Bị ‘sát thủ săn ngầm’ các nước bao vây, Trung Quốc lo cuống

Trước tình trạng các nước láng giềng và Mỹ thi nhau bố trí máy bay tuần tra săn ngầm nhằm vào Trung Quốc, nước này lo sẽ bị các “sát thủ” săn ngầm bao vây, tấn công bất cứ lúc nào.

Cuộc đua máy bay săn ngầm

Thời gian gần đây, các mẫu máy bay săn ngầm hạng lớn liên tục lộ diện trước công chúng. Ngày 15-5, người phát ngôn của lực lượng hải quân Ấn Độ cho biết, nước này đã tiếp nhận chiếc máy bay tuần tra biển săn tàu ngầm đầu tiên P-8I (Poseidon) trong lô máy bay cùng loại 8 chiếc nước này đặt mua của hãng Boeing.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I thực sự là 'hung thần' trên biển đối với các loại tàu ngầm có độ ồn lớn như của Trung Quốc.

Bộ quốc phòng Nhật Bản cũng tuyên bố, 2 chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-1 thế hệ mới của Nhật Bản đã được triển khai tại căn cứ không quân Atsugi của lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF) ở tỉnh Kanagawa hồi cuối tháng 3-2013.

Đồng thời quan chức của nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ) cũng tiết lộ Việt Nam có kế hoạch mua 6 chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Mỹ.

Tháng 3-2013, công ty Boeing đã bàn giao cho lực lượng hải quân Mỹ chiếc máy bay tuần tra săn ngầm “Poseidon” P-8A đầu tiên được mệnh danh là “máy bay săn tàu ngầm tiên tiến nhất thế giới”, dự kiến tháng 7 năm nay sẽ đưa vào hoạt động, có thể sẽ bố trí ở Philippines.

Và đầu năm 2013, chiếc máy bay săn ngầm Trung Quốc GX-6 của Trung Quốc được tung lên mạng Internet, thu hút sự quan tâm của báo chí trong và ngoài nước.

Có thể tưởng tượng ra cảnh không phận rộng lớn xung quanh Trung Quốc sẽ trở thành đấu trường của máy bay săn ngầm các nước.

1 máy bay săn ngầm = 100 máy bay trực thăng

Hoàn Cầu cho rằng, nhiều năm trở lại đây, báo chí nước ngoài thường xuyên đưa tin về mối đe dọa của tàu ngầm Trung Quốc, nhưng trên thực tế Trung Quốc mới là nước bị nhiều tàu ngầm đe dọa nhất. Theo đánh giá của hải quân Mỹ, đến năm 2015, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ tập trung 40% tàu ngầm thường quy trên toàn cầu.

Mặc dù Nhật Bản chỉ có 20 chiếc tàu ngầm thường quy nhưng số tàu ngầm này lại rất hiện đại. Đồng thời, các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, Australia…, mấy năm qua năng lực tác chiến dưới nước cũng phát triển mạnh, thậm chí Ấn Độ còn thuê của Nga tàu ngầm hạt nhân hiện đại Chakra-2.

Mối nguy hiểm lớn nhất vẫn là mấy chục chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân và tàu ngầm chiến lược của hải quân Mỹ. Vài năm trở lại đây, Mỹ còn cải tiến tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio để loại tàu ngầm này có thể mang theo 154 tên lửa hành trình Tomahawk mai phục ở vùng biển gần của Trung Quốc, có thể tấn công các mục tiêu chiến lược trong lãnh thổ Trung Quốc.

Chống ngầm từ lâu luôn bị coi là điểm yếu nhất của hải quân Trung Quốc, hàng năm vẫn thiếu các loại máy bay săn ngầm phù hợp. Trong khi các loại máy bay sănngầm cánh cố định hạng lớn lại được coi là “điểm yếu trong các điểm yếu”. Thủy phi cơ tuần tra trên biển SH-5 vì tính năng lạc hậu, không thể đáp ứng được yêu cầu săn ngầm. Do các loại máy bay săn ngầm hạng lớn gần như là không có nên nhiệm vụ săn tàu ngầm lại rơi vào tay máy bay trực thăng săn ngầm bố trí trên các tàu chiến.

Máy bay săn ngầm P-3 Orion Việt Nam dự tính trang bị.

“Máy bay trực thăng săn ngầm có tốc độ chậm, hành trình gần, thông thường chỉ có thể thực hiện được nhiệm vụ sơ bộ sau khi phát hiện ra vết tích của tàu ngầm, loại máy bay này phù hợp với nhiệm vụ hộ tống tàu thuyền hơn” – ông Trần Hổ, chuyên gia của tạp chí Quân sự thế giới của Trung Quốc cho biết, nếu phải tìm kiếm tàu ngầm trên vùng biển rộng, máy bay săn ngầm hạng lớn là loại vũ khí hiệu quả nhất.

Trong tác chiến chống tàu ngầm, thế mạnh lớn nhất của máy bay săn ngầm là có tốc độ nhanh, hành trình xa, thời gian bay dài, trọng tải lớn, đặc biệt là có thể bao quát trên diện rộng, được coi là “sức cạnh tranh then chốt”. Nếu nói máy bay trực thăng chỉ tác nghiệp trên các “điểm” cố định, thì máy bay săn ngầm cánh cố định có thể tác nghiệp trên “diện rộng”. Mỗi khi thực hiện nhiệm vụ, một chiếc máy bay săn tàu ngầm cánh cố định thậm chí có thể truy tìm mục tiêu trên hải vực rộng hàng chục nghìn mét vuông, hiệu suất của nó gấp gần 100 lần máy bay trực thăng.

Bảo bối trấn yểm

Khi xảy ra chiến tranh hay trong thời bình, máy bay săn ngầm đều có đất dụng võ. Mặc dù máy bay tuần tra săn tàu ngầm có vai trò quan trọng và ứng dụng rộng như vậy, nhưng có rất ít quốc gia chế tạo thành công loại máy bay này. Vì bản chất của nó là một máy bay hạng vừa, thân máy bay cần có khả năng bay lượn ở tầm thấp tốt và không gian rộng, độ khó trong sản xuất và thiết kế là rất lớn. Đồng thời, còn cần rất nhiều thiết bị thăm dò, theo dõi và nhiều loại vũ khí tấn công thông tin hiện đại.

Các loại máy bay săn ngầm hạng lớn đang được sử dụng trong lực lực hải quân các nước hầu hết đều được trang bị hệ thống giám sát radar, máy quay, hệ thống phát hiện từ tính lạ, hệ thống chiến tranh điện tử, hệ thống định vị, thông tin liên lạc vệ tinh, thân máy bay thường được trang bị đạn, ngư lôi chống tàu ngầm. Dưới thân thường được bố trí mạng angten với tần số cao, ngoài nhiệm vụ thông tin còn có thể tiếp thu các tín hiệu mà các pháo sonar thủy âm nổi trên mặt biển gửi về.

'Sát thủ' săn ngầm P1 của Nhật được cho là có một số tính năng còn 'khủng' hơn cả máy bay P3 Orion của Mỹ
'Sát thủ' săn ngầm P-1 của Nhật được cho là có một số tính năng còn 'khủng' hơn cả máy bay P-3 Orion hay P-8 của Mỹ.

Một chiếc máy bay săn ngầm điển hình, lỗ tròn dưới thân có mấy chục pháo sonar thủ âm, số sonar thủy âm này sẽ được thả xuống vùng biển bị nghi là có tàu ngầm hoạt động. Khi “nghe” thấy tạp âm do tàu ngầm phát ra, các sonar thủy âm này sẽ phát ra tín hiệu vô tuyến điện, nhân viên sonar trên máy bay có thể dựa vào đó để phán đoán vị trí, ký hiệu của tàu ngầm. Máy bay săn tàu ngầm còn có thể thông qua hệ thống radar để thăm dò tàu ngầm đang hoạt động dưới nước, hoặc ống thông khí và kính tiềm vọng của tàu ngầm. Cái đuôi dài “kì dị” của máy bay săn tàu ngầm là nơi chứa hệ thống phát hiện từ tính là do tàu ngầm phát ra. Khi đã định vị thành công, máy bay săn tàu ngầm có thể lao đến, tung ngư lôi và tiêu diệt kẻ địch trong tích tắc.

Ngoài tác chiến chống tàu ngầm, trong thời bình, máy bay săn tàu ngầm hạng lớn có thể phát huy vai trò quan trọng trong hoạt dộng bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển, bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển. Máy bay săn ngầm có thể dùng để theo dõi, kiểm soát hải vực trên diện rộng, trong cuộc tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku, máy bay săn tàu ngầm P-3C của Nhật Bản đã trở thành công cụ quan trọng được Lực lượng phòng vệ trên biển nước này sử dụng thường xuyên.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại