Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị Tổng thống Italy "chỉnh" công khai giữa thành Rome

An An |

Trước phát biểu của ông Tập Cận Bình, TT Italy nói rằng, "con đường tơ luạ mới phải là đường hai chiều" chứ không phải là khoản đầu tư áp đặt chỉ từ Trung Quốc.

Vào ngày 22/3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Italy và có cuộc hội đàm với Tổng thống Sergio Mattarella tại Rome.

Trong cuộc họp báo chung cùng ngày, trong khi ông Mattarella khẳng định mối quan hệ hợp tác song phương thì người đồng cấp Trung Quốc cũng tiết lộ, cuộc hội đàm giữa hai ông đã "đạt được nhiều kết quả tốt đẹp". 

Tuy nhiên, Sankei Shimbun (Nhật Bản) cho hay, đã xuất hiện chi tiết khá thú vị tại cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo.

"Con đường hai chiều"

Theo đó, chia sẻ với phóng viên, ông Tập Cận Bình đã nhắc tới Con đường tơ lụa cổ đại nối liền Trung Quốc và châu Âu.

"Chúng tôi muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bảo trì cảng biển, vận tải biển", ông Tập cho biết, Trung Quốc sẵn sàng giúp Italy phát triển các lĩnh vực này trong thời đại mới.

Đáp lại, Tổng thống Matarella ẩn ý nói rằng: "Con đường tơ luạ mới phải là đường hai chiều". Theo ông, đây không phải là khoản đầu tư áp đặt từ Trung Quốc vào Italy.

Đồng thời, ông kêu gọi Trung Quốc cần "thực hiện hóa việc mở cửa thị trường nội địa một cách hữu hình thực tế".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị Tổng thống Italy chỉnh công khai giữa thành Rome - Ảnh 1.

Lễ ký kết hợp tác giữa Trung Quốc và Italy hôm 23/3. Ảnh: AFP

Giới phân tích nhận định, phát biểu này cho thấy, Tổng thống Matarella muốn thúc đẩy các sản phẩm của Italy thâm nhập vào thị trường Trung Quốc hơn là chấp nhận nguồn vốn đầu tư đơn phương của Bắc Kinh.

Theo báo Nhật, trong chuyến thăm Italy, Trung Quốc đã mang theo bản ghi nhớ hợp tác kinh tế "một chiều" do nước này đề xuất, bao gồm nội dung phát triển của cảng Trieste, một cảng lớn ở Ý, là cửa ngõ vào Đông Âu.

Bản ghi nhớ này đã được ký kết vào ngày 23/3 dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng Thủ tướng Giuseppe Conte, đưa Italy trở thành thành viên G7 đầu tiên gia nhập sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Động thái này của Rome đã bị các nước thuộc liên minh châu Âu EU khác trong khối G7, cũng như Mỹ, Nhật Bản nghi ngờ chỉ trích.

Theo đánh giá, trong những năm gần đây, Italy luôn trong tình trạng suy thoái kinh tế. Chính sách hỗ trợ người nghèo của chính phủ hiện nay không hiệu quả. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 cũng được xếp hạng cuối cùng tại EU. Điều này khiến Italy mong muốn thúc đẩy nền kinh tế càng sớm càng tốt. Do đó theo nước này, trong bối cảnh nhận được sự giúp đỡ ít ỏi từ EU thì hợp tác với Trung Quốc là phương án khả thi hơn cả.

Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng, "quan điểm Trung Quốc không phải là mối đe dọa đã lỗi thời".

Hội nghị này cũng đồng ý rằng, Trung Quốc đang gây ảnh hưởng chính trị và kinh tế trên phạm vi toàn cầu nên EU cần phải đoàn kết để đối phó với mối đe dọa mất cân vằng thương mại từ Bắc Kinh.

Chủ tịch EU Claude Juncker chỉ ra rằng, Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh, đồng thời nhận định, mặc dù EU đã đưa ra những cảnh báo về Trung Quốc nhưng nhiều quốc gia thành viên EU vẫn sẵn sàng hợp tác kinh tế với Trung Quốc nhằm phát triển kinh tế quốc gia vì thế sự liên kết của EU đang bị Bắc Kinh đe dọa.

Thủ tướng Đức cũng lo lắng bày tỏ, mặc dù không chỉ trích các quốc gia như Italy gia nhập sáng kiến Vành đai và con đường nhưng làm thế nào để hòa hợp với Trung Quốc, cần có sự hiệp đồng nhất trí trong nội bộ EU và các cuộc tham vấn về vấn đề này đang được tiến hành.

Tuy nhiên, trái với ý kiến lo lắng nghi ngờ từ các thành viên EU, nhiều quan chức cấp cao Italy lại rất ủng hộ mối quan hệ hợp tác này.

"Italy là nước đầu tiên tham gia vào Con đường tơ lụa của Trung Quốc nên vào thời điểm này các nước châu Âu khác bày tỏ lo ngại về các quyết định thương mại của chúng tôi. Họ đã chỉ trích nhưng họ có quyền làm điều này", Phó Thủ tướng Luigi Di Maio nói.

"Chúng tôi không muốn lấn át các đối tác châu Âu của chúng tôi. Chúng tôi vẫn kiên quyết duy trì liên minh EU-Đại Tây Dương và chúng tôi vẫn là đồng minh của Mỹ tại NATO", ông nói thêm.

Trong khuôn khổ chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và Italy đã ký kết 29 hợp đồng và nghị định thư, với trị giá 2,5 tỷ euro.

Trong đó bao gồm nội dung các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đầu từ lớn vào hai cảng biển quan trọng ở Italy là Trieste và Genoa.

Trái lại, Bắc Kinh chấp nhận nhập khẩu sản phẩm cam của đối tác vào thị trường đại lục cũng như xúc tiến phát triển trong một số lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao, kết nghĩa giữa các thành phố hai quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại