Vừa thua lỗ vừa bị "lừa", Nga vẫn rót hàng tỉ USD đầu tư cho một công ty dầu mỏ Venezuela?

Tất Đạt |

Tháng 9/2012, khu mỏ ở Venezuela dự tính sẽ khai thác được 20.000 thùng dầu mỗi ngày. Trên thực tế, cả năm 2012, mỏ dầu chỉ khai thác được 21.400 thùng dầu.

Liên doanh Nga - Venezuela

Cuối năm 2015, các quản lý của Rosneft - một công ty dầu mỏ Nga do nhà nước quản lý - đã đưa ra cảnh báo đối với ban giám đốc về tình hình đầu tư của công ty tại Venezuela. Theo các tài liệu nội bộ, đối tác của Rosneft - công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA - đã nợ khoản tiền lên tới hàng trăm triệu USD, và dường như không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ trở nên khả quan hơn trong tương lai.

"Mọi chuyện sẽ tiếp tục theo chiều hướng như vậy," một kiểm toán viên nội bộ Rosneft viết trong một bức email gửi tới đồng nghiệp vào tháng 11/2015, phàn nàn rằng không có tiến triển gì trong việc yêu cầu PDVSA giải thích về việc khoản tiền 700 triệu USD "biến mất" trong các bản kế toán của tập đoàn liên doanh.

Bức email nói trên là một phần trong hàng loạt những tài liệu liên lạc trong nội bộ Rosneft - bao gồm những bài thuyết trình, bản sao thư từ, ghi chú và bảng số liệu liên quan khác. Theo Reuters, số tài liệu này phản ánh hoạt động của công ty tại Venezuela trong giai đoạn năm 2012 tới năm 2015.

Đây là thời điểm khi các công ty dầu mỏ quốc tế khác hoặc đã rút khỏi Venezuela hoặc đóng băng các khoản đầu tư vào đất nước này, lo ngại về các chính sách điều hành của chính phủ ông Maduro.

Nhưng tài liệu lưu trữ cho thấy Rosneft vẫn tiếp tục rót vốn, mua thêm cổ phần trong mối liên kết với PDVSA và cho vay nhiều hơn. Rosneft được cho là muốn thể hiện sự hỗ trợ đối với đối tác Venezuela cũng như điện Kremlin muốn ủng hộ nhà lãnh đạo Hugo Chavez và người kế nhiệm Nicolas Maduro.

Dựa trên báo cáo thường niên, các tài liệu công khai và nội bộ, Reuters cho biết Rosneft đã đầu tư khoảng 9 tỉ USD vào các dự án ở Venezuela từ năm 2010 nhưng tới nay vẫn chưa hoàn vốn.

Vừa thua lỗ vừa bị lừa, Nga vẫn rót hàng tỉ USD đầu tư cho một công ty dầu mỏ Venezuela? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Isaac Urrutia / Reuters

Tài liệu từ Rosneft còn cho thấy:

- Phía Nga tin rằng công ty PDVSA đã nợ họ khoản tiền lên tới hàng trăm triệu USD.

- Sản lượng dầu mỏ của công ty liên doanh thấp hơn dự kiến rất nhiều.

- Công ty liên doanh phải chật vật để có những thiết bị khai thác cơ bản nhất.

- Phía Nga tin rằng PDVSA đã dành hàng triệu USD để đầu tư vào "những dự án xã hội" ở một địa điểm xa xôi hẻo lánh, nơi chỉ có vài trăm cư dân sinh sống.

- Những người quản lý đã đề cập vấn đề này tới giám đốc điều hành của Rosnef, ông Igor Sechin, để tìm cách xử lí tình trạng bất cập.

Từ cuối năm 2015 - giai đoạn cuối cùng được ghi chép lại trong các tài liệu, vấn đề của Rosneft đã được giải quyết phần nào bởi công ty này đã có thêm các cổ đông lớn và kiểm soát được hoạt động vận hành. Nhưng xét cho cùng, Rosneft vẫn đầu tư quá nhiều vào một công ty và một quốc gia chìm sâu trong khủng hoảng.

Mục đích của khoản đầu tư

Theo hai nhân viên của Rosneft và hai người khác có liên quan tới những dự án ở Venezuela, lý do Rosneft kiên quyết rót tiền vào PDVSA là vì nguyên nhân chính trị. Những người này cho rằng Rosneft muốn hỗ trợ đồng minh của Moskva tại Caracas.

"Ngay từ ban đầu, đây là dự án mang tính chính trị. Chúng tôi đều phải đóng góp," một nhà quản lý tại công ty dầu mỏ Nga ở Venezuela cho biết.

Nhân vật giám sát mối quan hệ kinh doanh chiến lược với Venezuela là ông Igor Sechin, một trong những thân tín của tổng thống Nga Vladimir Putin và là Giám đốc điều hành của Rosneft. Ông Putin và ông Sechin đã quen biết từ đầu những năm 1990 khi cùng làm việc tại văn phòng thị trưởng ở St Petersburg. Khi ông Putin tới Moskva để đảm nhiệm một chức vụ trong chính quyền, ông Sechin cũng đi cùng.

Vừa thua lỗ vừa bị lừa, Nga vẫn rót hàng tỉ USD đầu tư cho một công ty dầu mỏ Venezuela? - Ảnh 2.

Ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành Rosneft. Ảnh: Petr Kovalev / TASS

"Tôi thích ông ấy. Khi tôi chuyển tới Moskva, ông Sechin muốn đi cùng tôi. Tôi đồng ý," ông Putin nói trong một cuốn tự truyện.

Tờ The Moscow Times dẫn lời Alexander Gabuev - một nhà nghiên cứu cấp cao ở Trung tâm Carnegie Moscow - cho biết Nga xem mối quan hệ với Caracas là một hình thức để củng cố tầm ảnh hưởng ở sân sau của Washington. Venezuela là đối tác lớn trong các thương vụ mua vũ khí Nga. Khoản tiền hàng tỉ USD mà Rosneft đã đổ vào Venezuela là cách để Moskva thể hiện sự ủng hộ với đồng minh lâu năm.

Câu chuyện về mối quan hệ đối tác của Rosneft tới giữa lúc cuộc khủng hoảng bên trong công ty dầu mỏ khổng lồ ở Venezuela ngày càng trầm trọng. Khoản thu nhập của Venezuela đều phụ thuộc rất nhiều vào PDVSA - công ty chiếm tới 90% giá trị xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ.

Các tài liệu Rosneft cho thấy những bằng chứng rõ ràng về hoạt động quản lý nhiều sai sót trong thời gian dài của PDVSA, điều này giúp lí giải tại sao nền kinh tế Venezuela ngày càng đi xuống.

Ngày 11/3, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo nói Rosneft tiếp tục mua dầu thô từ Venezuela để ủng hộ chính quyền nước này. Tuy nhiên, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Rosneft chỉ hoạt động theo quyền lợi của những cổ đông. Ông phủ nhận việc Kremlin gia tăng áp lực để công ty Rosneft đầu tư thêm vào Venezuela.

"Đầu tiên, Rosneft hoạt động như một công ty thương mại bình thường, giống bất kì công ty nào khác trên khắp thế giới, và Rosneft muốn có được lợi nhuận thương mại. Đó là lí do khiến họ đầu tư vào Venezuela. Thông thường, những dự án lớn sẽ được lên kế hoạch trong nhiều năm. Đánh giá tiềm năng của các dự án là việc của các công ty, không phải là vấn đề của chúng tôi," ông Peskov nói.

Những dự án chậm tiến độ

Tháng 9/2012, tại một giàn khoan ở lòng chảo Orinoco, ông Sechin lấy đầy một bình dầu thô và nâng lên cao để đánh dấu giây phút Rosneft trở thành một trong những công ty dầu mỏ mang tầm vóc toàn cầu. Rosneft nắm 40% cổ phần tại mỏ dầu Junin-6 của Venezuela. PDVSA giữ 60 phần trăm còn lại.

Từ lâu, Rosneft đã khoan dầu từ những mỏ ở vùng Siberia. Với sự hiện diện tại một trong những mỏ có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới ở bờ sông Orinoco, Rosneft dường như sẽ đón nhận những thành tựu mới trong tương lai. "Hôm nay thực sự là một ngày lịch sử. Các công ty Nga đã chứng tỏ năng lực trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực dầu mỏ của thế giới," ông Sechin nói với kênh truyền thông Nga tại buổi lễ khánh thành.

Tuy nhiên, không lâu sau tuyên bố của ông Sechin, hoạt động của công ty Rosneft tại Orinoco đã gặp nhiều vấn đề.

Tháng 11/2012, PDVSA đã đóng cửa 1 trong 4 giàn khoan tại mỏ dầu Junin-6 mà không hỏi ý kiến của các đối tác Nga. Tới cuối năm 2012, chỉ có 6 giếng dầu được khai thác, trong khi mục tiêu dự án ban đầu đề ra là 47 giếng.

Các bộ phận máy dùng cho hoạt động khoan dầu ở Junin-6 được mua từ một đơn vị của PDVSA với tên gọi Bariven; nhưng thời gian để mua thiết bị từ Bariven tốn từ 10 tháng tới 18 tháng.

Các giàn khoan không hoạt động trong khoảng 37% thời gian. Trung bình, phải tốn tới 49 ngày để khoan một giếng dầu, thay vì 22 ngày như dự kiến. PDVSA không đưa ra giải thích cho những sự chậm trễ này.

Vào tháng 9/2012, Rosneft cho biết tới cuối năm, khu mỏ sẽ khai thác được 20.000 thùng dầu mỗi ngày. Trên thực tế, cả năm 2012, mỏ dầu chỉ khai thác được 21.400 thùng dầu.

Ba năm sau, tình hình vẫn không có dấu hiệu cải thiện. Một báo cáo từ Rosneft với các số liệu trong 3 quý đầu năm 2015 cho thấy những vấn đề về "chất lượng không đảm bảo" và "hoạt động không tối ưu" của các giếng dầu.

Tới cuối năm 2015, dự kiến sản lượng dầu mỏ tối đa ở Junin-6 đã cắt giảm từ 450.000 thùng/ngày xuống còn 250.000 thùng/ngày. Dự án quan trọng của Rosneft đã hoàn toàn mất đi sức hút.

Một số chuyên gia chia sẻ với Reuters cho biết, vấn đề nằm ở vùng lòng chảo Orinoco. Theo đó, tại các vùng mỏ ở miền đông Junin, chỉ có khoảng vài chục giàn khoan hoạt động cùng lúc. Các nhân công phàn nàn rằng họ không có những thiết bị cơ bản như giày, găng tay và mũ bảo hộ. Tình hình ở văn phòng PDVSA cũng không sáng sủa hơn là bao. Nhân viên không có đủ giấy để sử dụng. Trong nỗ lực níu chân các nhân viên, một số văn phòng nhân sự của công ty đã phải treo biển "Cấm nghỉ việc".

Vừa thua lỗ vừa bị lừa, Nga vẫn rót hàng tỉ USD đầu tư cho một công ty dầu mỏ Venezuela? - Ảnh 4.

Ảnh: Sergei Karpukhin / Reuters

Cuộc sống tại Venezuela cũng không dễ dàng gì với các nhân viên của Rosneft. Một người Nga tại đây cho biết các gia đình không có hệ thống nước ổn định để sử dụng ngay ở một quận lớn của Caracas. Vài lần một tuần, một xe chở nước tới và đổ đầy những bể chứa nước ở từng căn hộ.

Hai trong số các đối tác của Rosneft ở Junin-6 đã bỏ cuộc. Công ty Surgutneftegaz quyết định rời khỏi dự án vào tháng 11/2012. Tháng 12/2014, Lukoil - công ty dầu mỏ lớn thứ của Nga - cũng thông báo rút lui. "Nhìn lại, rất nhiều người ở Lukoil đã thở phào nhẹ nhõm khi họ không đầu tư hàng tỉ USD vào Venezuela," một giám đốc điều hành nói.

Các chuyên gia ước tính Rosneft đã mua lại cổ phần mà Surgutneftegaz và Lukoil để lại với giá 300 triệu USD, gia tăng sự hiện diện tại Venezuela. Rosneft cũng mua cổ phần thuộc về công ty TNK-BP trong thỏa thuận trị giá 55 tỉ USD vào năm 2013. Điều này có nghĩa là chỉ còn công ty Gazpromneft là đối tác Nga duy nhất của Rosneft tại Junin-6.

Rosneft cũng có 4 dự án dầu mỏ nhỏ hơn với PDVSA vào thời điểm đó. Các báo cáo cho thấy tất cả đều có nhiều vấn đề. Hai trong số các dự án - Carabobo và Petromonagas - đều ở vùng lòng chảo Orinoco; dự án Boqueron ở gần biển Atlantic; dự án Petroperijia ở vùng biển Carribean.

Báo cáo nội bộ của Rosneft từ năm 2015 kết luận rằng "không thể đạt được mức sản lượng" dầu thô như đã kí trong hợp đồng với dự án ở Carabobo. Tại Petromonagas, việc khai thác bị đình trệ vì chất lượng sản xuất kém. 

Tại Petroperijia, sản xuất vấp phải nhiều khó khăn vì công ty không có tiền mua thiết bị bơm cần thiết. Tại mỏ Boqueron, một máy nén bị hỏng, một thiết bị tăng áp suất khí trục trặc và không thể sửa được vì công ty đã cạn tiền.

Vấn đề tài chính

Ngoài các dự án dầu mỏ, những khoản chi phí khác cũng khiến Rosneft thất thu.

Báo cáo về hoạt động tại Junin-6 hồi năm 2012 cho thấy PDVSA đã sử dụng 12 triệu USD từ khoản đầu tư để phục vụ cho các "hoạt động xã hội" mà không nhận được sự đồng ý từ Rosneft.

Chỉ có 350 người dân địa phương sống tại khu vực được PDVSA đầu tư - một vùng đồi núi rộng khoảng 447 km2 ở bờ phía bắc của sông Orinoco.

Trong 6 tháng cuối năm 2014, Rosneft đã yêu cầu kiểm toán từ dự án Junin-6 để kiểm tra những "nghi vấn chỉnh sửa số liệu tài chính" và "chi tiêu bất hợp lý".

Các tài liệu nội bộ cho thấy, quản lý của Rosneft đã yêu cầu kiểm toán của công ty điều tra dòng tiền giữa PDVSA và các liên doanh với Petromonagas, Petroperija và Boqueron. Kết quả điều tra cho thấy PDVSA đã khai doanh thu từ Petromonagas thấp hơn 700 triệu USD so với thực tế. PDVSA đã phản đối và sau đó con số chỉ còn 500 triệu USD.

Trong một tài liệu từ ngày 30/4/2015, ông Sechin xác nhận kết quả của đội ngũ kiểm toán, và một kế hoạch bảo vệ khoản đầu tư của Rosneft bắt đầu được thực thi từ cuối tháng 5/2015.

Các phương pháp bảo vệ lợi ích của Rosneft bao gồm lắp đặt các trạm đo lường xem có bao nhiêu dầu được chuyển cho khách hàng, và hãng nhận được bao nhiêu tiền. Rosneft cũng muốn một nhà đánh giá độc lập theo dõi công ty liên doanh sử dụng tiền như thế nào. Và Rosneft muốn PDVSA ngừng thuê các nhà thầu mà không kí hợp đồng. Hãng Reuters chưa xác định được liệu các giải pháp nói trên có được áp dụng hay không.

Một vài tháng sau đó, tháng 10/2015, ông Eric Liron - Phó Chủ tịch thứ nhất của Rosneft - thông báo với ông Sechin rằng vẫn có những bất đồng đối với PDVSA trong việc thiết lập các tài khoản với công ty liên doanh.

Nỗ lực giành lại các khoản tiền không đem lại kết quả. Kiểm toán nội bộ của Rosneft nói trong một bức email hồi tháng 11/2015 rằng vấn đề "không thể được giải quyết bởi tình hình tài chính của đối tác" - ám chỉ PDVSA.

Khi được hỏi liệu có thể dời thời hạn xử lí vấn đề tài chính tới một ngày khác hay không, chuyên viên kiểm toán hỏi ngược lại: "Liệu tới thời hạn đó, PDVSA có thể phục hồi hay không, hay công ty này sẽ phá sản và câu hỏi này sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời?"

Sau đó, chuyên viên này rời khỏi Rosneft vào năm 2016.

Kể từ thời điểm được nhắc tới trong tài liệu, Rosneft đã cố gắng kiểm soát các khoảng đầu tư, ví dụ như tự ứng cử các nhà thầu. Rosneft cho biết PDVSA đã trả được phần lớn khoản nợ. Trong một báo cáo tài chính tháng 5/2/2019, Rosneft cho biết khoản mà PDVSA nợ - tổng cộng 6,5 tỉ USD - giờ chỉ còn 2,3 tỉ USD.

Nhưng các thử thách lớn nhất vẫn hiện diện.

Các báo cáo từ Rosneft và đánh giá bởi các chuyên gia năng lượng cho thấy những dự án của công ty tại Venezuela ngày hôm nay vẫn sản xuất ít hơn mức đề ra. Các dự án phát triển đều bị gác lại hoặc chậm tiến độ.

Mỏ dầu Junin-6, dự án quan trọng nhất của Rosneft tại Venezuela, vẫn mắc kẹt trong giai đoạn tìm kiếm và sản xuất thử nghiệm. Một nhà điều hành tại Gazpromneft nhận định rằng dự án nói trên hiện đã "hoàn toàn vô nghĩa về mặt thương mại". Rosneft đã từ chối bình luận về dự án này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại