FP: Nếu không thay đổi, tính "tự cao tự đại" sẽ khiến tướng Haftar phải trả cái giá rất đắt

Tất Đạt |

Từ khi ông Gaddafi bị lật đổ, ông Haftar đã dần trở thành một nhân vật chính trị lớn ở Libya. Tuy nhiên, kế hoạch tấn công Tripoli không diễn ra suôn sẻ như ông Haftar mong đợi.

Mục tiêu chính của ông Haftar

Ngày 4/4, tướng Khalifa Haftar, người lãnh đạo Quân đội Quốc gia Libya (LNA), tuyên bố tấn công và chiếm thủ đô Tripoli bằng một chiến dịch quân sự. Kể từ đó, lực lượng của ông Haftar đã liên tục thực hiện những cuộc không kích và khiến ít nhất 2.000 người mất nhà cửa.

Theo Foreign Policy, để hiểu được diễn biến mới nhất trong cuộc nội chiến Libya, cần phải nắm rõ động cơ của ông Haftar. Cụ thể, dù là nhà lãnh đạo quân sự "quyền lực" nhất Libya hiện tại, ông Haftar vẫn chọn tấn công Tripoli thay vì chọn phương án vận động chính trị và giành quyền điều hành đất nước mà không tốn một viên đạn.

Trên thực tế, trước khi kích động cuộc mâu thuẫn, ông Haftar đã chuẩn bị được công nhận là một nhân vật chính trị lớn trong hội nghị quốc gia - vốn được lên kế hoạch vào ngày 14-16/4 với mục đích cho ra đời hệ thống bầu cử và pháp lý để kết thúc mâu thuẫn.

Do đó, quyết định tấn công quân sự của ông Haftar rõ ràng không dựa vào chiến lược và lí trí. Ông Haftar dường như đã quá "tự cao tự đại" và muốn thể hiện rằng ông không muốn có được vị trí tổng thống thông qua bầu cử và đàm phán, mà muốn giành được thông qua chiến trận.

FP: Nếu không thay đổi, tính tự cao tự đại sẽ khiến tướng Haftar phải trả cái giá rất đắt - Ảnh 1.

Xe của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) trên đường phố Tripoli ngày 9/4. Ảnh: MAHMUD TURKIA/AFP/GETTY IMAGES)

Các nhà ngoại giao và các phóng viên từng tiếp xúc với ông Haftar cũng đồng tình. Jonathan Winer, cựu đại phái viên đặc biệt của Mỹ tại Libya, nhớ lại: "Trong cuộc gặp với ông Hafter vào năm 2016, vị tướng nói với tôi rằng các chính trị gia ở Libya đều không có tài cán gì và đất nước này chưa sẵn sàng để tự điều hành. Ông ấy càng nói, tôi càng hiểu ra rằng chiến lược của tướng Haftar là tấn công vừa đủ để khiến những thế lực khác ở Libya sụp đổ."

Một phóng viên từng phỏng vấn ông Haftar chia sẻ: "Vào năm 2015, tại căn cứ chỉ huy ở Marj, tướng Haftar khoe với tôi rằng ông ấy sẽ chiến thắng cuộc nội chiến bằng cách tiêu diệt hết những người Hồi giáo ở Libya, chứ không phải bằng việc trở thành tổng thống".

Dường như ông Haftar đã biến lời nói thành hành động. Từ khi ông Muammar Gaddafi bị lật đổ, ông Haftar đã dần trở thành một nhân vật chính trị lớn ở Libya. Tuy nhiên, kế hoạch tấn công Tripoli không diễn ra suôn sẻ như ông Haftar mong đợi.

Vài ngày sau khi tuyên bố tấn công, 145 chiến binh LNA và 60 phương tiện bị bắt giữ bởi lực lượng chính phủ. Nhiều đơn vị LNA khác cũng bị mai phục và chặn đường. Ông Hafter cũng chịu chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, cả từ các đối thủ, phe trung lập và đồng minh.

Những diễn biến này đã nhắc nhở ông Haftar rằng, cho tới nay, thành công của ông phụ thuộc vào năng lực chiếm được các vùng lãnh thổ mà không kích động chỉ trích ở nước ngoài và kéo dài các cuộc chiến tại Libya.

Cái giá phải trả

Ông Haftar nên để tâm tới những hiểm nguy sau khi tấn công trực tiếp Tripoli. Những cuộc chiến trên đường phố Derna và Benghazi đã khiến lực lượng của ông Haftar sa lầy trong nhiều năm qua.

Động thái mới nhất của vị tướng đã làm yếu đi sự hỗ trợ trong nước và quốc tế đối với ông Haftar, khiến ông trở thành một nhân vật chiến tranh hơn là một nhà lãnh đạo chính trị. Kể từ khi những cuộc tấn công bắt đầu, thậm chí cả đồng minh nước ngoài chủ chốt là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), cũng đã kí vào tuyên bố quốc tế để phản đối ông Haftar. Các tổ chức bên trong Libya từng ủng hộ tướng Haftar đều chuyển sang phe đối lập.

Gần đây, ông Haftar đã tăng cường mối quan hệ an ninh với Pháp, Nga, Ai Cập và UAE. Một số chuyên gia Libya cho rằng Nga đã giúp cho các chiến dịch trên mạng xã hội của ông Haftar và cả quyết định ngoại giao.

FP: Nếu không thay đổi, tính tự cao tự đại sẽ khiến tướng Haftar phải trả cái giá rất đắt - Ảnh 3.

Ông Haftar gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: TASS

Trong 3 tháng trở lại đây, tầm ảnh hưởng phức tạp về mặt xã hội và quân sự của ông Haftar trên khắp vùng tây nam Libya đã giúp củng cố hình ảnh vị tướng và đảm bảo một tương lai "gần như chắc chắn" rằng ông Haftar sẽ nắm quyền điều hành toàn bộ Libya.

Sau khi tuyên bố chiến thắng ở Benghazi vào năm 2017, LNA đã thực hiện chiến lược càn quét để giành lấy các vùng lãnh thổ. Ba năm qua, ông Haftar đã nhanh chóng chiếm được quyền kiểm soát các cảng biển, sân bay và mỏ dầu.

Những động thái thần tốc nhằm vào khu khai thác dầu vào tháng 9/2016, hay mỏ Sharara ở miền tây nam vào tháng 2/2019, đã được tiến hành cực kì bí mật và ít có thương vong về người.

Mỗi khi chiếm được thêm lãnh thổ, ông Haftar lại được mời tới một thủ đô lớn của Phương Tây hoặc một hội nghị quốc tế. Sau khi quản lí hầu hết những khu vực khai thác dầu mỏ của Libya, ông Haftar nắm cơ hội cao để trở thành người hòa giải quyền lực và đóng vai trò lãnh đạo trong các thỏa thuận liên quan tới Libya.

Hay nói cách khác, trong năm qua, chiến lược của ông Haftar đã có hiệu quả. Có thể tướng Haftar cảm giác rằng tầm quan trọng mang tính biểu tượng của Tripoli sẽ giúp củng cố địa vị của ông cả về chính trị lẫn quân sự.

Nhưng ông dường như đã bỏ quên một cái giá rất đắt rằng ông sẽ mất đi sự ủng hộ quốc tế từ những đồng minh then chốt. Một tuyên bố chung ngày 4/4 được kí bởi Pháp, Italy, Anh, Mỹ và UAE đã kêu gọi giảm thang căng thẳng ngay lập tức và khẳng định rằng nỗ lực của cộng đồng quốc tế với hội nghị quốc gia là hình thức duy nhất để giải quyết khủng hoảng chính trị Libya.

Nếu cuộc tấn công Tripoli khiến các đồng minh quay lưng lại với nhau, thì ông Haftar sẽ sớm nhận ra rằng ông đang bị dồn vào thế bí.

Ngay tại Tripoli, mặc dù nhiều tổ chức có thể sẽ ủng hộ LNA, nhưng cộng đồng cư dân địa phương có thể sẽ thách thức quyền kiểm soát của ông Haftar bởi trước đó họ đã phản ứng gay gắt với bất kì sự hiện diện nào của quân đội từ bên ngoài Tripoli.

Hơn thế nữa, những đồng minh quốc tế đồng ý với chương trình chống phần từ Hồi giáo cực đoan của ông Haftar sẽ rút lui nếu ông Hafter rút khỏi tiến trình hòa bình hoặc nếu quân đội LNA gây ra quá nhiều thương vong trong quá trình chiếm giữ thủ đô Libya.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc đã quyết định trì hoãn hội nghị quốc gia - tất nhiên vì động thái vũ lực của ông Haftar. Những thành viên chủ chốt, dẫn đầu bởi LHQ, cần đảm bảo sự hiện diện tại hội nghị, và phải tiếp tục quy trình đàm phán hòa bình mặc cho sự dữ dội của cuộc chiến. Suy cho cùng, đảm bảo nền hòa bình cho Tripoli cần phải đặt lên hàng đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại