Số phận nhà sáng lập WikiLeaks trước 'đầu sóng', bí ẩn Nga vẫn chờ lời giải

Minh Đức |

Liệu vụ bắt giữ Julian Assange có phải là chiếc chìa khoá để giải mã loạt bí ẩn đã xoay vần chính trường Mỹ trong gần ba năm qua?

Tháng 6/2016, năm tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Anh, Julian Assange đã đưa ra một dự đoán bất ngờ.

"WikiLeaks sẽ có một năm rất lớn ở phía trước", Assange nói, chỉ vài giây sau khi thông báo, trang web mà ông sáng lập sẽ sớm công bố một loạt email liên quan tới ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton.

Số phận nhà sáng lập WikiLeaks trước đầu sóng, bí ẩn Nga vẫn chờ lời giải - Ảnh 1.

Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange (ảnh: getty)

Assange đã đúng. Nhưng lời cáo buộc được Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra hôm thứ Năm, trong đó buộc tội ông tấn công một máy tính Lầu Năm góc vào năm 2010 – lại không hề nhắc tới vai trò của WikiLeaks trong việc góp phần giảm thiểu cơ hội của bà Clinton và đem lại chiến thắng của Tổng thống Donald Trump.

Tờ New York Times (NYT) nhận định, hiện vẫn chưa rõ vụ bắt giữ Assange có phải là chìa khóa để hé mở bất kỳ bí ẩn nào xung quanh chiến dịch tranh cử của ông Trump, âm mưu tấn công cuộc bầu cử và cái gọi là sự can thiệp của người Nga vào cuộc chạy đua vào Nhà Trắng - hay không.

Bộ Tư pháp Mỹ đã dành nhiều năm để xem xét có phải Assange đang trực tiếp làm việc với chính phủ Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia luật pháp chỉ ra, những hoạt động của Assange trong năm 2016 – bao gồm cả việc công bố các email bị đánh cắp – không phải là phạm tội; vì vậy rất khó để kết tội nhà sáng lập WikiLeakes có liên hệ với phía Nga.

Một số câu hỏi vẫn chưa được làm rõ, bao gồm cả khả năng Assange biết về danh tính thực sự của Guccifer 2.0 – một hacker bí ẩn từng bị giới tình báo và hành pháp Mỹ nhận dạng là một "ám chỉ" tới các chiến dịch tình báo quân sự của Nga.

Theo NYT, các tài liệu từ tòa án hé lộ, tình báo Nga – sử dụng danh tính Guccifer – đã cung cấp cho Assange hàng nghìn email bị đánh cắp từ Ủy ban Quốc gia Dân chủ và tài khoản cá nhân của Chủ tịch chiến dịch tranh cử cho bà Clinton, John D. Podesta.

Một câu hỏi khác là liệu cựu lập trình viên quốc tịch Australia có phải là một kết nối giữa các hacker Nga với chiến dịch của ông Trump hay không. Theo một cáo trạng hồi tháng Một của Công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller III, Assange không chỉ từng trao đổi email với Donald Trump Jr., con trai cả của Tổng thống Trump, trong chiến dịch tranh cử; mà còn với cả Roger J. Stone Jr., một cố vấn lâu năm của ông Trump – nhằm lấy những thông tin xung quanh các email bị đánh cắp của Đảng Dân chủ.

Kết luận điều tra của ông Mueller không trực tiếp liên kết WikiLeaks, người Nga và chiến dịch của Tổng thống Trump. Cụ thể hơn, họ không tìm được đủ bằng chứng để kết luận ông Assange có liên quan tới âm mưu của Nga nhằm giúp đỡ ứng cử viên Tổng thống bấy giờ là Donald Trump.

Tuy nhiên, một báo cáo do đội ngũ của ông Mueller soạn thảo và dự kiến công bố vào tuần sau, có thể sẽ cung cấp thêm một số chi tiết về mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Assange. Carrie Cordero, một cựu quan chức của Bộ Tư pháp nhận định, những tình tiết này có thể được Bộ Tư pháp xem xét nếu họ tin rằng, chúng liên quan tới tình báo tối mật.

Nhiều nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa vẫn tin rằng, ông Assange từng làm việc với tình báo Nga. Hôm thứ Năm (11/4), Thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hòa Richard M. Burr, người đứng đầu Ủy ban tình báo Thượng viện nói, Assange và WikiLeaks "đã hành động hiệu quả như một cánh tay của tình báo Nga trong nhiều năm". Còn Phó Chủ tịch Ủy ban này, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Mark Warner nhấn mạnh, Assange đã trở thành "người tham gia trực tiếp vào những nỗ lực của Nga nhằm phá hoại phương Tây".

Từ lâu, nhà sáng lập WikiLeaks đã được coi là một nhân vật "lưỡng cực": ban đầu, ông được ngợi ca là nhà vô địch về minh bạch chính phủ; nhưng cùng lúc, Assange cũng bị các quan chức an ninh quốc gia Mỹ coi là một thế lực phá hoại, lập mưu cùng cựu chuyên gia phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning, để xuất bản hàng trăm nghìn tài liệu tối mật.

Tuy nhiên, chính việc WikiLeaks công bố tài liệu bị tình báo Nga đánh cắp năm 2016, đã khiến giới chức an ninh Mỹ không còn chịu ngồi yên.

Tháng 4/2017, trong một bài phát biểu quan trọng, ông Mike Pompeo – lúc đó còn là giám đốc CIA đã khuyến nghị chính phủ nên "cứng rắn" hơn trong vấn đề WikiLeaks. Cùng lúc, CIA cũng tăng cường các nỗ lực tình báo chống lại WikiLeaks, tìm kiếm thông tin về những tương tác giữa tổ chức này và các chiến dịch tình báo Nga.

Chỉ vài tháng trước đó, khi còn là một Nghị sỹ Cộng hòa, chính ông Pompeo từng khen ngợi WikiLeaks vì những công bố gây tổn thất nặng nề cho chiến dịch của bà Clinton.

Thời điểm các hành động của Assange cũng làm dấy lên nghi ngờ. Cuộc phỏng vấn tháng 6/2016 nói về việc công khai các email của Đảng Dân chủ, diễn ra chỉ ba ngày sau một cuộc gặp gỡ tại Tháp Trump (New York), giữa người Nga và một số quan chức chủ chốt trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump.

Assange cũng treo thưởng 20.000 USD cho thông tin về Seth Rich – một nhân viên Ủy ban Quốc gia Dân chủ bị bắn chết trong một vụ việc được nhận định là cướp của giết người. Tuy nhiên, theo một số người ủng hộ ông Trump, chính Seth Rich là người đã làm lộ các email, do đó cái chết của ông này là do bị trả thù.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại