WSJ: Bị Mỹ "đánh úp", phái đoàn Trung Quốc nhận lệnh khẩn "ở yên tại chỗ", chờ thông báo

An An |

Trước đó, Trung Quốc bị cáo buộc sửa đổi thỏa thuận và muốn đàm phán lại. Điều này khiến Tổng thống Trump "nổi đóa", ra lệnh áp mức thuế mới.

Vòng đàm phán thương mại thứ 11 giữa Trung Quốc và Mỹ đã kết thúc vào ngày 10/5 nhưng các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận chung. Truyền thông Mỹ ngày 13/5 đưa tin, phái đoàn Trung Quốc tới Mỹ chỉ có mục đích duy nhất là tiếp tục các cuộc đàm phán. 

Theo Wall Street Journal (WSJ - Mỹ), trước vòng đàm phán thương mại lần thứ 11, chính phủ hai nước đều phát đi cùng một tín hiệu: Hai bên gần đạt được thỏa thuận và sẽ trao đổi công tác hậu cần phục vụ lễ ký kết.

Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày, tình hình đã chuyển biến nhanh chóng. Vào phút cuối, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vì Washington cáo buộc Bắc Kinh "lật kèo" về các cam kết trước đó. 

Theo tờ này, trước động thái này của Mỹ, Trung Quốc thậm chí đã cân nhắc việc có nên hủy chuyến thăm Washington hay không.

2 nhà lãnh đạo "hàn gắn" rạn nứt

Được biết, ngay sau khi ông Trump tuyên bố sẽ tăng mức thuế mới, phái đoàn đại diện thương mại Trung Quốc - vốn đã đặt vé tới Washington đã nhận lệnh khẩn - yêu cầu họ "ở yên tại chỗ", chờ thông báo mới. Một trong những thành viên đoàn đàm phán Trung Quốc sáng ngày 6/5 cho biết, điều này dự báo về cuộc đàm phán không thành công.

Một quan chức Trung Quốc - người nắm rõ quá trình ra quyết sách của Bắc Kinh cho biết, vì cuộc đàm phán sẽ được tổ chức trong vài ngày tới, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ ngồi lại với các cố vấn của ông ở Trung Nam Hải để thảo luận về cách đối phó trước tuyên bố tăng thuế của Mỹ.

WSJ: Bị Mỹ đánh úp, phái đoàn Trung Quốc nhận lệnh khẩn ở yên tại chỗ, chờ thông báo - Ảnh 1.

TT Trump cho biết, ông và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục đàm phán trong tương lai. Ảnh: AP

WSJ cho biết, vào ngày 7/5, các quan chức Trung Quốc đã họp bàn, phân tích cuộc họp báo do hai nhà đàm phán cấp cao của chính phủ Mỹ - Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Robert Lighthizer tổ chức, từ đó rút ra kết luận: Họ phải sang Mỹ, để ít nhất tránh xuất hiện các "vết nứt" khó chữa.

Ý kiến này sau đó được chuyển cho Trường đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc Lưu Hạc và cuối cùng là Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo đó, ông Tập quyết định cử một phái đoàn đến Washington, mặc dù chính phủ Trung Quốc hoàn toàn hiểu rằng chuyến đi gần như không thể đạt được bước tiến bộ nào vì sự cố bất ngờ này.

Một trong những quan chức tiết lộ, mục đích của chuyến đi chỉ đơn giản là giúp các cuộc đàm phán sẽ được tiếp tục.

Khi vòng đàn phán thứ 11 kết thúc, thông tin được hai bên truyền tải cơ bản là giống nhau - cuộc đàm phán diễn ra một cách thẳng thắn và mang tính xây dựng, đồng thời hai bên sẽ tiếp tục đàm phán ở Bắc Kinh. Điều này nhằm tránh xuất hiện đổ vỡ đàm phán nghiêm trọng, nếu không triển vọng của các thỏa thuận trong tương lai sẽ bị hủy bỏ.

WSJ dẫn nguồn tin thân cận dự đoán, khi về tới Bắc Kinh, ông Lưu Hạc sẽ thông báo tóm tắt với ông Tập về các cuộc đàm phán ở Washington, sau đó Trung Quốc mới quyết định bước hành động tiếp theo. 

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow nói trong cuộc phỏng vấn với Fox hôm Chủ nhật rằng, Trung Quốc đã mời hai ông Mnuchin và Lighthizer tới Bắc Kinh để tiếp tục đàm phán nhưng cả hai bên chưa có kế hoạch cụ thể và rõ ràng.

Mới nhất, ngày 13/5, để đáp trả lại hành động Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đã tăng thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ với các mức 20% và 25%.

Cùng này trong cuộc họp báo tại phòng Bầu dục, Tổng thống Mỹ cho biết, ông sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc vào tháng tới tại Nhật Bản, bên lề thượng đỉnh G20.

Theo WSJ, khả năng hàn gắn rạn nứt thương mại Trung-Mỹ cuối cùng chỉ có thể phụ thuộc vào mối quan hệ cá nhân cũng như quyết tâm thúc đẩy đàm phán thương mại song phương giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tờ này cho hay, tiến trình đàm phán thương mại song phương từ trước tới nay đã tương đối căng thẳng. Hồi tháng 2, quan chức Mỹ phàn nàn rằng, Bắc Kinh cũng đã rút lại các thỏa thuận được đàm phán trước đó. 

Một quan chức cấp cao tham gia đàm phán thương mại của Mỹ ba tháng trước từng cáo buộc Trung Quốc đang "vờn" Mỹ. Ông Kudlow nói với các phóng viên vào thời điểm đó, Đại diện thương mại Lighthizer "đã đưa ra một cảnh báo nghiêm trọng đối với Trung Quốc".

Sau cuộc đàm phán vào ngày 10/5, Tổng thống Trump đã viết trên twitter: "Mối quan hệ giữa tôi và Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn rất bền chặt và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại trong tương lai." Ông nói rằng việc hủy bỏ thuế quan sẽ tùy thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán trong tương lai. 

Một quan chức Trung Quốc cho rằng một cuộc đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo dường như là cách duy nhất để phá vỡ thế bế tắc của cuộc chiến thương mại hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại