Tiêm kích Su-30SM, MiG-29K tối tân Nga rơi ở Syria: Những cú tát khiến Moscow choáng nặng

Bình Nguyên |

Lần đầu tham chiến ở Syria, mặc dù gặt hái được không ít thành công nhưng Nga đã phải nhận những cú tát choáng váng, đặc biệt là khi để mất tiêm kích hiện đại Su-30SM và MiG-29K.

Những cú tát khiến Moscow choáng nặng

Quân đội Nga kế thừa di sản khổng lồ của siêu cường Liên Xô hùng mạnh và có những bước tiến nhanh chóng, tuy nhiên họ vẫn có những cú vấp ngã đến choáng váng.

Thứ nhất, những cuộc chiến đẫm máu ở Chechnya lần 1 và 2, những điểm yếu của Quân đội Nga đã lộ rõ khi lực lượng được coi là hùng mạnh bậc nhất thế giới liên tiếp phải hứng chịu những thiệt hại đau đớn, nhất là đối với lục quân, trong đó có binh chủng tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới.

Tổng thống Putin cấp tốc đẩy mạnh cải cách quân đội và Gấu Nga đã đứng lên, có cú lột xác lần thứ nhất.

Thứ hai, hơn 10 năm liền sau cuộc chiến Chechnya, Quân đội Nga hầu như không tham gia bất kỳ một cuộc chiến lớn thực sự nào, những kinh nghiệm thu được ở Grozny đã dần dần bị mai một.

Tiêm kích Su-30SM, MiG-29K tối tân Nga rơi ở Syria: Những cú tát khiến Moscow choáng nặng - Ảnh 1.

Lực lượng tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới Nga thiệt hại nặng trong cuộc chiến Chechnya lần 1.

Cuộc chiến chớp nhoáng 5 ngày với "chú bé tí hon Gruzia" vào năm 2008 lại một lần nữa khiến Nga muối mặt khi chỉ trong ít ngày Không quân của họ để mất tới 5 chiến đấu cơ hiện đại, trong đó có cả máy bay ném bom siêu thanh tầm xa Tu-22M.

Thêm một cú tát trời giáng khiến giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga phải triệt để thay đổi, kể từ đó Không quân Nga đã có cú lột xác lần thứ 2.

Thứ ba, năm 2015, Tổng thống Putin quyết định can thiệp quân sự vào Syria hỗ trợ Chính quyền của Tổng thống Assad đang bên bờ vực sụp đổ. Hầu hết các quân binh chủng đều đã tham chiến cùng với nhiều trang bị hiện đại, trong đó có nhiều vũ khí mới lần đầu được thực chiến.

Dưới sự trợ giúp của Nga, Quân đội Syria đã lật ngược thế cờ khi liên tiếp giải phóng được nhiều vùng đã để mất vào tay phiến quân và khủng bố IS trước đó.

Tuy vậy, Nga cũng phải trả giá đắt khi liên tiếp có các chiến đấu cơ bị bắn hạ hoặc bị rơi khi đang tác chiến ở Syria.

Những thiệt hại đáng chú ý nhất phải kể tới các vụ tai nạn của Su-30SM thuộc Không quân hay như với MiG-29K và Su-33 của Không quân Hải quân Nga.

Tiêm kích Su-30SM, MiG-29K tối tân Nga rơi ở Syria: Những cú tát khiến Moscow choáng nặng - Ảnh 3.

Tiêm kích Su-30SM của Nga rơi ở ngoài khơi Syria khiến cả 2 phi công thiệt mạng.

Ở Syria, Hải quân Nga trong đó có tàu sân bay Kuznetsov, hàng không mẫu hạm duy nhất mới lần đầu tham gia một cuộc chiến thực sự trong lịch sử hiện đại.

Thêm một lần nữa Hải quân Nga nhận những cú tát trời giáng khi liên tiếp để mất 2 tiêm kích hạm hiện đại là Su-33 và MiG-29K. Tình hình cực kỳ nghiêm trọng bởi 2 máy bay này rơi không phải do chiến đấu mà do lỗi kỹ thuật của tàu sân bay Kuznetsov, sau đó hàng không mẫu hạm này đã được kéo về Nga để nâng cấp.

Như vậy là 3 trong số 4 trụ cột của Quân đội Nga gồm Lục quân, Không quân - Vũ trụ và Hải quân đều đã phải nhận những cú tát trời giáng khiến Moscow choáng váng. Cũng chỉ còn mỗi lực lượng hạt nhân chưa tham chiến vì không có đất diễn.

Mỗi lần vấp ngã là một lần "Gấu Nga" lại đứng lên mạnh mẽ

Những thất bại muối mặt đã không khiến Quân đội Nga suy sụp mà đang khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn bào giờ hết.

Nếu như cuộc chiến Chechnya giúp lục quân được cải tổ thì sau vấp ngã ở Gruzia, đến lượt Không quân vũ trụ có những bước tiến rất dài, còn ở Syria, đến lượt hải quân Nga có những bài học xương máu.

Tiêm kích Su-30SM, MiG-29K tối tân Nga rơi ở Syria: Những cú tát khiến Moscow choáng nặng - Ảnh 4.

Xe tăng T-90 bị bắn trúng và bốc cháy ở Syria.

Qua cuộc chiến ở Syria, Quân đội Nga trong đó có hải quân đã bộc lộ tất cả những điểm yếu và mặc dù phải hứng chịu một số cú sốc với hậu quả nặng nề nhưng họ đã tích lũy được những kinh nghiệm chiến đấu "quý hơn vàng".

Tất cả các quân binh chủng tham chiến ở Syria, từ quân cảnh, đặc nhiệm, phòng không - không quân cho tới hải quân đều thể hiện được những mặt tích cực.

Trong đó, Không quân và Không quân Hải quân Nga đã đào tạo được một "lứa" phi công và chỉ huy bay giàu kinh nghiệm đã qua thực chiến.

Còn các kíp chiến đấu tên lửa phòng không cũng nhặt nhạnh được những tuyệt chiêu để đối phó với các mục tiêu bay thấp và có diện tích phản xạ radar nhỏ như tên lửa hành trình hay máy bay không người lái tự chế.

Những bài học xương máu và đắt giá mà Nga phải trả là xứng đáng. Chiến tranh là thế! Nhưng "Gấu Nga" một lần nữa lại đứng lên và tiến bước.

Những cấm vận, trừng phạt không khiến họ chùn chân mỏi gối mà với những kinh nghiệm có thể nói là "quý hơn vàng" ở Syria, Quân đội Nga đã sẵn sàng cho các cuộc chiến lớn trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại