Cho con bú rồi ngủ quên mất, khi tỉnh dậy người mẹ đau khổ tột cùng vì thấy con mình đã ra đi mãi mãi

Khánh Ly |

Nguyên nhân gây ra cái chết của bé Tiểu Thành mới 2 tháng tuổi này cũng chính là lời cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ.

Vợ chồng Trương Cường và Lưu Lệ quê gốc ở Hồ Nam, (Trung Quốc), hiện tại hai vợ chồng và 3 đứa con đang sống ở Quảng Đông. Cô con gái lớn 6 tuổi, cô con gái thứ hai 2 tuổi, đứa thứ 3 Tiểu Thành mới hơn 2 tháng tuổi.

Do con còn nhỏ nên Lưu Lệ dành toàn thời gian để chăm con, còn Trương Cường làm việc trong một nhà hàng ăn của người họ hàng. Mặc dù một mình chăm sóc 3 đứa trẻ rất vất vả, nhưng Lưu Lệ luôn đợi các con đi ngủ hết mới nghỉ ngơi, mỗi ngày đều phải đến 11 giờ đêm cô mới được ngủ.

Buổi tối ngày 12/3. Trương Cường đi làm, Lưu Lệ xuất hiện triệu chứng cảm lạnh nên cô đã uống vài viên thuốc cảm.

Đến hơn 8 giờ tối, sau khi cho Tiểu Thành bú no, cũng có thể do thuốc cảm gây buồn ngủ, nên Lưu Lệ đã ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Vì trong nhà có nhiều trẻ, do vậy để tiện theo dõi tình hình của những đứa trẻ, Trương Cường đã lắp máy giám sát ở nhà.

Vào lúc hơn 9 giờ tối, Trương Cường bật điện thoại di động, nhìn trong máy giám sát thấy mấy đứa trẻ lớn có chút ồn ào, Trương Cường thông qua máy giám sát bảo bọn trẻ không được làm ồn, không ngờ lại đánh thức Lưu Lệ.

Tuy nhiên, vừa mới tỉnh giấc Lưu Lệ phát hiện, Tiểu Thành đã không còn thở. Trên người Tiểu Thành có rất nhiều chất được nôn ra từ miệng.

Cho con bú rồi ngủ quên mất, khi tỉnh dậy người mẹ đau khổ tột cùng vì thấy con mình đã ra đi mãi mãi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sau đó, Lưu Lệ vội đưa Tiểu Thành đến bệnh viện gần nhất. Sau một loạt các cuộc cấp cứu của nhân viên y tế, Tiểu Thành một lần đã hồi phục nhịp tim.

Sau đó, Tiểu Thành được chuyển đến Khoa PICU của Bệnh viện Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em quận Thuận Đức, thuộc Đại học Y khoa Quảng Đông (Trung Quốc).

Tuy nhiên, do chất nôn ói đã làm tắc nghẽn đường thở, thời gian thiếu oxy quá lâu, dẫn đến suy đa tạng, bệnh tình càng trở nên nghiêm trọng. Mặc dù đã được các bác sĩ tại Khoa PICU tận tình cấp cứu, chiều ngày 13/3, Tiểu Thành đã mãi mãi ra đi.

Bác sĩ Đặng Minh Hồng, trưởng Khoa PICU nói: "Khi ăn no, trẻ nhỏ rất dễ xuất hiện tình trạng nôn trớ sữa, do vậy cha mẹ đặc biệt phải chú ý.

Muốn trẻ ngủ tốt nhất là phải cho trẻ nằm nghiêng phía bên phải, nếu xuất hiện nôn trớ người lớn có thể kịp thời xử lý, tránh chất nôn đi vào đường thở và gây tai nạn ngoài ý muốn".

Yếu tố nguy cơ chính khiến trẻ sơ sinh bị sặc sữa:

Cho con bú rồi ngủ quên mất, khi tỉnh dậy người mẹ đau khổ tột cùng vì thấy con mình đã ra đi mãi mãi - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Sặc sữa hiểu đơn giản là hiện tượng sữa trào ngược lên mũi vào đường thở khiến trẻ khó thở, ho sặc sụa, tím tái và có thể gây ngừng thở.

- Nguyên nhân thường là do cha mẹ hoặc người giữ trẻ để trẻ bú không đúng tư thế, cho bú khi trẻ đang khóc, đang ho, sữa mẹ xuống quá nhiều.

- Núm vú cao su có lỗ thông quá rộng khiến sữa chảy nhiều, chảy mạnh làm trẻ không nuốt kịp.

- Đặc biệt nếu cho trẻ bú trong tư thế nằm khiến thực phẩm dễ dàng lọt vào đường thở dẫn tới ngừng thở gây tím tái người, nếu không được sơ cứu sẽ khiến trẻ có thể bị mất mạng.

- Hơn nữa, nhiều trẻ có thói quen vừa ăn vừa ngủ. Trong khi miệng ngậm núm vú nhưng không hề nuốt, khi thở mạnh trẻ có thể hít sữa đưa lên mũi vào phế quản dẫn đến tình trạng sặc sữa.

- Trẻ 4 tháng tuổi đã bắt đầu biết hóng chuyện, nếu trong khi cho con bú sữa mẹ làm trò cười hoặc nói chuyện với bé khiến bé cười sẽ làm cho sữa tràn vào khí quản và gây sặc sữa.

Bác sĩ chỉ cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị sặc sữa:

Cho con bú rồi ngủ quên mất, khi tỉnh dậy người mẹ đau khổ tột cùng vì thấy con mình đã ra đi mãi mãi - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Khi trẻ có những dấu hiệu sặc sữa, các mẹ hãy thực hiện sơ cấp cứu cơ bản cho trẻ ngay lập tức. Lúc này, chính mẹ là người trực tiếp cứu con mình chứ không phải ai khác.

Nhanh chóng lấy sữa trong miệng trẻ ra bằng cách dùng miệng hút miệng và mũi của trẻ để sữa được ra ngoài. Hút càng nhanh càng tốt vì nếu như chậm sẽ khiến cho sữa đi sâu vào trong phế quản, trẻ tắc sữa lâu khó cứu.

Trong trường hợp trẻ bị tắc sữa lâu, khả năng cứu sẽ rất khó vì vậy sau khi hút xong mẹ nên kích thích mạnh để trẻ có thể khóc và thở được. Sau đó mẹ nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất để được sơ cứu y khoa.

Ngoài ra, nếu trẻ sơ sinh bị sặc sữa có các biểu hiện như tím tái, khó thở, mẹ hãy đặt trẻ nằm sấp xuống, dùng tay vỗ nhẹ 5 cái vào lưng ở vị trí giữa hai xương bả vai rồi lật trẻ quay lại, nếu trẻ khóc được, cơ thể hết tím tái thì nhanh chóng chuyển đến bệnh viện, cơ sở gần nhất để tiếp tục theo dõi.

Nguồn: Sina

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại