Vụ WikiLeaks: Sự "phản bội khủng khiếp" của Ecuador hay hành vi "ăn cháo đá bát" của ông Assange?

Tất Đạt |

Sau khi chi tới tận 5,8 triệu USD để bảo vệ "công dân" Julian Assange, chính Ecuador đã cho mở cửa ĐSQ để cảnh sát London bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks vào hôm 11/4 vừa qua.

Những câu chuyện đằng sau vụ bắt giữ

Vài giờ trước khi ông Julian Assange bị các sĩ quan an ninh London kéo ra khỏi Đại sứ quán Ecuador, một danh sách liên quan tới vấn đề vệ sinh cá nhân của nhà sáng lập WikiLeaks đã được đưa ra.

Ngoại trưởng Ecuador José Valencia và Bộ trưởng Nội vụ Ecuador Maria Paula Romo đã cáo buộc ông Assange những hành vi như phóng xe máy vòng quanh hành lang của đại sứ quán, mắng nhiếc nhân viên ngoại giao và bôi phân lên tường.

Mặc dù Ecuador rõ ràng đã quá mệt mỏi với vị khách này, nhưng điều thúc giục các quan chức Ecuador tước bỏ quyền tị nạn chính trị và cho phép cảnh sát London bắt giữ người đàn ông này phức tạp hơn nhiều.

WikiLeaks dường như đã "trêu tức" chính quyền Ecuador theo nhiều hình thức khác nhau. Trong nhiều tháng, ông Assange đã tìm cách kiện chính phủ Ecuador, cáo buộc Ecuador vi phạm quyền công dân của ông Assange khi áp đặt thêm những quy định khắc nghiệt khi nhà sáng lập WikiLeaks sinh sống tại Đại sứ quán. Một thẩm phán của Ecuador đã phủ nhận các cáo buộc của ông Assange vào hồi tháng 10 năm ngoái.

Vụ WikiLeaks: Sự phản bội khủng khiếp của Ecuador hay hành vi ăn cháo đá bát của ông Assange? - Ảnh 1.

Ông Assange khi bị bắt giữ bởi cảnh sát Anh. Ảnh: Getty Images

Ecuador cũng "bực mình" khi ông Assange thể hiện sự ủng hộ với phong trào độc lập ở xứ Catalan: Bộ Ngoại giao Ecuador đã yêu cầu ông Assange dừng các tuyên bố có thể làm tổn hại mối quan hệ của Ecuador với các quốc gia khác, bao gồm Tây Ban Nha.

Gần đây, WikiLeaks đã hướng tới cá nhân hơn là tập thể. Ngày 25/3, WikiLeaks đã đăng một dòng tweet hướng sự chú ý tới bê bối tham nhũng liên quan tới tổng thống Ecuador Lenín Moreno. 

WikiLeaks còn dẫn các đường link tới một trang web nặc danh có tên INA Papers, chứa đầy những đoạn email, tin nhắn văn bản và các tài liệu khác về đời tư của ông Moreno.

Chính phủ Ecuador đã cáo buộc chính WikiLeaks đã tiết lộ những những tài liệu mật này dưới danh nghĩa trang web INA Papers. Nhưng WikiLeaks đã phủ nhận cáo buộc.

Vụ bê bối đã khiến chính phủ Ecuador có ác cảm với ông Assange. Tổng thống Moreno cho rằng ông không làm gì sai. Bộ Tư pháp Ecuador đã tham gia điều tra những cáo buộc. 

Mặc dù WikiLeaks phủ nhận có liên quan tới INA Papers, nhưng điều đó không ngăn được ông Moreno hướng sự chú ý tới ông Assange và WikiLeaks.

Ông Moreno tuyên bố trên đài Radio Ecuador: "Ông Assange không có quyền được đột nhập vào các tài khoản và điện thoại cá nhân".

Quan điểm của Ecuador

Cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Ecuador đã thể hiện quan điểm rất cứng rắn trong một tuyên bố đầy tức giận, phủ nhận "những tin tức giả xuất hiện trong nhiều ngày qua trên mạng xã hội" và "hầu hết những thông tin này đều được phát tán bởi các tổ chức có liên quan đến ông Julian Assange".

Mối quan hệ giữa ông Assange và Ecuador dường như đã đi đến hồi kết khi WikiLeaks tổ chức một cuộc họp báo và khẳng định tổ chức này đã phát hiện ra những hoạt động tình báo chống lại nhà sáng lập Assange từ bên trong Đại sứ quán Ecuador.

Trả lời các phóng viên ở London, Kristinn Hrafnsson, tổng biên tập của WikiLeaks, nói Ecuador đã lén lút ghi hình và thu âm ông Assange trong những ngày ông Assange ở ĐSQ, thậm chí trong những cả buổi kiểm tra sức khỏe và cuộc gặp với những đại diện pháp lý.

Ông Assange là người Australia nhưng đã được cấp quyền công dân Ecuador vào năm 2017. Nhưng chỉ 24h sau buổi họp báo của WikiLeaks, quyền công dân của Assange đã bị thu hồi, tước quyền tị nạn, và nhân viên ĐSQ đã mời cảnh sát London tới giải ông này đi.

Những động thái chống lại WikiLeaks không chỉ diễn ra tại London. Ở Ecuador, Bộ Nội vụ tuyên bố đã bắt giữ "một cộng sự thân thiết" của ông Assange tại sân bay Quito khi người này đang chuẩn bị bay tới Nhật Bản.

Trả lời CNN, Bộ trưởng Nội vụ Maria Paula Romo cho biết nhân vật bị bắt là Ola Bini, một nhà phát triển phần mềm người Thụy Điển đã từng vài lần tới thăm ĐSQ Ecuador ở London.

Bà Romo khẳng định Bini, Assange và WikiLeaks đã tìm cách gây bất ổn cho chính phủ Moreno.

"Trong suốt vài năm nay, một trong những thành viên chủ chốt của WikiLeaks, đồng thời là nhân vật thân cận với Assange đã sống tại Ecuador", bà Romo nói trong buổi họp báo, người này "làm việc chặt chẽ và hay di chuyển với Ricardo Patino (cựu Thủ tướng Ecuador) tới Peru, Tây Ban Nha và Nga".

Trả lời CNN, cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa nhận xét quyết định xóa bỏ quyền tị nạn của ông Assange tại ĐSQ Ecuador là "sự phản bội khủng khiếp nhất lịch sử các nước Mỹ La tinh".

Tuy nhiên, cho dù sự thật có là gì đi chăng nữa, thì câu chuyện về 2.488 ngày sóng gió của ông Assange tại ĐSQ Ecuador cũng sẽ không thể nào kết thúc trong một sớm một chiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại