Lối đi mới trên bán đảo: Triều Tiên đa dạng hóa ngoại giao, 2 "ông lớn" ở LHQ là chỗ dựa?

Lan Lan |

Triều Tiên có thể tận dụng tối đa tình hữu nghị với các thành viên thường trực HĐBA LHQ để nhận hỗ trợ trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Chuyển giao thế hệ

Trong phiên họp Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên ngày thứ nhất 11/4, việc ông Kim Jong Un tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, đây là điều đã được dự đoán từ trước nhưng đáng chú ý hơn là các vị trí quan trọng khác trên chính nước nước này, KBS News (Hàn Quốc) nhận định.

Đầu tiên, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Choe Ryong Hae được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao, thay thế người tiền nhiệm Kim Yong Nam.

Tại Triều Tiên, xét về mặt kỹ thuật, chức danh Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao được coi là "nguyên thủ quốc gia" và sẽ đại diện cho Triều Tiên tại nhiều sự kiện quan trọng.

Theo KBS News, với việc kiêm nhiệm hai chức danh quan trọng là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên cùng một lúc thì vị thế của Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao - người đứng đầu nhà nước theo Hiến pháp, dường như đã giảm đi phần nào.

Về vấn đề này, Viện Nghiên cứu Chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc cho rằng, điều này giúp nhà lãnh đạo Kim Jong Un củng cố tầm kiểm soát, cũng như việc Triều Tiên sửa đổi Hiến pháp và trao "tính đại diện quốc gia" cho Ủy ban Quốc vụ.

Thứ hai, ông Kim Jae Ryong thay thế ông Park Pong Ju trở thành tân Thủ tướng Triều Tiên. Báo Hàn cho rằng, sự thay đổi này là một điều bất ngờ, bởi vai trò trước đây của ông Kim Jae Ryong khá mờ nhạt, thông tin về ông cũng ít được cập nhật.

Ngoài hai ông Kim Yong Nam và Pak Pong Ju, các vị trí quan trọng khác cũng được thay đổi. Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao, ông Choe Thae Bok, 88 tuổi, đã từ chức Chủ tịch sau 21 năm, thay thế ông là Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên Pak Thae Song.

Điều đáng chú ý là các thành viên cốt lõi của đàm phán hạt nhân Triều Tiên đều có tên trong danh sách của Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên.

Ủy ban Quốc vụ đã được tổ chức lại gồm 14 thành viên, tăng lên 2 thành viên, bao gồm cả Chủ tịch Kim Jong Un. Đặc biệt, bà Choe Son Hui- người giữ vai trò là người phát ngôn trong quá trình đàm phán Mỹ - Triều, trở thành Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao (cao hơn cấp Thứ trưởng).

Đây là lần đầu tiên Thứ trưởng Bộ ngoại giao được chọn làm thành viên của Ủy ban Quốc vụ. Người tiền nhiệm của bà Choe - ông Kim Kye Gwan cũng là Thứ trưởng thứ nhất của Bộ ngoại giao nhưng không phải là ủy viên Ủy ban Quốc vụ.

Ở cuộc họp toàn thể của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên được tổ chức vào ngày 10/4, Thứ trưởng Choe đã trực tiếp được bầu vào Ủy ban trung ương mà không cần là Ủy viên dự khuyết trung ương trước đó.

Điều này được cho nhằm tiếp thêm sức mạnh cho Bộ Ngoại giao trong bối cảnh đàm phán hạt nhân với Mỹ đang trì trệ và báo hiệu vai trò của Ủy ban Quốc vụ sẽ được nâng cao trong nền ngoại giao Triều Tiên trong tương lai.

Lối đi mới trên bán đảo: Triều Tiên đa dạng hóa ngoại giao, 2 ông lớn ở LHQ là chỗ dựa? - Ảnh 1.

Đội ngũ lãnh đạo mới của Triều Tiên được bầu vào ngày 11/4 vừa qua. Ảnh: KCNA

Trung-Nga sẽ là "chỗ dựa" của Triều Tiên?

Trong ngày họp thứ 2 Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên được tổ chức ngày 12 vừa qua, ông Kim Jong Un không những phát biểu các thông điệp về đối nội mà còn làm rõ cả những thông điệp đối ngoại.

"Chính phủ nước CHDCND Triều Tiên sẽ tăng cường và phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các nước trên nguyên tắc tôn trọng nền độc lập và chủ quyền của nhau", "Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ bằng tất cả tình yêu hòa bình để tạo nên một chế độ hòa bình lâu dài và bền bỉ trên bán đảo Triều Tiên", Rodong Sinmun dẫn lời ông Kim Jong Un.

Kể từ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở Bàn Môn Điếm vào ngày 27/4/2018 tới Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở Singapore vào ngày 12/6 cùng năm, nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết theo đuổi 'phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên'.

Tuy nhiên, tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần hai tại Hà Nội vào tháng 2 năm nay, hai bên đã không đạt được kết quả chung về phương thức tiến hành phi hạt nhân hóa,

Phía Triều Tiên cho biết, họ đồng ý dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon, đổi lại Mỹ sẽ gỡ lệnh trừng phạt áp đặt lên lĩnh vực kinh tế dân sinh của nước này nhưng Washington không hài lòng.

Trong bài phát biểu ngày 12/4, ông Kim Jong Un cho biết, Triều Tiên sẵn sàng tổ chức thượng đỉnh lần ba với Mỹ với điều kiện "Washington thể hiện thái độ đúng đắn và tìm được phương pháp chia sẻ với Bình Nhưỡng".

Đối với Hàn Quốc, ông khẳng định việc bắt tay hợp tác với Hàn Quốc nhằm để hòa giải, xây dựng mối quan hệ hợp tác liên tục và công khai, đồng thời "tạo nên một lịch sử quốc gia mới hòa bình và thịnh vượng như toàn quốc mong muốn". Tuy nhiên, ông cảnh báo "Hàn Quốc phải chấm dứt chính sách phụ thuộc vào Mỹ.

Ông Kim Jong Un cũng cho biết lập trường sẽ tiếp tục đường lối tăng trưởng kinh tế bằng tự lực cánh sinh: "Chúng tôi sẽ không nhượng bộ hay thỏa hiệp bất cứ vấn đề gì liên quan đến lợi ích cơ bản" và "giải quyết tất cả các vấn đề trên nguyên tắc tự chủ, với phong cách và sức mạnh riêng".

Ông cũng nói thêm: "Chúng tôi sẽ không dung thứ cho bất kì tổ chức nào làm ảnh hưởng đến văn hóa, kinh tế, quốc phòng của Triều Tiên" và dự đoán, mâu thuẫn Mỹ-Triều là một cuộc chiến kéo dài.

Newsis (Hàn Quốc) cho biết, ông Kim Jong Un khẳng định, "cuộc đối đầu giữa Mỹ và chúng ta trong bối cảnh đặt các biện pháp trừng phạt lên trên lợi ích quốc gia dù sao cũng sẽ kéo dài" và lập trường về vấn đề đối nội, đối ngoại của ông sẽ không bị dao động bởi cục diện bế tắc của cuộc đàm phán vào thời điểm hiện tại.

Báo Hàn cho rằng, điều này có thể sẽ làm thay đổi toàn bộ cánh cửa đối thoại và Triều Tiên có thể sẽ tận dụng tối đa tình hữu nghị với các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của Trung Quốc và Nga.

"Trung Quốc đã cùng chia sẻ tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và không ngần ngại bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ phi hạt nhân hóa từng bước theo giai đoạn và đồng thời của Triều Tiên khi cần thiết.

Nga đã trải qua quá trình phi hạt nhân hóa ở Ukraina, Kazakhstan, Belarus khi liên bang Liên Xô bị giải thể. Trung Quốc và Nga có khả năng ảnh hưởng đến Hội đồng Bảo an và có thể hỗ trợ đầy đủ kinh tế, kĩ thuật, hình thành dư luận quốc tế về cục diện phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và Mỹ", Newsis viết.

Ngoài ra, trong bài phát biểu ông Kim nói: "Mỹ cần phải loại bỏ phương pháp tính toán hiện tại và tiếp cận chúng tôi bằng một phương pháp tính toán mới", đồng thời tuyên bố "sẽ kiên nhẫn và chờ quyết định táo bạo của Mỹ cho đến cuối năm nay".

Ông Kim Dong Yub - nghiên cứu viện tại Viện nghiên cứu Viễn Đông trường đại học Kyungnam nhận định, động thái của Triều Tiên phát đi tín hiệu "nếu Mỹ không thay đổi các biện pháp trừng phạt, Bình Nhưỡng sẽ không tái đàm phán với Mỹ". Ông này nhận định, Triều Tiên có thể đang tìm kiếm sự đa dạng hóa ngoại giao.

Mới đây, theo thông báo từ Điện Kremlin, ông Kim Jong Un sẽ thăm chính thức Nga và cuối tháng này. Đây là một động thái đáng chú ý của Bình Nhưỡng trong bối cảnh đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ Triều đang rơi vào bế tắc.

Cuộc gặp giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Putin được cho sẽ là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự thay đổi tích cực trên bán đảo Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại