Học giả Anh: "Trò chơi" của ông Putin không phải cờ vua, mà là judo - Phương Tây liệu có cửa thắng?

Hồng Anh |

Học giả Anh Mark Galeotti bình luận rằng Tổng thống Nga Putin là "một người cơ hội, không phải là chiến lược gia".

Làm thế nào để đối phó với nước Nga? Câu hỏi này đã được thảo luận trong hai cuốn sách "Dealing with the Russians" (Đối phó với Người Nga) của học giả Andrew Monaghan và "We Need to Talk About Putin" (Chúng ta cần nói về Putin) của học giả Mark Galeotti, theo một bài tổng hợp được đăng tải trên ấn bản The Spectator của Anh.

Hai cuốn sách nói trên tuy đề cập tới cùng một vấn đề, nhưng mỗi tác giả lại có một cách tiếp cận riêng.

Cụ thể, trong khi tác giả Mark Galeotti tập trung vào những khía cạnh cá nhân của Tổng thống Nga Vladimir Putin như nền tảng, mục tiêu, sách lược và chiến thuật của nhà lãnh đạo này, thì tác giả Andrew Monaghan lại phân tích vấn đề theo cách tiếp cận rộng hơn, và phân tích những điểm mạnh và yếu của nước Nga, suy nghĩ của người Nga về đất nước họ, những điều họ hiểu đúng và hiểu sai về nước Anh và ngược lại.

Đáng chú ý, cả hai tác giả trên đều cho rằng mối quan hệ giữa Nga và phương Tây bị tổn hại chính vì người phương Tây đôi khi không thể vượt khỏi những định kiến của mình về Nga.

Từ nhận định sai lầm đến hành động sai lầm

Theo tác giả Monaghan, vấn đề nằm ở nhận thức và cách đáp trả của phương Tây đối với Nga. Nhận thức của phương Tây có vấn đề khi họ tự động cho rằng Nga là mối đe dọa theo chủ nghĩa bành trướng khi nhìn vào những "gương tày liếp" như Georgia, Crimea và Ukraine. Hơn nữa, người phương Tây cũng thường lo lắng thái quá về sức mạnh và năng lực của Nga.

Tác giả này thừa nhận rằng, thực tế Nga vẫn là "thách thức lớn đối với cộng đồng châu Âu - Đại Tây Dương", nhưng cho rằng điều này không bắt nguồn từ một chiến lược gây hấn của Nga, mà là do một loạt "những bất đồng trong chính sách... và nhất là những khác biệt trong nhận thức của các bên trong bối cảnh quốc tế hiện nay".

Trong khi người Anh nói riêng và người phương Tây nói chung thấy Nga ngày càng đáng sợ, thì nước Nga tin rằng hành động của họ chỉ đơn thuần là tự vệ.

Cụ thể, khi phương Tây cáo buộc Nga xâm nhập lãnh thổ nước khác, tấn công mạng tại Estonia năm 2007, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh, v.v... thì Nga khẳng định hành động của họ chỉ là phòng vệ khi phương Tây không giữ lời hứa về việc ngừng mở rộng NATO sau khi Liên Xô sụp đổ, khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận chống tên lửa đạn đạo (ABM), khi phương Tây muốn thay đổi chế độ tại Iraq, và khi phương Tây ủng hộ thái độ chống Mỹ ở Ukraine hay khủng bố Chechen...

Về sức mạnh và năng lực của Nga, tác giả Monaghan đã chỉ ra nhiều vấn đề "kinh niên" trong nền kinh tế của nước này, trong đó bao gồm việc ông Putin chỉ tập trung đầu tư cho những lĩnh vực mà theo ông là trọng tâm, và ngân sách quốc phòng của Nga thấp hơn rất nhiều so với khoản ngân sách quốc phòng Mỹ do Tổng thống Donald Trump đề xuất.

Học giả Anh: Trò chơi của ông Putin không phải cờ vua, mà là judo - Phương Tây liệu có cửa thắng? - Ảnh 2.

Phương Tây thường coi Nga là "mối đe dọa". Ảnh: Sputnik.

Học giả người Anh này cũng tỏ ra nghi ngờ về một mối đe dọa thường đường nhiều người nhắc tới - cuộc chiến tranh lai - và "Học thuyết Gerasimov" (thuật ngữ được sử dụng để nói về những hành động "bất chính" của Nga) mà ông cho là hoang đường.

Theo đó, ông Monaghan cho biết "Học thuyết Gerasimov" không hề có thuật ngữ tương đương trong tiếng Nga, hơn nữa về bản chất thì những hành động này là bất đối xứng và không kích động chiến tranh.

Chính những nhận định sai lầm kể trên đã dẫn tới những chính sách không phù hợp - những chính sách đối phó giả dạng chiến lược. Điều này dẫn tới hai khả năng, một là hòa hoãn (đối thoại) hoặc răn đe, và hai bên coi chúng là kết thúc chính thức, chứ không phải là một phần của chiến lược lớn hơn.

Điều cần thiết hiện nay, theo tác giả này, là một chiến lược khác biệt của thế kỷ 21 có tính toán đến những bài học trước đó - chứ không phải lối suy nghĩ lười biếng khiến thế giới trở lại thời Chiến tranh Lạnh.

Muốn tìm cách đối phó Nga? Hãy bắt đầu từ Tổng thống Putin

Còn trong cuốn sách tập trung vào những khía cạnh cá nhân của Tổng thống Putin, thì tác giả Mark Galeotti cho rằng nếu muốn tìm ra chiến lược đối phó với nước Nga, trước tiên nên tìm hiểu từ niềm đam mê của ông Putin: đó không phải là cờ vua, mà là judo.

Tác giả này bình luận rằng ông Putin là một người cơ hội, chứ không phải là một chiến lược gia, và vị Tổng thống Nga không có ước mơ gì lớn lao hơn tham vọng đạt được "quyền lực và ổn định trong nước, được công nhận ở nước ngoài".

Ông Putin có xuất thân bình dị và từng sinh sống ở thành phố St Petersburg (trước đây là Leningrad) trong gia đình không khá giả. Sự nghiệp trong cơ quan tình báo Nga KGB của ông này không mấy nổi trội, nhưng sau đó sự nghiệp chính trị của ông đã phất lên từ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Ông Putin là một người ái quốc, và được hàng triệu người dân Nga ngưỡng mộ vì những hành động bảo vệ và chiến đấu vì họ. Ông Putin là "người tốt hơn tôi", như Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phát biểu.

Nhưng về vấn đề đối phó với Nga, thì cả hai ông Monaghan và Galeotti đều không kỳ vọng vào khả năng quan hệ hai bên sẽ sớm được cải thiện. Ông Galeotti cho rằng điều này sẽ còn phải chờ qua nhiều thế hệ nữa. Cả hai tác giả đều phản đối những chính sách tương tự Chiến tranh Lạnh, và kêu gọi phương Tây và Nga cần phối hợp cả đối thoại và răn đe.


* Học giả Andrew Monaghan là Giám đốc trung tâm nghiên cứu về An ninh và Quốc phòng của Nga và Bắc Âu, Biến tính của Chiến tranh, thuộc trường Pembroke trực thuộc Đại học Oxford, Anh.

Học giả Mark Galeotti là Giáo sư danh dự tại trường Đại học Cao đẳng London, Anh (University College London), đồng thời là nhà nghiên cứu và tác giả nhiều cuốn sách về vấn đề an ninh Nga và tội phạm xuyên quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại