Quan hệ với Nga có thể sẽ khiển các nước G7 “bất hòa”?

Anh Tuấn |

Báo Mainichi Shimbun của Nhật Bản đưa tin, đã có những bất đồng xuất hiện giữa các nước thành viên G7 trong cuộc họp thượng đỉnh vừa qua khi bàn về quan hệ với Nga.

Trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi hòa giải quan hệ với Nga, Mỹ vẫn không thay đổi lập trường cứng rắn của mình đối với Moscow.

Theo một bài viết của báo Mainichi Shimbun, quan hệ với Nga có thể khiến “bất hòa xảy ra” giữa các nước thành viên G7.

Một trong những nguyên nhân các nước tỏ ra căng thẳng là bởi, quan điểm về vai trò của Nga trong việc thỏa thuận ngừng bắn Minsk nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine vẫn còn nhiều khác biệt.

Chính phủ Nhật Bản cho biết, “yếu tố quan trọng nhất đối với vấn đề này đó là sự can thiệp mang tính xây dựng của Nga”.

Tokyo cũng nhấn mạnh rằng việc hợp tác với Moscow là hoàn toàn có thể, cụ thể là trong tình hình xung đột ở Syria. Báo Mainichi Shimbun cũng nói rằng Thủ tướng Abe “rất thân” với Tổng thống Putin.

Đầu tháng 5 vừa qua, ông Abe đã đến thành phố Sochi (Nga) để hội đàm với Tổng thống Putin và đề ra kế hoạch hợp tác kinh tế song phương giữa hai nước, cụ thể là trong các lĩnh vực dầu mỏ và khi đốt cũng như nâng cấp cảng biển và cảng hàng không.

Sau chuyến thăm này, Thủ tướng Nhật Bản cho biết ông “cảm thấy đây là một bước đột phá” trong quan hệ giữa Tokyo và Moscow.

Trái lại, Thủ tướng Anh David Cameron vẫn phát biểu rằng phương Tây không được quên “Nga xâm lược Ukraine”.

Lãnh đạo các nước G7 sau đó tuyên bố rằng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga vẫn sẽ được áp đặt cho đến khi thỏa thuận ngừng bắn Minsk được thực hiện triệt để ở Ukraine.

Tuy nhiên họ thừa nhận rằng việc đối thoại thường xuyên với Nga là rất quan trọng để giải quyết cuộc xung đột.

“Chúng tôi nhận thấy được tầm quan trọng trong việc đối thoại với Nga nhằm đảm bảo rằng họ tuân thủ những cam kết họ đưa ra cũng như luật pháp quốc tế để có thể thực hiện giải pháp triệt để nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, tuyên bố chung của nguyên thủ các nước G7 viết.

Năm 2014, Nga đã bị loại khỏi nhóm nước G8 sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga và xung đột nổ ra ở miền Đông Ukraine.

Khi đó, nguyên thủ các nước thành viên cho biết họ không đến dự cuộc họp thượng đỉnh ở thành phố Sochi được tổ chức vào tháng 6/2014 mà họp bàn tại thủ đô Brussels (Bỉ), không có sự tham gia của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại