Mỹ hé lộ nội dung nước cờ mới, nhà xuất khẩu TQ bàng hoàng: Triển vọng xuất khẩu sang Mỹ cứ thế "đi tong"?

Hồng Anh |

Nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc cho biết họ rất bàng hoàng trước bản danh sách hơn 300 tỉ USD hàng hóa thuộc diện có nguy cơ bị đánh thuế của nước này vừa được Mỹ công bố.

Nhà xuất khẩu Trung Quốc chưa kịp định thần đã tiếp tục bị "đánh úp"

Ngày hôm qua (13/5), cuộc chiến thương mại của hai nước Mỹ-Trung Quốc đã leo thang thêm một bậc nữa, sau khi phía Bắc Kinh tung đòn đáp trả nhằm vào 60 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu Mỹ.

Khi các nhà xuất khẩu Trung Quốc vẫn chưa kịp định thần sau diễn biến mới nhất của cuộc chiến, thì sáng ngày hôm nay (14/5), họ lại vừa phải đón nhận tin dữ mới khi Mỹ tiến thêm một bước trong quá trình thực thi "lựa chọn hạt nhân" trong cuộc chiến thương mại dai dẳng.

Cụ thể, chỉ vài giờ sau khi phía Bắc Kinh tuyên bố đáp trả, Văn phòng Đại diện Thương mại của Mỹ đã công bố danh sách các mặt hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc (trị giá hơn 300 tỉ USD) có nguy cơ tiếp tục bị áp mức thuế 25%.

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), kế hoạch trên cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông đã vượt xa hơn tưởng tượng của nhiều người khi cuộc chiến thương mại bắt đầu nổ ra từ hơn một năm trước.

Một số nhà xuất khẩu cho biết họ cảm thấy rất bàng hoàng trước thông tin ấy.

"Nói thật lòng, thì tôi đang vô cùng bực bội, bởi điều đó sẽ 'bóp chết' việc xuất khẩu ra thị trường Mỹ của chúng tôi", Anna Kam, một thành viên của công ty Sky City 2K chuyên xuất khẩu các loại tay cầm chơi game, với 85% sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc đại lục. Số hàng hóa này sau đó sẽ được chuyển sang Hồng Kông trước khi được phân phối đến các khách hàng châu Âu và Bờ Tây của Mỹ.

"[Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với số hàng hóa Trung Quốc còn lại] sẽ 'bóp chết' thị trường của chúng tôi, vì sản phẩm của chúng tôi chỉ có lợi nhuận biên từ 12-15%. Nếu phải gánh mức thuế 25%, thì chúng tôi lấy đâu ra lãi nữa", cô này cho biết. Sản phẩm của công ty Sky City 2K cũng nằm trong số các hạng mục hàng hóa bị đe dọa đánh thuế.

"Tình hình vốn đã khá tệ rồi. Việc kinh doanh của chúng tôi đã giảm đáng kể, và chúng tôi không biết phải giải quyết điều đó như thế nào", cô Kam cho hay, trước khi Mỹ giáng thuế, các sản phẩm của công ty cô đã phải chịu các hàng rào phi thuế quan - như việc bị hải quan Mỹ giữ lại mà không đưa ra bất cứ lời giải thích nào.

"Tháng trước, một lô hàng rất lớn của chúng tôi đã bị chặn lại ở Los Angeles. Tình hình này đã bắt đầu từ khoảng 7, 8 tháng trước, khi lô hàng đầu tiên của chúng tôi bị chặn lại ở New York. Và sau đó chuyện này ngày càng diễn ra thường xuyên hơn, có lẽ là khoảng 3-4 tháng/lần. Trước đó, tôi chỉ mới chứng kiến lô hàng của mình bị người ta chặn lại đúng 2 lần trong suốt 5-6 năm làm việc trong ngành", cô Kam chia sẻ.

Mỹ hé lộ nội dung nước cờ mới, nhà xuất khẩu TQ bàng hoàng: Triển vọng xuất khẩu sang Mỹ cứ thế đi tong?  - Ảnh 2.

Nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Trump đã hiểu sai về thuế quan. Ảnh: EPA-EFE

Khi nỗi đau không chỉ của riêng Trung Quốc

Một quản lý cấp cao trong doanh nghiệp sản xuất phần cứng cho điện thoại iPhone tại Thâm Quyến cho hay: "Nếu điều đó ảnh hưởng tới Apple, thì chúng tôi cũng sẽ bị ảnh hưởng". Điện thoại thông minh cũng là một trong những sản phẩm nằm trong diện có nguy cơ chịu thuế.

Trong danh sách 200 tỉ USD hàng hóa bị đánh thuế từ trước đó không có các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại thông minh, quần áo, đồ chơi và đồ điện tử. Đây được cho là cách chính quyền Mỹ bảo vệ người tiêu dùng của mình trong cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, động thái mới nhất của Mỹ cho thấy ngay cả nội bộ nước Mỹ cũng sẽ phải chịu thiệt khi giá các mặt hàng tiêu dùng tăng cao, nếu lệnh áp thuế được thực thi.

Bước tiếp theo của quá trình áp thuế đối với hơn 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc còn lại là phiên điều trần công khai về mức thuế mới, có thể sẽ diễn ra vào khoảng ngày 24/6 tới. Nếu vượt qua bước này, thì chính quyền Mỹ có thể chính thức áp mức thuế mới trước ngày 10/7, theo nghiên cứu của Ngân hàng Westpac.

Như vậy, từ nay đến giữa tháng 7, các nhà đàm phán của hai nước vẫn còn thời gian để thảo luận nhằm hóa giải những bất đồng và cùng đạt được thỏa thuận.

Tổng thống Trump hôm thứ 2 (13/5) vừa qua cũng đã tuyên bố sẽ gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6 tới. Tuy nhiên phía Trung Quốc vẫn chưa chính thức xác nhận thông tin về cuộc gặp này.

Ông Jake Parker, Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung tại Trung Quốc - đơn vị thường xuyên thay mặt các công ty Mỹ ở Trung Quốc vận động hành lang, nhận định rằng "tình hình đang tiến triển sai hướng".

"Việc áp thêm thuế quan không những chẳng thuyết phục được các chính phủ thay đổi lập trường, mà còn khuếch đại thêm những thiệt hại mà các công ty và người nông dân Mỹ làm ăn với Trung Quốc phải gánh chịu. Cách đúng đắn nhất để giải quyết vấn đề là đàm phán.

Chúng tôi đề nghị chính phủ hai nước ngưng cãi vã và trở lại tập trung giải quyết những vấn đề cơ cấu trọng điểm. Điều đó sẽ giúp các nhà xuất khẩu và đầu tư Mỹ có địa vị trên sân chơi ở Trung Quốc", ông Parker nói.

Mỹ hé lộ nội dung nước cờ mới, nhà xuất khẩu TQ bàng hoàng: Triển vọng xuất khẩu sang Mỹ cứ thế đi tong?  - Ảnh 4.

Nông dân Mỹ được cho là là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất sau khi lệnh tăng thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc có hiệu lực. Ảnh: Agence France-Presse

Ông Wei Jianguo, cựu thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, từng phát biểu rằng ông hy vọng người tiêu dùng Mỹ sẽ là những người chịu nhiều ảnh hưởng nhất nếu Washington tiếp tục giáng đòn với Trung Quốc.

"[Tổng cộng 575 tỉ USD hàng xuất khẩu Trung Quốc bị áp thuế] là một con số khổng lồ, liệu người tiêu dùng Mỹ sẽ nghĩ gì về điều đó?", ông Wei trả lời phóng viên báo SCMP. Đồng thời, vị cựu Thứ trưởng này cũng cảnh báo rằng khả năng phản đòn của Trung Quốc sẽ còn ghê gớm "hơn rất nhiều so với những gì chính quyền ông Trump tưởng tượng".

Các nhà vận động hành lang ủng hộ trao đổi thương mại tại Mỹ cũng có chung quan điểm với ông Wei. Họ đã chỉ trích ông Trump vì đã hiểu sai về tác động của thuế quan. Ông Trump từng nhiều lần nhấn mạnh rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc là người chịu đòn, tuy nhiên nhiều ý kiến đã bác bỏ luận điểm của ông Trump, và khẳng định thuế quan ảnh hưởng trực tiếp tới những người tiêu dùng Mỹ.

"Việc ép buộc người tiêu dùng Mỹ phải chi trả nhiều hơn cho quần áo, giày dép, đồ chơi, đồ điện tử và thậm chí là thực ăn sẽ chẳng ảnh hưởng gì tới Trung Quốc", một tổ chức vận động khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại