Kinh tế lao đao sau thập kỷ "phất như diều gặp gió": Người Trung Quốc cay đắng đối mặt với thực tại

Hồng Anh |

Nền kinh tế nước nhà gặp khó, nhiều người dân tại thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc đang phải tạm gác lại giấc mộng của riêng mình.

Trong thập kỷ vừa qua, thành phố Trịnh Châu (thuộc Tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) đã được nếm "trái ngọt" của giấc mộng Trung Hoa, theo Reuters.

Nhờ các khoản đầu tư, trong đó bao gồm các khoản trợ cấp của chính phủ Bắc Kinh, thủ phủ của tỉnh Hà Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ.

Từng là một thành phố nghèo 10 triệu dân, tọa lạc giữa sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, giờ đây Trịnh Châu đã trở thành một thành phố phát triển với rất nhiều tòa nhà chọc trời và hệ thống đường cao tốc, cầu vượt hiện đại.

Sau khi hệ thống đường sắt được nâng cấp, Trịnh Châu đã trở thành một trung tâm hậu cần quan trọng của Trung Quốc, nơi xuất đi những chuyến hàng tới châu Âu trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường.

Foxconn, nhà cung ứng của tập đoàn công nghệ Mỹ Apple, cũng đặt nhà máy sản xuất điện thoại iPhone lớn nhất trên thế giới tại Trịnh Châu.

Đối với rất nhiều người dân tỉnh Hà Nam - nơi hiện có 100 triệu người đang sinh sống và làm việc - thì Trịnh châu đã trở thành biểu tượng của thành tựu và cơ hội tại vùng "hậu phương" của Trung Quốc.

Đồng thời, Trịnh Châu còn được cho là có sức hút "nam châm" khiến nhiều người quyết định bỏ lại các trang trại lợn, đồng lúa... để tới đây làm việc trong các nhà máy, với hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, theo Reuters.

Thu nhập cá nhân bình quân tại Trịnh Châu đã tăng gấp đôi trong thập kỷ vừa qua, và trong năm ngoái con số này đã chạm mức 4.791 USD. Nhờ mức lương này, nhiều cư dân Trịnh Châu đã được tận hưởng mức sống của tầng lớp trung lưu, mua được các thiết bị tiêu dùng, hàng xa xỉ và thậm chí là căn hộ riêng.

Các hãng sản xuất ô tô như GM, Honda và Nissan, cũng như các nhãn hàng tiêu dùng như Christian Dior và Cartier đã nhận ra xu hướng này, và tin rằng việc người dân tại những nơi như Trịnh Châu được tăng thu nhập sẽ mở ra những thị trường mới/mở rộng thị trường của họ.

Người Trung Quốc tạm gác lại giấc mộng Trung Hoa vì kinh tế nước nhà gặp khó

Tuy nhiên, việc kinh tế bắt đầu giảm sút từ cuối năm 2018 đã khiến những điều bất ổn tại thành phố này càng thêm nghiêm trọng.

Khi mọi lĩnh vực từ bất động sản cho đến hàng tiêu dùng và công nghệ đều cho thấy dấu hiệu giảm tốc, và chi phí sinh hoạt bắt đầu tăng nhanh hơn tăng trưởng về thu nhập, một số người dân cảm thấy rằng cơ hội tiến thân trên nấc thang xã hội cũng ngày càng suy giảm. Những điều từng là cơ hội, là triển vọng đối với Trịnh Châu, giờ đây dường như sắp cạn kiệt.

Các phóng viên của Reuters đã thực hiện chuyến đi tới Trịnh Châu vào cuối năm 2018 và đầu năm 2009 để trò chuyện cùng các chủ doanh nghiệp, người tiêu dùng và những người hy vọng mua được nhà riêng tại thành phố này. Nhiều người trong số đó đã bày tỏ sự lo lắng hoặc hồ nghi về khả năng duy trì và đạt được khát vọng thịnh vượng - theo như lời hứa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sau đây là 3 câu chuyện đã được phóng viên của Reuters tổng hợp lại. Chúng cho thấy những thách thức và khó khăn rất lớn mà Trung Quốc sẽ phải đối diện khi xây dựng một nền tảng mới cho kinh tế trong nước nói chung và các tỉnh lị như Hà Nam nói riêng, đồng thời cũng phô bày thực tế tại Trung Quốc cho những nhà bán lẻ toàn cầu muốn tìm kiếm các thị trường sinh lời mới.

Câu chuyện thứ 1: Chủ doanh nghiệp

Ngay từ khi còn nhỏ, Gong Tao chỉ có một ước mơ duy nhất: Trở thành một chủ doanh nghiệp, giống như cha mình.

Là một thương nhân bán bút viết thư pháp, cha của Gong Tao đã gây dựng sự nghiệp tại tỉnh Hà Nam, và khiến con trai có ấn tượng sâu sắc về giá trị của sự chăm chỉ.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2014, Gong đã thành lập một công ty công nghệ khắc ảnh lên bản in kim loại - một hình thức mới để các khách hàng lưu giữ những kỷ niệm đặc biệt của họ.

Hai năm sau, khi Gong bước sang tuổi 24, anh đã nhanh chóng bắt kịp với sự bùng nổ của nền kinh tế online, thành lập một công ty start-up giúp khách hàng thiết kế các chương trình trên WeChat, một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất Trung Quốc.

Công việc kinh doanh của Gong khá thuận lợi, hơn nữa những mô hình start-up công nghệ như vậy còn được tiếp sức nhờ khoa học kĩ thuật phát triển và các chính sách tạo điều kiện của chính phủ. Nhờ vậy, Gong tiếp tục mở rộng quy mô công ty và tuyển đến 70 nhân sự vào làm việc.

Tuy nhiên, một loạt đối thủ cạnh tranh giá rẻ hơn đã khiến công ty của Gong gặp khó khăn khi nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu giảm tốc vào năm ngoái.

"Chúng tôi không hề nghĩ rằng thị trường Trung Quốc sẽ lao dốc nhanh đến vậy", anh Gong, năm nay 26 tuổi, trả lời phóng viên Reuters tại một nhà hàng ăn nhanh ở Trịnh Châu. Người này cho biết anh đã phải cắt giảm rất nhiều khoản chi tiêu vào quần áo và phải tự nấu ăn ở nhà thay vì ăn ở ngoài.

"Trong cả năm 2017, việc kinh doanh phát triển rất thuận lợi, và tình hình khá lạc quan. Đột nhiên đến năm 2018, mọi thứ đều tụt dốc", Gong nói.

Tháng 10 năm ngoái, Gong đã nghe theo một cố vấn và đóng cửa công ty trong khi kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục khó khăn. Sau đó Gong đã tìm được một công việc bán hàng tại một công ty con của một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, nhưng đã nhanh chóng vỡ mộng vì mức lương thấp và công việc đơn điệu. Anh đã quyết định bỏ công việc này chỉ sau vài tháng.

Gong cho biết anh cảm thấy rất tiếc nuối vì đã không mua nhà trước khi giá bất động sản bắt đầu tăng đột biến vào 3 năm trước, dù gần đây bất động sản đã giảm giá ít nhiều.

Nói về mục tiêu của cuộc đời mình, Gong cho hay anh vẫn chưa từ bỏ khát vọng tự làm chủ một doanh nghiệp riêng, tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, anh hiểu rằng mình cần phải suy nghĩ thực tế và tạm thời cố gắng chấp nhận làm một công việc bàn giấy bình thường.

"Hiện thực rất tàn nhẫn", Gong nói.

Kinh tế lao đao sau thập kỷ phất như diều gặp gió: Người Trung Quốc cay đắng đối mặt với thực tại - Ảnh 3.

Hình ảnh minh họa. Nguồn: MR.

Câu chuyện thứ 2: Cử nhân đại học

Sở hữu một tấm bằng tốt nghiệp chuyên ngành viễn thông từ một trường đại học thuộc hàng top của Bắc Kinh, một căn nhà ở Trịnh Châu và một hôn lễ sắp được tổ chức vào tuổi 26, Wu Shuang có thể được coi là một "người chiến thắng" trong con mắt của rất nhiều người Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Wu nói rằng anh và những người bạn của anh ở Trịnh Châu cảm thấy trên vai mình có mối lo lắng rất lớn.

Năm 2017, Wu đã mua một căn hộ trị giá 2 triệu Nhân dân tệ (NDT) - tài sản này đã ngốn gần hết khoản tiền tiết kiệm của gia đình anh, và anh vẫn còn phải trả góp hàng tháng cho khoản 8.000 NDT còn lại.

Năm 2018, sau khi bỏ công việc văn phòng tại một công ty nhà nước - công việc mà Wu cho là nhàm chán và lương thấp - người này cũng phải tạm gác lại kế hoạch góp vốn cùng bạn bè để mở quán bar ở Trịnh Châu, khi thành phố này bị ảnh hưởng do nền kinh tế giảm tốc.

"Không chỉ là do giá nhà đất hay do tìm việc làm khó khăn", Wu nói. "Hiện giờ, mọi người đều cảm thấy cơ hội ngày càng ít đi vì kinh tế đang giảm tốc".

Đối với nhiều người Trung Quốc trẻ tuổi, thì cái gọi là giấc mộng Trung Hoa của họ: kiếm một công việc uy tín, kết hôn và mua nhà - hiện ngày càng xa tầm với, Wu cho biết.

Khi giá bất động sản tăng cao, nhiều người dù đến tuổi trưởng thành nhưng vẫn phải phụ thuộc vào cha mẹ họ trong chuyện tài chính.

Wu cho biết cha mẹ anh cũng đã giúp anh trả tiền đặt cọc và tiền trả góp cho căn hộ anh mua - điều này khiến anh thấy không thoải mái, nhất là khi cha mẹ anh cũng chỉ có thu nhập bình thường.

"Rất nhiều người cảm thấy bất lực khi thấy có những người được tận hưởng cuộc sống tốt đẹp mà không phải do bản thân họ tự mình cố gắng, mà do gia đình họ có sẵn điều kiện", Wu nói.

Câu chuyện thứ 3: Ngư dân

Nhiều người dân ở tầng lớp xã hội thấp hơn cảm thấy họ bị bỏ lại phía sau khi xã hội phát triển, và họ cũng cảm thấy mình không thể nâng cao cuộc sống của mình và gia đình dù tiếp tục chăm chỉ làm công việc hiện tại.

Nhiều thế hệ nhà Sun đã kiếm sống bằng nghề đánh cá trên sông Hoài và sông Hoàng Hà. Cũng như ông và cha mình, hai anh em Sun Genxi (44 tuổi) và Sun Lianxi (32 tuổi) đều được sinh ra trên một con thuyền đánh cá.

Mặc dù kinh tế của Trung Quốc đi lên, nhưng cuộc sống của những ngư dân này vẫn rất khó khăn.

"Những tòa nhà chọc trời kia không liên quan gì đến tôi. Chúng được xây cho người khác, chứ không dành cho tôi. Chúng tôi chẳng có phần nào trong đó cả", ông Lianxi nói.

Trước đây hai anh em họ Sun đi lang bạt khắp chốn, và thả neo ở bất cứ nơi nào kiếm được cá. Hơn 10 năm trước, họ đã dừng lại bên sông Hoàng Hà - phía Bắc thành phố Trịnh Châu, để con gái đầu của ông Genxi được đến trường.

Họ muốn con mình hoàn thành việc học và trở thành người đầu tiên trong gia đình phá vỡ truyền thống làm ngư dân.

"Nếu con không chăm học, thì sau này con sẽ trở thành người như cha", ông Genxi, người không hề biết đến mặt chữ, nói với con gái mình.

Kinh tế lao đao sau thập kỷ phất như diều gặp gió: Người Trung Quốc cay đắng đối mặt với thực tại - Ảnh 5.

Ngư dân Sun Lianxi. Ảnh: Reuters.

Nhà Sun từng sở hữu một nhà thuyền lớn - đó cũng là mái nhà của 17 người thuộc 4 thế hệ. Chiếc thuyền này cũng là một nhà hàng nổi để họ bán món cá tươi om cho những người đi dạo bên bờ sông Hoàng Hà vào buổi sáng.

Tuy nhiên, trong một chiến dịch bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương đã tịch thu nhà thuyền của họ vào năm 2017 - với mục đích giảm thiểu hoạt động đánh bắt cá quá mức và gây ô nhiễm nguồn nước.

Nhà họ Sun hiện phải sống trong những chiếc lều tạm bợ bên sông Hoàng Hà, và hằng ngày chỉ có thể đi đánh bắt cá trên một chiếc xuồng nhỏ.

"Ước mơ của tôi là có một nơi ở tử tế. Rằng gia đình tôi đều có thể sống trong một căn nhà, và tôi có thể đi làm thuê cho người khác, không cần đánh cá nước", Sun Lianxi nói.

"Nhưng hiện giờ, thậm chí cả ước mơ đó cũng là điều rất xa xỉ", người này chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại