250 nghìn sĩ quan và binh lính hy sinh.

Cuối tháng 5, trước thế địch quá mạnh, các sư đoàn Hồng quân buộc phải rút lui. Những người lính vận tải được bổ sung vào các tiểu đoàn bộ binh. Platon Skrizhinsky cũng vậy, anh được giao súng chống tăng để chiến đấu. Nhưng rồi chiến sự quá ác liệt, đơn vị của Platon nhận lệnh chuyển sang phía Đông.

Một đêm, đại úy chỉ huy ra lệnh đại đội phân tán thành từng nhóm nhỏ 5-6 người và tự di chuyển. Trung sĩ Skrizhinsky chỉ huy một nhóm 6 người, đêm đi, ngày ẩn náu dưới các khe núi và tránh đụng độ với quân Đức. Những cơ số đạn cuối cùng chỉ được dành cho những tình huống khẩn cấp nhất.

Tuy nhiên, trong một lần gặp phục kích, nhóm của Platon đã không kháng cự nổi và bị bắt làm tù binh. Mọi bi kịch của trung sĩ Hồng quân Platon Skrizhinsky bắt đầu từ đó.

Tham gia lính lê dương

Platon và các đồng đội bị đưa đến một trại tù binh ở Ba Lan. Thật bất ngờ, trong trại có một tổ chức bí mật đã bắt liên lạc được với du kích Ba Lan và có sự hậu thuẫn của một sĩ quan Đức ghét chiến tranh. Mùa xuân năm 1943, Platon được kết nạp vào tổ chức. Năm 1944, tổ chức bị lộ, nguy cơ bị xử bắn treo lơ lửng trên đầu các tù binh. Người sĩ quan Đức đã tổ chức cho một nhóm tù binh, trong đó có Platon chuyển sang trại khác.

Ở nơi giam giữ mới này, Platon nằm trong nhóm tù binh phải đi khai thác gỗ ở các cánh rừng Đan Mạch. Do thạo tiếng Ba Lan (do có bố là người gốc Ba Lan) và tiếng Đức, thỉnh thoảng Platon “được” trưng dụng làm phiên dịch.

Cũng ở đất nước Bắc Âu này, tháng 5/1945, trung sĩ Platon Skrizhinsky được biết tin về Chiến thắng của Hồng quân Liên xô. Ai cũng vui mừng, bởi ngày về Tổ quốc chắc là sắp đến gần. Các tù binh trong trại có mối quan hệ khá thân thiện với đại diện của Ủy ban trao trả tù binh chiến tranh.

Một đêm, Platon và 2 người bạn là Sergey Shelukhin (bị bắt làm tù binh năm 1943 ở Dnepr) và một trung sĩ của Dân ủy nội vụ Liên xô (trong Ủy ban) ngồi uống rượu. Khi đã ngà ngà say, viên trung sĩ Dân ủy nội vụ phừng phừng nói: “Khi mà các anh đang ru rú ở đây, thì chúng tôi đã tốn biết bao xương máu, rải từ Dnepr đến sông Oder”.

Hai bên cãi lộn, rồi diễn ra ẩu đả vì câu nói mang tính xúc phạm đó. Platon và bạn bị bắt ngay lập tức, rồi bị lập biên bản vì đã tấn công đại diện của Dân ủy nội vụ khi đang thực thi công vụ.

Rồi ngày rời trại cũng đến. Không phải là tâm trạng vui mừng khi sắp được về quê hương, hai “bị cáo” Platon và Shelukhin nặng trĩu lo âu, không biết Tòa án binh sẽ xử họ ra sao. Nghĩ trước sau gì cũng bị xử bắn, cả hai bàn nhau chạy trốn trên đất Đức. Sau khi trốn thành công, Shelukhin quyết định sẽ chạy sang Tiệp Khắc, còn Platon tìm đường sang phía Tây Nam, đến Pháp. Ở nước Pháp, một thời gian Platon làm việc thuê trong nông trại.

Mùa thu năm đó, chủ nông trại do sợ liên lụy, đã đưa cho Platon một ít tiền và bảo người lính Nga chỉ còn một con đường duy nhất: sung quân vào lính lê dương. Đơn vị lính lê dương «La Legion Etrangere» của Platon đóng quân ở thành phố Oban, cách không xa Marseille, ngay bên bờ Địa Trung Hải. Rồi sau đó, theo chân lính viễn chinh Pháp, Platon sang Đông Dương năm 1946. Trên con tàu Hà Lan chở lính lê dương, khi qua kênh đào Suez, Platon thấy thấp thoáng một chiếc tàu treo cờ Liên Xô mà lòng nghẹn lại...

Sang Việt Nam, do biết lái xe nên Platon được cử vào đội vận tải. Không phải tham gia vào các trận đánh, nhưng những cảnh bi thảm sau mỗi “chiến dịch” không khỏi làm Platon trăn trở. Đã có bao nhiêu dân lành Việt Nam bị chết, trong đó có trẻ em và những phụ nữ bụng mang dạ chửa. Platon biết rất rõ trong đội quân lê dương này có cả những tên lính SS Đức đánh thuê cực kỳ khát máu…

Thành lính của Việt Nam

Sau này, khi trò chuyện với con gái Anna, Platon Skrizhinsky nói đúng vào thời điểm đó, ông đã có quyết định trở thành một người cộng sản “trong tâm tưởng”, cho dù ông chưa một ngày đứng trong hàng ngũ Đảng CS Liên Xô. Tâm sự này đã được Anna đưa vào một bài báo dài, có tên “Khi đó tôi không có ai để khuyên nhủ”, đăng trên tờ “Những bến bờ khác”, năm 2012.

Hai bố con Platon

Hai bố con Platon

Với quyết định đó, ở thành phố Vĩnh Long, Platon đã nhiều lần cố gắng bắt liên lạc với “phía bên kia” bằng tiếng Pháp. Nhưng có nhiều người Việt Nam, hoặc vì không hiểu tiếng, hoặc sợ “thằng Tây” nên thường lảng tránh, rồi bỏ chạy. Rồi Platon cũng tìm được một người hoạt động bí mật, được người này tin tưởng sau khi đã kiểm tra nhiều lần.

Dần dà, Platon được tiếp xúc với tổ chức kháng chiến và họ đã từng bàn kế hoạch chạy trốn. Thật không may, tổ chức này có kẻ tay trong của địch. Cả nhóm bị bắt, tên phản bội đã khai ra nhiều điều. Nhưng có một điều hắn không biết: ai trong số lính lê dương đã tuồn đạn ra cho du kích. Những chiến sĩ bị bắt cũng kiên trung, chấp nhận hy sinh mà không hé răng một lời về Platon.

Một thời gian sau, Platon bị điều đến Bến Tre. Tại đây, anh được giao nhiệm vụ chở nước cho lính lê dương. Một lần, ở trạm bơm, Platon đã làm quen với một người du kích. Để kiểm tra thêm, tổ chức du kích đã giao cho Platon một số nhiệm vụ như cung cấp đạn dược, tiếp tế lương thực cho các tù binh bị bắt...

Sau nhiều lần như vậy, tin tưởng vào sự chân thành của người lính lê dương có vẻ ngoài chân chất, phía ta đã tổ chức cho Platon chạy trốn thành công và kết nạp anh vào hàng ngũ ở thành phố Vĩnh Long. Một thời gian sau, Platon được bổ sung vào tiểu đoàn 307 lừng danh “đánh đâu được đấy”. Như vậy là ở nơi cách xa quê hương 15 nghìn cây số, Platon Skrizhinsky đã được trở lại đội ngũ, trở thành người lính chiến đấu vì chính nghĩa.

Cũng cần nói thêm, thời đó, trong tiểu đoàn 307, ngoài Platon Thành (tên Việt Nam được đồng đội đặt cho), còn có những người lính ngoại quốc khác chạy sang bên ta: 1 người Áo, 2 người Đức, mấy người Algieria, một người Séc, 2 người Ba Lan và một người Nga là Fedor Bessmertnyi.

Ở Bến Tre, Platon đã làm quen với một cô gái lai Pháp rất xinh đẹp là Mai. Năm 1948, họ thành vợ thành chồng và ngày 28/8/1949, Mai sinh hạ một cô con gái, đặt tên là Janine (sau này được gọi là Anna, khi cô bé đã được trở về Liên xô). Platon nhận được tin vui này khi đang chiến đấu ở nơi xa.

Trong suốt thời gian 8 năm, từ 1947-1954, Platon Skrizhinsky đã sát cánh chiến đấu bên những người bạn Việt Nam ở miền Nam. Nguyên trung đội trưởng bộ binh tiểu đoàn 307 Nguyễn Kế Nghiệp trong một bài viết cho biết: “Platon Thành là một đại đội phó sử dụng súng 12 ly 7 và cối 60 rất dũng cảm” và cho biết thêm anh được kết nạp vào Đảng Lao động VN năm 1952. Sau này, Platon đã vinh dự được trao tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.

Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc. Platon đảm nhận thêm nhiệm vụ mới: phiên dịch cho các chuyên gia quân sự Liên xô trên tàu “Stavropol” thời đó xuôi ngược Sài Gòn - Hà Nội - Sài Gòn. Mùa thu năm 1954, nhờ các bạn Việt Nam, Platon đã đón được con gái ra Hà Nội. Vợ của ông quyết định không ra miền Bắc, ở lại và sau đó kết hôn với người khác.

Khi biết câu chuyện về người lính Hồng quân Platon Skrizhinsky, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân viết thư gửi Chính phủ Liên Xô đề nghị tạo điều kiện cho Platon và con gái hồi hương.

Ngày 31/12/1954, Bộ Ngoại giao Liên xô có điện trả lời: “Đồng chí Skrizhinsky là công dân Liên Xô”. Tháng 5/1955, hai bố con Platon Thành lên chuyến tàu liên vận Hà Nội - Bắc Kinh và đi tiếp tàu hỏa từ Bắc Kinh về Moskva. Tháng 6, Platon Thành cùng con gái Anna dạo bước trên Quảng trường Đỏ.

Vậy là ước mơ của cậu bé trường làng đến thăm Hồng trường 16 năm sau mới trở thành hiện thực, sau những khúc quanh đầy bất ngờ của số phận. (Bài viết có tham khảo tư liệu của bà Anna Platonovna Skzhinskaya, con gái Platon và nhà báo Aleksandr Berezin).

Lận đận ngày về

Trở lại Liên Xô, việc đầu tiên Platon Thành làm là đưa con gái nhỏ Anna về Berdichev thăm ông bà nội. Thật đau xót khi anh biết tin mẹ mình đã mất, còn bố thì đã bị bọn phát xít Đức bắn chết vào năm 1942. Không có nơi ở, việc làm (do không có sổ lao động), anh đành gửi con gái lại cho một người bà con rồi quay về Moskva. Anh thuê một căn phòng nhỏ của bà Anna Kulikova ở Vinogradovo nơi ngoại ô, rồi chiều chiều đến ga Kazan ở thủ đô chở hàng thuê. Một lần nọ ở nhà ga, Platon tình cờ gặp một người bạn cũ làm ở Đài phát thanh.

Platon Thành gặp lại bà con ở Bến Tre năm 1988

Biết chuyện của Platon, người bạn giới thiệu anh đến Ban Việt ngữ Đài phát thanh đối ngoại Moskva (sau là đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga”) vì nơi đó đang cần người thạo tiếng Việt. Platon Thành làm việc ở đó liên tục hơn 25 năm, từng là phiên dịch cho đoàn các nhà văn, văn nghệ sĩ Việt Nam sang công tác tại Liên xô. Trong cuốn “Chiều chiều”, nhà văn Tô Hoài cũng có một ghi chép những kỷ niệm về Platon Thành trên đất Liên xô. Nhà thơ Bằng Việt cũng đã từng viết về ông qua bài thơ “Vẫn là người của 307”…

Platon Thành về hưu năm 1982, mất năm 2003 trong một trạm xá ở Moskva. Trước đó, năm 1988, ông cũng có dịp quay lại Tổ quốc thứ hai của mình, cùng các bạn chiến đấu dự Lễ kỷ niệm 40 năm truyền thống Tiểu đoàn 307 tại xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Người lính đã từng chiến đấu hơn 10 năm, bị bắt làm tù binh, trải qua 2 cuộc chiến tranh và phục vụ trong 3 quân đội, thật trớ trêu cho đến khi mất cũng không được công nhận là cựu chiến binh. Ông cũng không được công nhận là chiến sĩ quốc tế, bởi theo luật định, trước năm 1960, các công dân Liên xô không phải thực hiện bất cứ nhiệm vụ quốc tế nào.

Con gái ông, Anna Platonovna Skzhinskaya sau này cũng nối nghiệp cha, công tác tại Ban Việt ngữ Đài “Tiếng nói nước Nga”. Đầu tháng 5/2014, nhà Việt Nam học Anatoly Sokolov khi sang Việt Nam dự Hội thảo khoa học về Chiến thắng Điện Biên Phủ đã cho người viết biết bà Anna đã về hưu, hiện sống cùng con gái và cháu ở Moskva.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại