Chuyên gia: Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khó kết thúc, không ảnh hưởng quá lớn đến Việt Nam

Tường Nguyễn |

Việc áp mức thuế nhập khẩu mới của Mỹ với hàng Trung Quốc cùng tuyên bố đáp trả của Bắc Kinh là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại sẽ còn kéo dài.

Ngày 10/5, quyết định tăng mức thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% của Mỹ đối với Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Phía Washington coi đây là phản ứng lại trước việc Trung Quốc muốn thay đổi các cam kết trước đó trong dự thảo thỏa thuận thương mại giữa hai nước. Bắc Kinh khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả thích ứng.

Ngày 11/5, vòng đàm phán mới nhất tại Washington đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, hai bên hẹn gặp lại ở Bắc Kinh.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tích cực đàm phán từ đầu năm 2019 nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 10 tháng. Tuy nhiên, với các động thái mới đây, liệu có phải cuộc chiến sẽ còn tiếp tục kéo dài? Và trong bối cảnh như vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào?

VTC News có cuộc phỏng vấn với TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo Xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những vấn đề trên.

Chuyên gia: Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khó kết thúc, không ảnh hưởng quá lớn đến Việt Nam - Ảnh 1.

TS. Trần Toàn Thắng. (Ảnh: Mai Lân)

- Trong bối cảnh Mỹ áp mức thuế nhập khẩu mới 25% lên hàng Trung Quốc, cuộc đàm phán mới nhất tại Washington không đạt thoả thuận, liệu tương lai của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ ra sao, thưa ông?

Tôi tin rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khó mà kết thúc nhanh được. Mục tiêu của cả hai bên đều không nằm ở thương mại và việc áp thuế lẫn nhau chỉ là một công cụ. Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù có những thông tin cho rằng có triển vọng kết thúc cuộc chiến, nhưng theo tôi, điều này là khó có thể xảy ra trong tương lai gần, bởi hai lý do sau:

Thứ nhất, kể từ khi cuộc chiến thương mại xảy ra đến nay, những tác động của nó mặc dù được dự báo là tiêu cực, nhưng trong thực tế lại không đến mức như vậy. Các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế Mỹ trong năm 2018 và đầu năm 2019 vẫn ở mức tương đối tốt. Mỹ cũng đã có những điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân. Điều này mang đến những hiệu ứng tích cực.

Trong khi đó, động lực tăng trưởng của Trung Quốc tuy giảm, nhưng đó là điều đã được dự báo từ trước khi cuộc chiến thương mại với Mỹ nổ ra. Trung Quốc đã bị giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm tốc độ tăng trưởng. Còn lại, các chỉ số xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc trong năm 2018 vẫn ở mức chấp nhận được. Bản thân nền kinh tế Trung Quốc cũng không phải quá mở, chỉ khoảng 40% GDP.

Từ đó cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không ảnh hưởng nhiều đến các chỉ số kinh tế của cả hai nước. Nói cách khác, cuộc chiến này chưa tạo ra đủ áp lực khiến hai nước phải thay đổi.

Thứ hai, tất cả những điều khoản mà Mỹ muốn Trung Quốc ký vào thỏa thuận thương mại đều là những vấn đề cốt lõi của Trung Quốc, trong đó có những vấn đề liên quan đến công nghệ, minh bạch hóa trợ cấp đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Mỹ muốn “luật hóa” những thay đổi của Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc lại muốn sử dụng các biện pháp hành chính để thực hiện các cam kết hơn. Từ trước đến nay, khác với các nền kinh tế thị trường phát triển như Mỹ, chính phủ Trung Quốc thường can thiệp vào nền kinh tế thông qua các biện pháp hành chính nhiều hơn. Đấy là một khác biệt lớn về cách thực hiện, mà có thể dẫn đến sự thay đổi tương đối nhanh về kết quả cuộc đàm phán này.

Thứ ba, với dự án “Vành đai và Con đường” cùng chính sách tăng cường đầu tư vào các nước châu Phi, Trung Quốc đang có tham vọng tìm kiếm các thị trường tiềm năng ở các khu vực khác trên thế giới để thay thế thị trường Mỹ. Trong thương mại hiện nay, mức thuế nhập khẩu 25% mà Mỹ mới áp lên hàng Trung Quốc là tương đối lớn. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ còn phải phụ thuộc vào tùy mặt hàng. Trong khi đó, các mặt hàng mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đa số đều có thể dễ dàng tìm kiếm thị trường nhập khẩu khác.

Thứ tư, để kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á cũng như trên toàn cầu, Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng chiến tranh thương mại làm công cụ. Việc có chấm dứt cuộc chiến hay không còn phụ thuộc vào sức chịu đựng của cả hai bên.

Đến thời điểm này, Mỹ vẫn đang có lợi thế hơn nhất định. Do đó, sức ép có thể vẫn sẽ được gia tăng. Trong trường hợp việc áp thuế đối với lượng hàng 200 tỷ USD của Trung Quốc là chưa đủ, Mỹ vẫn còn khả năng nới rộng việc áp thuế lên nhiều nữa, bởi tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ là hơn 500 tỷ USD.

- Sau khi Mỹ áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố sẽ có động thái đáp trả. Vậy theo ông, các biện pháp mà Trung Quốc có khả năng đáp trả là gì?

Trên thực tế, công cụ đáp trả của Trung Quốc là không nhiều. Nếu có thì đó sẽ là các biện pháp thắt chặt chính sách với các công ty Mỹ tại Trung Quốc và tác động vào nguồn trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ đang nắm trong tay.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không ảnh hưởng nhiều đến các chỉ số kinh tế của cả hai nước. Nói cách khác, cuộc chiến này chưa tạo ra đủ áp lực khiến hai nước phải thay đổi.

TS. Trần Toàn Thắng

Tuy nhiên, đối với trái phiếu chính phủ Mỹ, dù Trung Quốc có xử lý kiểu gì thì đó cũng sẽ là hành động “tự cắt vào tay mình”, bởi nếu làm giảm giá trái phiếu chính phủ Mỹ thì người đang nắm số lượng nhiều hơn là Trung Quốc sẽ là bên thua thiệt.

Trong khi đó, khả năng tăng mức thuế nhập khẩu đối với hàng Mỹ là không thể. Bởi vì con số 110 tỷ USD hàng Mỹ (trên tổng 130 tỷ USD) mà Trung Quốc áp thuế nhập khẩu cũng gần như đã là tối đa, tức là chỉ còn lại vài chục tỷ hàng hóa quá thiết yếu.

Trung Quốc hiện tại chỉ còn cách kiểm soát đối với các doanh nghiệp FDI của Mỹ tại nước này bằng các biện pháp hành chính, hoặc trả đũa vòng đối với các đồng minh của Mỹ, hoặc gây sức ép bằng các vấn đề khác ngoài kinh tế. Nói chung, Trung Quốc là bên bị động hơn trong cuộc chiến này.

- Theo dự báo của một số chuyên gia nước ngoài, căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể mang lại lợi thế đáng kể cho Việt Nam, nhất là trong vấn đề thu hút nguồn đầu tư nước ngoài...

Có nhiều lý do khiến kỳ vọng đó khó trở thành hiện thực. Năng lực hấp thụ FDI của Việt Nam chưa cao. Liên quan đến cơ sở hạ tầng, tất cả các vị trí được đầu tư tốt hiện nay đang bắt đầu có dấu hiệu quá tải. Giá đất công nghiệp tăng nhanh.

Chi phí đầu tư vào Việt Nam không còn rẻ như 1-2 năm trước. Đối với lao động công nghiệp, nguồn cung hiện nay cũng đang có vấn đề. Nguồn lao động trên 35 tuổi khó có thể đảm bảo làm việc tại các khu công nghiệp, trong khi việc chuyển đổi lao động nông nghiệp sang công nghiệp còn chậm.

Bên cạnh đó, năng lực của các nhà cung cấp Việt Nam còn hạn chế. Các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản khi vào Việt Nam đều kéo theo các nhà cung cấp của họ.

Thị trường nội địa Việt Nam vẫn đang tăng, tuy nhiên việc vào Việt Nam để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu vẫn là câu hỏi khiến các doanh nghiệp nước ngoài phải cân nhắc.

- Vậy điểm cộng về đầu tư của Việt Nam với các nước trong khu vực lúc này là gì?

Hiện nay, các nước Đông Nam Á khác, mà điển hình là Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, đều có các điều kiện tương tự như Việt Nam. Điểm cộng duy nhất của Việt Nam so với các nước trên trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài là giữ được tỷ giá tương đối ổn.

Hơn nữa, sau khi Mỹ thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, các quốc gia khác trên thế giới hiện cũng đang có làn sóng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tạo ra sự cạnh tranh để thu hút FDI.

Trong thời gian qua, đặc biệt là trong quý I năm nay, chỉ riêng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là có dấu hiệu tăng mạnh. Còn đầu tư của các nước khác vào Việt Nam có tăng nhưng không đáng kể.

Các chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay đang nằm chủ yếu ở Trung Quốc. Nếu mức thuế nhập khẩu mới 25% của Mỹ có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc, thì hậu quả khi đó có thể dẫn đến sự dịch chuyển của các chuỗi giá trị này ra ngoài Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc đó là rất khó xảy ra và nếu có sẽ diễn ra rất chậm. Khi một công ty muốn chuyển, nhưng khách hàng hay nhà cung cấp của công ty đó không chuyển, thì rõ ràng chi phí để chuyển công ty sang một nước khác sẽ rất tốn kém.

Một số doanh nghiệp cho rằng việc chịu đựng mức thuế 10% vẫn là phương án chấp nhận được hơn là dịch chuyển đầu tư sang một nước khác ngoài Trung Quốc, bởi chi phí dịch chuyển cộng với những chi phí đầu tư khác có thể sẽ còn lớn hơn lợi ích có thể mang lại từ những mức thuế thấp hơn. Tuy nhiên, với mức thuế 25% kể từ ngày 10/5, các doanh nghiệp sản xuất một số mặt hàng nhất định có lẽ sẽ phải nghĩ khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại