Chiến dịch vớt bom rơi tốn kém nhất lịch sử hải quân Mỹ

Làng miền biển Palomares, Tây Ban Nha một thời đã là trung tâm chú ý của hàng trăm triệu con người vì vụ tìm kiếm bom do không quân Mỹ “đánh rơi”.

10h sáng ngày 17.1.1966, Francisco Simo 40 tuổi, thuyền trưởng một chiếc tàu đánh cá nhỏ đang ở ngoài khơi Palomares, cách xa bờ 4 hải lý thì bầu trời bất ngờ quầng sáng chói lòa, chụp xuống Palomares cơn mưa lửa. Simo hoảng hốt song còn kịp nhận thấy chiếc dù màu xám treo một vật dài hơn người, rơi cách ông 100m.

Hôm sau, hàng người từ khắp nơi kéo tới dựng “làng lều” để ở. Khắp các tường nhà là những yết thị cấm dân địa phương bén mảng đến các cánh đồng xung quanh Palomares, phải đốt hết quần áo mặc trong ngày hôm đó, hủy diệt gia súc, gia cầm…

Hoảng hồn, người già, phụ nữ quỳ mọp trước bàn thờ Thánh, trẻ con bám sau song cửa ngơ ngác nhìn ngó cảnh 600 người nước ngoài cầm máy Geiger và các thiết bị điện tử lang thang đi khắp Palomares. Họ đi tìm kiếm cái gì? Chính họ cũng không biết nữa. Họ là chuyên viên dân sự được phía quân sự thuê vào mục đích mà Lầu Năm góc giấu giếm nhưng cái bí mật ấy đã thành trò hề với họ chỉ sau một ngày.

Ngày 20.1.1966, Bộ chỉ huy không quân Mỹ phải ra một bản thông cáo chính thức thừa nhận: Ngày 17.1, một máy bay chiến lược B.52 của Mỹ mang bom khinh khí đang bay tuần phòng thường lệ trên bầu trời Địa Trung hải thì được máy bay KC.135 tiếp dầu trên không.

11 phút sau, 1 trong 8 động cơ của chiếc B.52 bất ngờ bốc cháy. Ngọn lửa trùm lên máy bay và cháy lan sang chiếc KC.135. Các phi công lao liều qua cơn mưa lửa xuống biển, sau khi bấm nút hệ thống thả bom sự cố. Nhưng sự thật là: 2 máy bay đã va chạm, vòi tiếp dầu đập vào B.52. Cả 2 máy bay bị nổ, 3 trong phi hành đoàn 7 người của B.52 bị chết, toàn bộ 4 phi công của chiếc KC.135 thiệt mạng.

Quả bom rơi xuống Palomares có đương lượng nổ 25 megaton (sức công phá gấp 1.250 lần quả bom ném xuống Hiroshima) có thể tức khắc hủy diệt hoàn toàn sự sống nằm cách tâm nổ 15km. Còn tia phóng xạ giết người sẽ lan truyền trên diện tích hàng chục nghìn kilômét vuông. Và trong vụ việc này có tới 4 quả bom. May thay bom khinh khí có cấu tạo để loại trừ những trường hợp nổ bất đắc dĩ tương tự.

Tuy nhiên vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Chất nổ thường (phi hạt nhân) trong bom khinh khí có thể nổ vỡ vỏ bom, “vật liệu” nguyên tử Urani 235 và Pluto 239 chu kỳ bán rã 24 năm bắn văng ra ngoài. Ngăn ngừa khả năng ô nhiễm môi trường là vấn đề phải đặt ra. Thực tế, công việc tẩy sạch khu vực 2km2 bị nhiễm xạ pluto, kéo dài đến tận hôm nay vẫn chưa kết thúc.

4h sáng hôm sau “ngày Palomares”, người ta tìm thấy 3 quả bom khinh khí nằm chềnh ềnh trên đất liền. Người ta chắc chắn rằng một quả bom nữa nằm dưới biển. Dư luận thế giới và chính phủ Tây Ban Nha la lối: Phải đưa lên bằng mọi giá! Công cuộc tìm kiếm và trục vớt “cậu Robert” - bí danh quả bom bị mất bắt đầu.

Ngày 22.1, Không quân Mỹ đã cầu cứu hải quân. Hải quân lập tức triệu tập Hội đồng cố vấn kỹ thuật - Technical Advisory Group (TAG) - do thiếu tướng hải quân L. V. Swanson làm giám đốc, cùng với tiến sĩ John P. Craven mang theo thuật toán tìm kiếm Bayesian để thành lập đội chuyên án. Thuyền trưởng Willard F. Searle được bổ nhiệm làm giám sát cứu hộ trong chiến dịch trục vớt quả bom. Tư lệnh phó lực lượng xung kích của hải quân Mỹ ở Nam Âu - Chuẩn đô đốc William Gest được chỉ định làm chỉ huy chiến dịch.

Dưới trướng của Gest là cố vấn chính - thuyền trưởng J. Muni lão luyện đã từng điều khiển chuông lặn nổi tiếng Trieste tìm ra hài cốt của chiếc tàu ngầm Thresher, cùng hàng tá các chuyên viên lỗi lạc, với đầy đủ thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất: Máy thủy âm định vị nổi tiếng Westingaus, thiết bị tivi ngầm có camera truyền hình ở độ sâu 600m nước lên màn ảnh đặt trên tàu nổi… kể cả những thiết bị thuộc sở hữu tư nhân. Gest hiểu rằng chinh phục độ sâu của biển chỉ có thể bằng kỹ thuật.

Mọi đòi hỏi của Chuẩn đô đốc Gest đều được chính phủ Hoa Kỳ thỏa mãn. Cả một đội tàu đồ sộ đủ các kiểu loại nằm trong tay Gest. Quốc hội, Bộ Quốc phòng, viện nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm tính toán… , đứng đằng sau Gest hậu thuẫn. Vậy mà hy vọng biết mấy mong manh.

Được thắng lợi của vụ tìm kiếm Thresher cổ vũ, Gest quyết tâm theo bài cũ: Logic, phương pháp, và sự kiên trì - Chúa ba ngôi chỉ đường đi tới thành công. Các chuyên viên hải quân Mỹ dùng máy tính điện tử xử lý các thông số đã biết: Vị trí những quả bom rơi trên cạn, điều kiện khí tượng thủy văn, kết quả thử nghiệm với máy bay B.52 ném một mô hình bom nguyên tử xuống Palomares, tọa độ giả định hai chiếc máy bay xấu số tại thời điểm nổ, cùng những phương pháp tính toán phức tạp để xác định ra một vùng được coi là có xác suất quả bom “lạc” rơi lớn nhất: Một tam giác có cạnh đáy là 20 hải lý, chiều cao 10 hải lý.

Sau đó Gest ra lệnh cho những phương tiện tìm kiếm hiện đại nhất “chải” đi “chải” lại trên từng “thiết diện” vùng này. Mặt biển là các loại tàu đặc biệt trang bị máy móc tối tân. Ở độ sâu dưới 40m thì có các vận động viên bơi lội. 40 - 60m thì có thợ lặn mang bình khí thở hỗn hợp oxi-heli, 60 đến 120m - tàu ngầm và các loại máy thủy âm. Hơn 120m - tàu lặn Alvin và Aluminaut cùng máy thủy âm định vị, các camera vô tuyến ngầm.

Đích thân bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đó McNamara, đã đàm phán với Viện nghiên cứu đại dương Woods Hole của nhà hải dương học Mỹ nổi tiếng Allyn Vine để mượn Alvin - tàu lặn sâu mang tên ông - cho cuộc tìm kiếm Palomares. Alvin được máy bay của không quân Mỹ đưa gấp đến Tây Ban Nha. Đó là một con tàu lặn chở người dài 7,1m, nặng 17 tấn, có thể xuống sâu 4.500m nước. Tầm xa hoạt động dưới nước 5km. Với 3 động cơ thủy lực phát động tốc độ dịch chuyển lớn nhất là 4km/giờ.

Ở tốc độ ấy, Alvin đủ điều kiện sống cho một ê-kíp gồm 3 nhân viên dưới nước trong 3 ngày ròng. Alvin là điển hình cho loại thiết bị tìm kiếm dưới nước có vỏ tàu hình ê-líp bền chắc. Aluminaut - đứa con tinh thần của hãng Reynolds Metals do công ty General Dynamics đóng để dùng vào việc nghiên cứu tính chất của hợp kim nhôm, hợp kim titan, thép siêu bền,… những vật liệu để làm vỏ tàu ngầm.

Bởi thế Aluminaut là đại biểu kinh điển của loại thiết bị thăm dò nước sâu cấu trúc tương tự tàu ngầm. So với Alvin, Aluminaut to lớn hơn nhiều. Nó dài 15,5m, nặng 81 tấn chở tới 7 người. Nguồn năng lượng cũng mạnh hơn (bộ ắc-qui chì, bạc cho phép Aluminaut hoạt động 30 giờ liền dưới nước với tốc độ 3,8 hải lý), độ sâu tới được 3.950m. Thế nhưng khả năng duy trì sự sống trong tàu chỉ bằng một nửa Alvin - 36 giờ.

Cả hai “A” đều được trang bị những máy móc tìm kiếm dưới nước hiện đại. Gần 2 tháng trời, tàu nổi tàu chìm của Mỹ xé dọc xé ngang vùng biển Palomares mà vẫn không thấy tăm hơi quả bom.

Một lần Aluminaut lặn xuống để đo tốc độ dòng nước chảy ngầm. Vì tính toán thiếu chính xác sức nổi của mình, nó đã rơi tõm xuống bùn ở độ sâu 900m. May mà vất hết tải trọng dằn rồi Aluminaut cũng nổi lên được, mang theo 1,6 tấn bùn!

Trên bàn làm việc của Gest xếp đầy một chồng thư từ của cả trăm người tự nhận là đã mục kích cảnh tượng bi thảm trên bầu trời làng Palomares hôm ấy. Song vì ý kiến của họ về quả bom “lạc” mâu thuẫn, phủ định lẫn nhau, trái với tư duy lành mạnh của những bộ óc điện tử, nên không được Gest chú tâm đến lắm. Tất nhiên, bức thư của người đánh cá Simo cũng chẳng thoát khỏi số phận hẩm hiu chung đó.

Ngày lại qua ngày, làng báo tọc mạch cứ khuấy động mãi dư luận thế giới đã bị kích thích nôn nóng. Thực ra người Mỹ cũng đã mò được khối thứ: Một đống mảnh vỡ máy bay. Nhỏ thì vài cân, to thì vài tấn. Chỉ thiếu mỗi… quả bom! Những người tìm kiếm mệt mỏi, kể cả Gest cũng đã bắt đầu lung lay dữ dội niềm tin vào hiệu quả 3 nguyên tắc hành động của mình. Chính phủ Hoa Kỳ ngày một gia tăng thúc bách. Gest ở vào thế trên đe dưới búa…

Còn người đánh cá Simo có dịp là đưa những người tìm kiếm đến vùng mặt biển “của mình”. Các sĩ quan hải quân Mỹ nhiều lần âm thầm kiểm tra mức độ tin cậy bằng cách lừa lúc ông vào cabin, bọn họ lặng lẽ cho tàu chạy ra chỗ khác. Khi Simo trở lại mặt boong, họ làm ra vẻ vô tình hỏi ông: Có đúng chỗ này là nơi cái dù đã rơi xuống nước hay không? Mười lần như một, Simo khẳng định: “Không, các ông đã cho tàu chạy khỏi chỗ cũ rồi. Chỗ tôi chỉ ở kia cơ”.

Lòng kiên trì và tính chính xác của người dân chài Tây Ban Nha cuối cùng cũng đã làm xiêu lòng Gest, dần dà hình thành ý đồ về một vùng tìm kiếm mới trong đầu ông ta. Ngày 15.3.1966, Gest tuyên bố: 70km2 vùng xung quanh “chỗ của Simo” trở thành “khu vực thứ hai có khả năng bom rơi xuống nhất” và ra lệnh cho Alvin cùng Aluminaut lặn tìm. 80 phút sau, ngay trong lần lặn đầu tiên ở độ sâu 777m, Alvin đã thấy chiếc dù lấp trên quả bom. Nhân viên vô tuyến hồi hộp truyền tin điện lên.

Song bão táp, các cơn thủy triều rất mạnh vùng này có thể bất ngờ cuốn quả bom xuống những khe hẻm sâu mà với tới nó ngay cả đối với tàu Alvin và Aluminaut cũng đều là chuyện không tưởng. Alvin được lệnh tắt hết máy móc, đèn đóm trên tàu, ngồi canh quả bom như “từ giữ ấn”.

Một giờ sau, Aluminaut lặn xuống, mắc vào dù được 1 máy đáp vô tuyến thủy âm định vị. Tín hiệu thủy âm phát đi từ tàu tìm kiếm sẽ khởi động thiết bị đó và đến lượt nó phát tín hiệu riêng trên tần số khác. Thu nhận được tín hiệu này, người ta biết được chính xác vị trí nguồn phát, tức là vị trí quả bom mắc dù.

Alvin và Aluminaut thay nhau tìm cách mắc neo vào dây cáp dù, một việc có thể ví như xỏ kim chỉ trong phòng tối. Mỗi lần tiến sát mục tiêu, chân vịt tàu lặn làm bùn xục lên dầy đặc. Trong tàu hoàn toàn không nhìn thấy gì bên ngoài. Lại phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ cho chúng lắng xuống. Song cứ sau mỗi cố gắng của Alvin và Aluminaut, quả bom lại bị đẩy thêm về phía cái vực hẻm sâu kinh khủng gần đó.

Hội đồng cố vấn quyết định đưa đến tăng cường 1 tàu ngầm không người lái CURV (Cable-Controlled Underwater Recovery Vehicle) điều khiển từ trên tàu nổi có cánh tay máy để quắp lấy dù. Ngay đêm hôm ấy, Alvin đã “ngồi” lên Daglas (bí danh cái dù) mắc được neo vào cáp dù. Lập tức tàu cứu hộ đến kéo lên.

Cách nền đáy 100m mặc dù quả bom cùng dù chỉ nặng non tấn (còn cáp nâng được thiết kế cho tải nặng hơn 5 tấn) nhưng không may cáp đã đứt. Quả bom mất hút theo dòng bùn đen cuồn cuộn xục lên từ đáy. Aluminaut lặn xuống, nhờ tín hiệu phát đi từ máy đáp vô tuyến, nó tìm thấy quả bom ở độ sâu 870m ngay kề một vực sâu thẳm.

Alvin lại mất 4 ngày để tìm lại được quả bom nhờ dòng nước ngầm rửa sạch lớp bùn lấp trên nó. Lần này tay máy của CURV ngoặc được vào dù. Sau khi CURV tự cắt rời tay, lập tức Alvin lặn xuống, móc cáp nâng vào tay máy.

Song mọi cố gắng đều không thành công. Ê-kíp Alvin nóng nảy nên đã mắc phải sai lầm suýt nữa tiêu tan sự nghiệp: Vì vào quá gần, Alvin bị mắc rối vào cáp dù. Tình huống trở nên nguy kịch. Nguồn năng lượng ắc-quy oxit chì 36kwh gần cạn. May mắn là đến phút cuối cùng Alvin mới thoát khỏi đám dây rợ bùng nhùng giết người.

Sau một ngày động biển dữ dội, Alvin đã móc được cáp nâng vào tay máy. Thắng lợi tưởng đã nằm trong tầm tay, thì chiếc tàu lặn không người lái CURV sa vào bước đi trước của Alvin, đâm đầu vào Daglas và bị bắt làm “tù binh” trong đống cáp dù. Gest rất nhanh chóng đánh giá tình huống, ra lệnh kéo tất cả lên, cả bom, cả dù, cả CURV, bất chấp ý kiến do dự của nhiều cố vấn thân cận.

Cứ sau mỗi phút quả bom lên được 8m. Và sau 1h45’ (đối với những người trên bờ như dài bằng cả thế kỷ) quả bom hình trụ đường kính 609mm, dài 3675mm đã được kéo lên tàu hải quân USS PETREL sau 2 tháng 18 ngày 22 giờ 23’ du ngoạn thủy cung. Lúc đó là 8h45’ giờ địa phương ngày 7.4.1966. Chiến dịch tìm vớt lớn nhất thế kỷ với sự tham gia của 4.000 người, hàng chục tàu thuyền, máy bay, những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất, tốn kém nhất trong lịch sử Hải quân Hoa Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại