"Chán" Trung Đông, Mỹ quyết tìm tới miền đất hứa mới dù bị lép vế toàn diện trước Nga-Trung?

Tất Đạt |

Theo chuyên gia, Trung Đông hiện đã dần mất đi vị thế địa chính trị quan trọng và không còn là ưu tiên hàng đầu đối với nền kinh tế Mỹ.

L. Todd Wood là cựu phi công trực thăng và doanh nhân tại Wall Street. Ông đã có nhiều bài viết trên Fox Business, The Moscow Times, National Review, The New York Post và nhiều báo khác. Dưới đây là bài đánh giá của ông về chiến lược của Mỹ sau thời "hậu Trung Đông":

Nhờ chính sách "Nước Mỹ trên hết" của tổng thống Donald Trump, Mỹ hiện tại là nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Và hiện thực mới này không chỉ ảnh hưởng tới giá xăng dầu mà còn có những hệ quả khác.

Đầu tiên, Trung Đông hiện đã dần mất đi vị thế địa chính trị quan trọng và không còn là ưu tiên hàng đầu đối với nền kinh tế Mỹ.

Mỹ có nguồn dự trữ nhiên liệu hóa thạch đủ dùng trong 300 năm và không còn cần phải tham gia những cuộc chiến vô tận ở vùng Lưỡi liềm Màu mỡ (vùng đất có hình dạng giống như lưỡi liềm, thuộc các khu vực Lưỡng Hà, Levant, và Ai Cập - ND) để đảm bảo những lợi ích kinh tế quốc gia nữa.

Tất nhiên, vấn nạn khủng bố ở Trung Đông vẫn là vấn đề an ninh nghiêm trọng và cần phải được xử lý. Nhưng ông Trump sẽ tốn rất nhiều thời gian nữa mới có thể hạn chế triệt để mối đe dọa từ khu vực này.

Chán Trung Đông, Mỹ quyết tìm tới miền đất hứa mới dù bị lép vế toàn diện trước Nga-Trung? - Ảnh 1.

Hoạt động khai thác kim loại quý ở Nam Phi. Ảnh minh họa: Bloomberg

Trong khi đó, một vùng đất khác lại nổi lên như một điểm nóng mới của thế giới: châu Phi. Châu Phi có dầu mỏ, nhưng "mặt hàng quý giá nhất" ở khu vực này là các kim loại quý và một số loại hàng hóa khác.

Nga và Trung Quốc

Tất cả các đối thủ lớn của Mỹ đều biết rằng châu Phi có tầm ảnh hưởng quan trọng tới những lợi ích an ninh của Mỹ.

Nga hiện đã điều quân đội tới những địa điểm ở Sudan và Cộng hòa Trung Phi, tìm cách đạt được các thỏa thuận thương mại lớn với những ông chủ doanh nghiệp châu Phi. Nga mong muốn được tiếp cận lượng tài nguyên thô ở châu Phi và thậm chí đặt căn cứ quân sự tại đây.

Trong khi đó, Trung Quốc đã tỏ ra rất tích cực ở châu Phi, với dự án hậu cần khổng lồ tại Djibouti. Hiện tại, vẫn chưa ai dám chắc liệu sáng kiến Vành đai Con đường của Bắc Kinh có thực sự giúp đỡ được các nước nghèo phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và mạng lưới giao thông hay chỉ khiến những nước này chìm vào khoản nợ khổng lồ khó trả.

Chiến lược của Trung Quốc là thay thế thị trường Mỹ bằng hoạt động làm ăn bằng Con đường Tơ lụa thời hiện đại xuyên suốt thị trường Trung Á và tới khu vực Châu Âu.

Các quan chức Trung Quốc hiện đang nỗ lực hoàn thành kênh giao dịch mới này giữa bối cảnh thuế quan và những cuộc đối thoại thương mại với đội ngũ của ông Trump đang đe dọa mô hình phát triển của Trung Quốc.

Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã tham gia chiến đấu chống lại khủng bố ở châu Phi trong nhiều thập kỉ.

Vụ sát hại binh sĩ Mỹ ở Niger hồi năm ngoái đã làm dấy lên nhiều quan ngại và cho thấy lính Mỹ đã có mặt tại rất nhiều quốc gia ở châu Phi.

Châu Phi hiện tại là một vùng đất rộng lớn hơn Trung Đông, có nhiều địa điểm để khủng bố lẩn trốn, luyện tập và tấn công phương Tây. Do đó, lính Mỹ sẽ còn hiện diện tại khu vực này trong một khoảng thời gian dài.

Các nguồn tin từ Cộng đồng Đặc nhiệm Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đang chuẩn bị tăng cường trang thiết bị quân sự cho hoạt động tại Châu Phi để đối đầu với ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Đây là tiền đề cho cuộc đối đầu căng thẳng nhất giữa các cường quốc quân sự lớn nhất thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại