Mỹ chào bán chiến hạm LCS, Đông Nam Á có nên mua?

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Một bản báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ nhận định các chiến hạm tác chiến ven bờ (LCS) của Mỹ không phù hợp hoạt động trong môi trường tác chiến ở Thái Bình Dương.

Cuối tuần trước, tờ Bloomberg đưa tin, một bản báo cáo của Cơ quan Giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) đã kết luận rằng các chiến hạm LCS không phù hợp với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

"Một số quan chức của Hạm đội 7 nói với chúng tôi rằng họ nghĩ LCS nói chung sẽ phù hợp hơn với các hoạt động ở vịnh Ba Tư (vịnh Persian)" - Bản báo cáo của GAO viết.

GAO cho rằng LCS thiếu "tốc độ, tầm hoạt động và khả năng tác chiến điện tử" để hoạt động được ở vùng Thái Bình Dương rộng lớn, mặc dù nó vẫn sẽ phù hợp để hoạt động trong khu vực nhỏ hơn là vịnh Ba Tư.

Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) nhận định, kết luận của bản báo cáo hoàn toàn không gây bất ngờ bởi trước đó, một bản báo cáo tháng 7/2013 của GAO về các chiến hạm LCS cũng đề cập tới những nhận định của Hải quân Mỹ về khả năng của loại tàu này. Thoạt đầu, LCS được Hải quân Mỹ mô tả là có khả năng hoạt động độc lập trong các môi trường cạnh tranh nhưng những nhận định gần đây của Hải quân Mỹ lại cho rằng "hệ thống vũ khí hiện tại của LCS hoạt động dưới mức yêu cầu và đem lại rất ít cơ hội sống sót cho con tàu trong một môi trường tác chiến thật sự", vì vậy “không nên triển khai các chiến hạm này ra khỏi môi trường có mối đe dọa thấp, ôn hòa, trừ phi được hộ tống bởi tác tàu chiến đa nhiệm đóng vai trò cung cấp các biện pháp phòng không, tác chiến chống tàu mặt nước và chống ngầm có độ tin cậy”.

Tương tự như vậy, hồi tháng 2 vừa qua, khi đánh giá ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ , Bộ trưởng Chuck Hagel đã phát biểu rằng “LCS được thiết kể để phục vụ cho một số nhiệm vụ nhất định, ví dụ như quét mìn và tác chiến chống ngầm trong một môi trường cho phép. Tuy vậy chúng ta cũng cần đánh giá chặt chẽ liệu rằng LCS có khả năng bảo vệ độc lập và được trang bị hỏa lực cần thiết để hoạt động và sống sót trước kẻ địch hiện đại hơn với những công nghệ mới phát triển, đặc biệt là ở châu Á-Thái Bình Dương”

Tại một cuộc họp báo tương tự, Bộ trưởng Hagel đã tuyên bố rằng Hải quân Mỹ đang đánh giá lại các tàu LCS. Thay vì mua 52 tàu như kế hoạch ban đầu, Hagel đã tuyên bố rằng "sẽ không xúc tiến thêm bất kì cuộc đàm phán nào để mua vượt quá số lượng 32 chiếc". Sau đó, ông giải thích rằng Lầu Năm Góc và Hải quân Mỹ sẽ nghiên cứu những giải pháp thay thế tiềm năng cho LCS trước khi mua thêm bất kì chiến hạm nào.

Bản báo cáo của GAO được sử dụng như là căn cứ cho các nhóm chỉ trích chương trình LCS trong Quốc hội Mỹ. Đặc biệt Thượng nghị sĩ John McCain, một người vốn từ lâu đã chỉ trích chương trình LCS phát biểu rằng “Một bản báo cáo sớm được công bố của GAO sẽ là căn cứ xác nhận nhu cầu cần thiết phải tiến hành các cuộc thử nghiệm và đánh giá khắc nghiệt đối với các chiến hạm LCS, thay vì chỉ dựa trên một vài kinh nghiệm nhỏ lẻ từ việc triển khai LCS ở nước ngoài”. McCain đã thôi thúc Lầu Năm Góc tiếp tục giảm số lượng LCS mua từ 32 xuống 24 chiếc.

Mới đây tạp chí quốc phòng Jane's của Anh cho rằng có thể Mỹ sẽ xuất khẩu tàu LCS của Mỹ sang khu vực Đông Nam Á và Trung Đông. Tuy nhiên, khi mà Quốc hội Mỹ có nhiều ý kiến rằng LCS không phù hợp cho tác chiến ở châu Á-Thái Bình Dương, thì rất có thể nhiều nước Đông Nam Á có dự định trang bị các chiến hạm này sẽ nhìn nhận lại quyết định của mình.

Tàu USS Independence LCS-2 (Nguồn video: Youtube)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại