5 giải pháp thay thế tiêm kích F-35 Mỹ

Bảo An |

(Soha.vn) - Sau sự cố cháy động cơ gần đây khiến phi đội tiêm kích F-35 của Mỹ bị cấm bay, các nhà chỉ trích đã kêu gọi cần xem lại nghiêm túc chương trình phát triển F-35.

Trong bài viết đăng trên tạp chí National Interest (Mỹ), chuyên gia quân sự Mỹ Robert Farley đã đề xuất 5 giải pháp thay thế trong trường hợp chương trình F-35 bị hủy bỏ, trong đó nêu rõ ưu điểm cũng như hạn chế của từng giải pháp.

Dưới đây là nội dung bài viết trên National Interest:

1. Chế tạo thêm tiêm kích F-22

Thay vì tiếp tục phát triển F-35, Mỹ có thể khởi động lại dây chuyền sản xuất tiêm kích F-22. Washington có đủ kinh nghiệm với “Chim ăn thịt” để biết rằng đây sẽ là một tiêm kích hiệu quả khi tiếp tục phát triển và nâng cấp thêm các tính năng.

Mặc dù vậy, việc khởi động lại chương trình F-22 sẽ rất tốn kém và không giải quyết được các vấn đề của Hải quân hay Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ. Không ai ủng hộ phát triển biến thể trên hạm của F-22 và không có triển vọng phát triển một biến thể của loại tiêm kích này để hoạt động trên các tàu đổ bộ của Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ.

Tiêm kích F-22.
Tiêm kích F-22.

Theo lý thuyết, Không quân Mỹ có thể dựa vào tiêm kích F-22, Hải quân tăng cường thêm tiêm kích trên hạm F-18 Super Hornet và Lực lượng lính thủy đánh bộ lựa chọn F-35B. Tuy nhiên, biến thể F-35B vẫn còn nhiều vấn đề, khiến Lầu Năm Góc đau đầu với một loại chiến đấu cơ chi phí cao và hoạt động chưa ổn định.

Tiêm kích F-22 có những vẫn đề dài hạn khác. Không quân Mỹ chưa bao giờ coi đây là loại máy bay chiến đấu lý tưởng, cho dù các tiêm kích này đã thể hiện được khả năng trong quá khứ. Ngoài ra, luật pháp Mỹ không cho phép xuất khẩu F-22, đồng nghĩa nó không giải quyết được các vấn đề ngoại giao nảy sinh khi chương trình F-35 bị hủy bỏ.

2. Sử dụng máy bay không người lái

Sự kiện lớn nhất của ngành hàng không trong thập kỷ qua là sự nở rộ của công nghệ và học thuyết máy bay không người lái (UAV). Mỹ và một số nước theo sau đã tăng cường sử dụng UAV từ năm 2000. UAV đã đảm nhiệm được nhiều vai trò truyền thống của máy bay có người lái, bao gồm do thám, hỗ trợ từ trên không, đánh chặn và tấn công tầm xa.

Trở ngại lớn nhất đối với các UAV là vấn đề chiến đấu không đối không. Với thiết kế hiện nay, khả năng chiến đấu không đối không của các UAV rất kém. Các UAV hiện tại hạn chế về tốc độ, sự linh hoạt và các hệ thống cảm biến so với các chiến đấu cơ hiện đại.

Cho dù các UAV thế hệ mới có thể giải quyết được những vấn đề trên, nó sẽ đối mặt với một vấn đề phát sinh. Trừ phi các UAV có thể chiến đấu độc lập, hệ thống liên kế dữ liệu với trung tâm điều khiển từ xa sẽ dễ bị đối phương can thiệp. Các UAV nếu mất liên lạc với phi công điều khiển từ xa, dù chỉ trong vài giây, cũng sẽ thất bại trong một cuộc chiến không đối không.

Vấn đề là gần như không ai nghĩ rằng phát triển các UAV có thể tự quyết định tiêu diện đối phương là một ý tưởng tốt. Điều này giúp UAV tiếp tục là một lựa chọn để thực hiện nhiều sứ mệnh trên không, nhưng không đồng nghĩa chúng có thể thực hiện mọi sứ mệnh mà các máy bay chiến đấu có thể làm. Mặc dù vậy, các UAV có thể hoạt động tốt trong Không quân Mỹ cho tới thế hệ máy bay chiến đấu mới được phát triển.

3. Nâng cấp các phi đội hiện tại

Mỹ đang sở hữu một phi đội khổng lồ các máy bay chiến đấu hiện đại. Tại sao không hiện đại hóa các chiến đấu cơ hiện tại? Tiêm kích Su-27 Flanker của Nga thường được coi là mối đe dọa hàng đầu đối với các chiến đấu cơ thế hệ thứ năm của Mỹ, nhưng Su-27 chỉ là sản phẩn được nâng cấp từ một máy bay cũ từ thời Chiến tranh lạnh. Tất nhiên, Hải quân và Không quân Mỹ cũng đã thực hiện theo hướng này ở mức độ nhất định. Các chiến đấu cơ F-16 Viper được phát triển dựa trên biến thể F-16A.

Tiêm kích trên hạm F/A-18 Super Hornet.
Tiêm kích trên hạm F/A-18 Super Hornet.

Tập đoàn Boeing cũng tích cực phát triển các biến thể mới của F-15 và F/A-18, được nâng cấp với các tính năng tàng hình và áp dụng nhiều công nghệ mới. Nhằm theo đuổi hợp đồng với Hàn Quốc, Boeing đã lên kế hoạch phát triển biến thể F-15 Silent Eagle có khả năng giảm đáng kể tín hiệu radar. Tương tự, tập đoàn Boeing cũng nghiên cứu bình chứa nhiên liệu mới cho tiêm kích trên hạm F/A-18 Super Hornet, giúp nó tăng khả năng tàng hình và tầm bay. Trong khi đó, các tiêm kích F-16 phiên bản nâng cấp tiếp tục được sản xuất.

F-15 Silent Eagle và F/A-18 Super Hornet sẽ phải trải qua một chặng đường dài để lấp chỗ trống của F-35 trước khi máy bay thế hệ thứ 6 được phát triển. Bên cạnh đó, một trong những phàn nàn là việc bảo dưỡng phi đội máy bay chiến đấu hiện tại của Mỹ rất tốn kém và nguy hiểm.

4. Chờ tiêm kích thế hệ thứ 6

Một cách khác để tiết kiệm chi phí là từ bỏ hoàn toàn tiêm kích thế hệ thứ 5 (trừ các máy bay F-22 và F-35 đã sản xuất) và tập trung vào phát triển các tiêm kích thế hệ thứ 6. Các máy bay chiến đấu thế hệ mới sẽ tập trung vào tính năng tàng hình, siêu hành trình, khả năng mạng lưới, khả năng tích hợp vũ khí laser và hoạt động không người lái.

Tiêm kích thế hệ thứ 6 do Boeing thiết kế.
Tiêm kích thế hệ thứ 6 do Boeing thiết kế.

Ngoài Mỹ, một số quốc gia khác đã nghiên cứu thế hệ máy bay chiến đấu thứ 6. Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và Pháp đã cân nhắc khả năng từ bỏ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và chuyển trực tiếp sang chiến đấu cơ thể hệ thứ 6.

Đề xuất từ bỏ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 sẽ khiến Mỹ giảm khả năng chiến đấu, nhưng nó giúp giảm gánh nặng cho Hải quân và Không quân Mỹ với các phi đội khổng lồ gồm các tiêm kích F-35 không đủ khả năng. Điều này cũng dẫn tới thiếu kinh phí để đầu tư cho phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.

5. Mua chiến đấu cơ của châu Âu

Theo lý thuyết, Mỹ có thể lấp chỗ trỗng của F-35 bằng giải pháp mua chiến đấu cơ Dassault Rafales, Eurofighter Typhoons hay Saab Gripens do các quốc gia châu Âu sản xuất. Mỹ chưa mua chiến đấu cơ nước ngoài nào với số lượng lớn từ Chiến tranh thế giới thứ nhất. Máy bay chiến đấu do nước ngoài thiết kế gần đây nhất hoạt động trong quân đội Mỹ là B-57 Canberra. Máy bay này được sản xuất theo giấy phép của tập đoàn English Electric.

Chiến đấu cơ Dassault Rafales do Pháp sản xuất.
Chiến đấu cơ Dassault Rafales do Pháp sản xuất.

Để thành công, giải pháp này đòi hỏi các thỏa thuận cho phép lắp ráp và sản xuất máy bay tại Mỹ. Washington có thể cảm thấy kkhông thoải mái khi yêu cầu các thỏa thuận chuyển giao công nghệ từ các đồng minh châu Âu.

Các chiến đấu cơ Dassault Rafales, Eurofighter Typhoons hay Saab Gripens đều mới hơn các máy bay chiến đấu của Mỹ, đồng nghĩa chúng vẫn có tiềm năng nâng cấp đáng kể. Các máy bay của châu Âu được đánh giá có mức chi phí tương đối hợp lý và hoạt động tốt.

Ngoài ra, Mỹ cũng có thể xem xét khả năng mua các máy bay chiến đấu thế hệ 4++ hay thế hệ thứ 5 từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Triển vọng xuất khẩu cho các khách hàng lớn có thể thúc đẩy đổi mới và sản xuất máy bay chiến đấu ở cả hai nước Đông Á.

Màn solo cực ấn tượng của tiêm kích Rafale

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Robert Farley, phó giáo sư Trường ngoại giao và thương mại quốc tế Patterson, Mỹ. Farley đã có nhiều nghiên cứu về các học thuyết quân sự, an ninh quốc gia và các vấn đề hàng hải.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại