Trung Quốc còn "con dao 2 lưỡi" có thể kéo tụt tăng trưởng kinh tế Mỹ nhưng sử dụng cũng rất rủi ro

Minh Khôi |

Các chuyên gia nhận định, Bắc Kinh không chỉ có thể đáp trả bằng cách nâng thuế nhập khẩu với hàng hoá Mỹ, mà còn có một loạt các biện pháp tài chính có thể sử dụng.

Vũ khí kéo tụt tăng trưởng kinh tế Mỹ

Thứ Năm tuần trước, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã có mặt tại Washington từ để tham dự vòng đàm phán thương mại kéo dài 2 ngày, nhưng các bên đã không đạt được tiến triển như kỳ vọng.

Ngay sau khi Mỹ công bố nâng thuế nhập khẩu từ 10 lên 25%, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ra thông báo khẳng định Bắc Kinh "không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc thực thi các biện pháp trả đũa cần thiết".

Theo đó, phương án đầu tiên Trung Quốc có thể làm là bán một lượng lớn trái phiếu Mỹ mà nước này đang nắm giữ. Tác động của việc tung lượng lớn trái phiếu Mỹ ra thị trường sẽ làm giảm giá trị trái phiếu và khiến lãi suất tăng phi mã.

Rõ ràng, hệ quả từ việc này mang lại sẽ khiến các công ty Mỹ và người tiêu dùng phải chi nhiều hơn để vay tiền, đồng thời kéo tụt tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Bất chấp việc Bắc Kinh đã từng giảm lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trong vài năm gần đây, nước này vẫn tiếp tục là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ với số trái phiếu nắm giữ trị giá 1,12 nghìn tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản với 1,04 nghìn tỷ USD.

Dẫu vậy, Cliff Tan, chuyên gia trưởng nghiên cứu thị trường khu vực Đông Á tại ngân hàng MUFG, cho rằng khả năng này sẽ khó xảy ra bởi việc Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Bắc Kinh và đẩy thị trường tài chính toàn cầu vào tình hình bất ổn.

"Rõ ràng việc bán trái phiếu Mỹ không phải là một quân bài hữu hiệu với Bắc Kinh, bởi khi giá trái phiếu giảm, Trung Quốc sẽ là người hứng chịu tác động đầu tiên khi chính họ đang nắm một lượng lớn trái phiếu Mỹ", ông Tan nói.

"Đồng thời, viễn cảnh Trung Quốc từ bỏ hoàn toàn lượng trái phiếu nắm giữ sẽ cực kì rủi ro cho nền kinh tế nước này bởi những biến động lớn từ thị trường tài chính".

Hạ giá đồng Nhân dân tệ

Trước đó, tuyên bố của Tổng thống Trump về việc nâng thuế nhập khẩu với hàng hoá Trung Quốc đã khiến giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán Trung Quốc và tỉ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) giao dịch ở mức thấp hơn trong tuần này.

Đáng chú ý, chỉ số Shanghai Composite Index đã chạm mức thấp nhất trong 10 tuần trở lại đây, trong khi đồng NDT đã giảm mức cao nhất kể từ thời điểm giữa năm 2018.

Cho đến năm 2016, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn tiếp tục mua vào đồng USD từ các nhà nhập khẩu và bán ra đồng NDT để hạn chế việc tăng giá đồng nội tệ.

Hiện tại, phần lớn trong khoản dự trữ ngoại hối của Trung Quốc lên tới 3,1 nghìn tỉ USD, mức cao nhất trên thế giới, là trái phiếu chính phủ Mỹ. Trung Quốc cần tài sản bằng USD như một phương án an toàn cần thiết để đảm bảo sự vận hành thông suốt của hệ thống ngân hàng, cũng như hỗ trợ đồng NDT trong các biện pháp điều chỉnh tỉ giá.

Dẫu cho khoản 1,23 nghìn tỷ USD không phải là con số nhỏ, nó chỉ tương đương 5% nợ quốc gia của Mỹ, và rõ ràng việc sử dụng nó để đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại rất khó có thể đưa đến một hiệu quả như kì vọng.

Chuyên gia Tan từ MUFG cho rằng một phương án hữu hiệu hơn đó là hạ tỉ giá đồng NDT so với USD để làm giảm tác động từ việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu. Mỹ trước đó cũng đã yêu cầu Trung Quốc giới hạn đà giảm của đồng NDT khi coi đây là lợi thế cạnh tranh của hàng hoá Trung Quốc.

"Nếu 2 nước không có một thoả thuận về vấn đề tỉ giá, đây rõ ràng là cách Trung Quốc sẽ sử dụng để đối phó với việc Mỹ tăng thuế", ông Tan nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại