Lý Hùng: Từ khi nhận được 30 triệu đồng cát-xê một phim, tôi cứ nhận như thế suốt nhiều phim liền

Tùng Ninh |

"Tiền thì ai cũng mê, nhận 80 ngàn cũng mừng mà 2 tỷ cũng mừng. Nhưng tôi không biết tiền là gì vì được bao nhiêu về mẹ lấy hết", Lý Hùng chia sẻ.

Mới đây, tại tập 5 chương trình Ký ức tươi đẹp, diễn viên Lý Hùng đã chia sẻ về sự nghiệp đầy vất vả của mình và những kỷ lục đạt được.

Tôi từng đạt những kỷ lục như đóng nhiều vai chính nhất, cát-xê cao nhất 

Hồi trẻ, tôi từng đạt những kỷ lục như đóng nhiều vai chính nhất, cát-xê cao nhất cho 30 triệu đồng một phim, giá trị tương đương với 2 tỷ đồng bây giờ. Tôi đâu có nghĩ là mình đạt được như vậy.

Tính đến ngày hôm nay, tôi đã tham gia trên 100 bộ phim. Trong đó, đa số là vai chính. Đây là điều hạnh phúc của tôi.

Thực ra, tôi không mê nghệ thuật mà mê võ. Nhà tôi có một võ đường nên từ 5 tuổi đã được học võ. Tôi thích lên võ đài đối kháng với địch thủ.

Lý Hùng: Từ khi nhận được 30 triệu đồng cát-xê một phim, tôi cứ nhận như thế suốt nhiều phim liền   - Ảnh 1.

Mẹ tôi lúc đó mới bảo tôi: "Con à, mình dù có là võ sư, có giỏi võ đến đâu mà đánh người ta 2, 3 cái, người ta cũng đánh lại mình được một cái. Đâu có ai đứng yên cho đánh đâu".

Mẹ tôi đã trải qua quá nhiều chuyện khi cha tôi lên võ đài thi đấu, nên khuyên tôi không theo nghề võ.

Năm 12 tuổi, ba tôi đóng vai một thiếu tá chế độ cũ. Tôi đi theo ba quay nhưng đi theo để chơi là chính.

Bác đạo diễn Lê Văn Duy nhìn thấy tôi có nói: "Cậu học sinh này mặt lì lì, không biết là con ai nhưng cứ cho đóng phim đi".

Lập tức, tôi được vào vai cậu bé bán báo, lấy dàn ná thun bắn vào mông cảnh sát. Tôi có biết diễn xuất gì đâu, đạo diễn bảo sao mình làm vậy. Bác ấy bảo tôi lén từ trong đám sinh viên ra cầm ná bắn.

Tôi không biết nên bắn thật, khiến người đóng vai cảnh sát là chú Nguyễn Cung bị đau quá, mới quay ra chửi: "Sư cha thằng nào bắn thật vậy? Tao đau quá. Rồi ông dí tôi luôn". Đó cũng là cái đà, cái duyên của tôi với nghề.

Tôi phải vào ở chung với trẻ cơ nhỡ, không ai nuôi, rồi cả dân móc túi

Chừng nửa tháng sau, bác đạo diễn Cao Thụy casting bộ phim Nơi đàn chim và cơn bão, tôi có vào thử vai.

Bác đạo diễn yêu cầu tôi cười, làm mặt nghiêm rồi tức giận. Tôi làm xong một cái là được chọn để đóng vai chính luôn.

Lý Hùng: Từ khi nhận được 30 triệu đồng cát-xê một phim, tôi cứ nhận như thế suốt nhiều phim liền   - Ảnh 2.

Tới bây giờ kể lại, tôi vẫn thương ba mẹ lắm. Phim quay ở ngã ba Thái Lan, ngay trường giáo huấn thanh thiếu niên nên tôi phải vào ở chung với trẻ em cơ nhỡ, không ai nuôi, rồi cả dân móc túi bị đưa vào để cải tạo.

Ba mẹ tôi biết vậy nên cứ hàng tuần đi xe Honda gắn máy lên thăm và ở lại chơi một, hai ngày. Hồi đó là năm tám mấy, còn khó khăn lắm, đi từ Sài Gòn ra đó xa xôi vô cùng, mà ba mẹ tôi vẫn cứ đi.

Tôi ở trong đó suốt ba tháng hè. Có một cô bé đóng chung tên Cà Na, người Việt lai Mỹ, diễn vai mê tôi ở trong phim. Sau này, cô bé đó di cư sang nước ngoài, gần đây mới trở về. Vì gốc người nước ngoài nên cô ấy giờ to lắm. Tôi ấn tượng với cô đó nhất. Đó là một trong những kỷ niệm đẹp với tôi.

Tôi phải đi xe Hải Âu suốt 14 ngày trời vì cứ vừa đi vừa quay, đường thì xấu

Điện ảnh đúng là một cái duyên, người tính không bằng trời tính. Năm tôi 17 tuổi có đi casting phim Phạm Công Cúc Hoa. Khi ba tôi đưa tôi đến, tôi không được vào vai Phạm Công vì Phạm Công thì phải to lớn, chững chạc, có con, có tới 2 vợ là Cúc Hoa và Tào Thị.

Tôi không có khả năng vào vai Phạm Công vì vốn sống yếu quá, mới lớn lên, còn chưa có người yêu nữa.

Khoảng một tuần sau, bác đạo diễn Lưu Bạch Đàn điện thoại đến nhà tôi và nói rằng, cả đoàn phim bác chỉ nhất trí cho tôi vào vai Phạm Công. Tôi nghe xong mà lỗ tai bùng bùng, không thể tin được.

Khi đóng bộ phim ấy, tôi có khá nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Thời đó là năm 1980 -1990, làm gì có kĩ xảo, kĩ thuật. Làm râu thì phải cắt tóc, gắn từng cọng từng cọng vào cằm, dán keo lên, cứng hết cả miệng, nên trước khi quay cứ phải nhồm nhoàm. Phải làm sao để râu đều ra, mới dám quay, không thì cứng miệng không nói được.

Lý Hùng: Từ khi nhận được 30 triệu đồng cát-xê một phim, tôi cứ nhận như thế suốt nhiều phim liền   - Ảnh 4.

Rồi tới cảnh Phạm Công xuống Diêm Vương tìm Cúc Hoa, hai người hôn nhau, ôm nhau khóc sướt mướt. Hai đứa tôi khóc đã đời mà đạo diễn lại bắt cắt hết. Tôi có hỏi sao đóng tốt lại cắt thì bác đạo diễn mới nói: "Râu của con cắm hết vào má cô ấy".

Bộ phim đó quay ở Huế. Từ Sài Gòn ra Huế, tôi phải đi xe Hải Âu suốt 14 ngày trời vì cứ vừa đi vừa quay, đường thì xấu.

Quá trình quay phim cực khổ lắm, nhưng chính nhờ những bộ phim đó mới đưa đến tên tuổi của tôi ngày hôm nay.

Cũng trong phim đó, có cảnh quay ở núi Bửu Long, đánh với Sầm Hưng, tôi phải cưỡi ngựa đánh với Sầm Hưng.

Con ngựa lúc đó không hề to, nhỏ tí, tôi nhảy lên một cái mà nó sụn cả chân.

Tiếp đó, có đoạn đánh giặc, tôi phải mặc đồ giáp leo ngựa chạy. Tôi chạy được một đoạn, đạo diễn kêu cắt cảnh, dừng lại, nhưng ngựa cứ chạy mãi không chịu dừng. Tôi càng kéo cương nó càng chạy. Tôi sợ quá, nhưng may mà nhanh trí nghĩ cách dừng lại, chứ không là lao xuống hồ Bửu Long rồi.

Từ khi nhận được 30 triệu đồng cát-xê một phim, tôi cứ nhận như thế suốt nhiều phim liền

Trong phim Người không mang họ, tôi đóng vai Trương Sỏi. Đây là bộ phim điện ảnh hiếm hoi của Việt Nam mà nhân vật chính lại là vai phản diện. Quá trình quay phim này cũng rất vất vả, kì công, để lại trên người tôi nhiều vết sẹo.

Lúc đó, tôi còn trẻ lắm, mới có 19 tuổi, nhưng may mắn là con nhà võ nên đóng được cảnh với những tên cướp. Tôi còn phải cầm chai rượu chặt tên cướp để thị uy.

Thời đó làm gì có vỏ chai rượu là bằng mủ, tôi phải chặt chai rượu thật, khiến mảnh vỡ bắn lên tay, đứt chảy máu. Tôi phải khâu 9 mũi. Các bạn trẻ bây giờ may mắn hơn tôi nhiều lắm.

Lý Hùng: Từ khi nhận được 30 triệu đồng cát-xê một phim, tôi cứ nhận như thế suốt nhiều phim liền   - Ảnh 5.

Thời đó, phim thị trường không chỉ đưa tên tuổi của tôi lên, mà còn kéo theo Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương, Thu Hà, Việt Trinh, Công Hậu.

Lúc đó, tôi đã nổi tiếng, nhưng chưa được học ở trường lớp. Ba tôi thấy vậy mới nói: "Con đã nổi tiếng rồi, nhưng muốn giữ được nó còn khó hơn". Vì thế nên tôi mới vào trường Sân khấu Điện ảnh học. Lứa của tôi cũng là khóa đầu tiên của trường.

Hồi đó, cả miền Nam có đến mấy ngàn người đăng kí thi mà họ chỉ chọn có 20 người. Tôi đi học còn được tiền lương, mua mỹ phẩm.

Một lớp học chỉ có khoảng 2 người thành công, nhưng lớp tôi thì may mắn có nhiều người hơn như tôi, Diễm Hương, Ngọc Hiệp, Thiệu Ánh Dương, Lê Tuấn Anh. Sau này có thêm Đạt Phi.

Bộ phim tôi nhận cát-xê thấp nhất là khi mới vào nghề năm 12 tuổi. Nếu tính ra tiền ngày nay chắc được 80 ngàn.

Sau đó, cát-xê của tôi lên theo mỗi ngày, đó là thị trường. Khi phim của tôi xuất hiện ở rạp chiếu phim, có khán giả đến coi, tại sao tôi lại không được đòi tiền?

Nhà sản xuất làm phim có lãi, tôi cũng phải được hưởng. Từ khi tôi nhận được 30 triệu đồng tiền cát-xê, tương đương với 2 tỷ bây giờ, tôi cứ nhận như thế suốt nhiều phim liền.

Tiền thì ai cũng mê, nhận 80 ngàn cũng mừng, mà 2 tỷ cũng mừng. Nhưng tôi không biết tiền là gì vì được bao nhiêu về mẹ lấy hết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại