S-400 bất ngờ bị cho là hệ thống "tầm thường", không nguy hiểm hơn lời đồn thổi

Quốc Vinh |

Một phân tích mới đây cho rằng, hệ thống phòng thủ S-400 khi triển khai trên thực tế không phải là một vũ khí đáng ngại như tuyên bố của quân đội Nga hoặc báo chí phương Tây.

Một báo cáo được công bố gần đây của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, thường được gọi là FOI, đã đặt câu hỏi về khả năng thực tế của hệ thống phòng không S-400 hiện đại do Nga sản xuất, tờ Defence Blog đưa tin.

Khi kiểm tra một cách kỹ lưỡng, các chuyên gia của FOI cho rằng khả năng của vũ khí Nga không đáng ngại lắm, đặc biệt là nếu các biện pháp đối phó tiềm năng được đưa ra. FOI kết luận trong một báo cáo mới rằng, năng lực S-400 kém hiệu quả hơn so với tuyên bố của quân đội Nga hoặc báo chí phương Tây.

Phân tích cho thấy phạm vi thực tế của hệ thống phòng không mới của Nga, S-400, được quảng bá là có tầm bắn 400 km, thực tế chỉ là 150-200 km. Trong trường hợp chống lại tên lửa thấp, tầm bắn của S-400 có thể chỉ còn 20 km.

Hệ thống phòng không S-400 thường được cho là có tầm bắn 400 km và có khả năng đánh chặn một loạt các mục tiêu, từ máy bay vận tải cho đến máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình, thậm chí cả tên lửa đạn đạo.

Theo báo cáo, tên lửa 40N6 có tầm bắn 400 km hiện chưa hoạt động và đã bị vướng vào các vấn đề trong quá trình phát triển và thử nghiệm. Với cấu hình hiện tại, hệ thống S-400 chủ yếu được coi là mối đe dọa đối với các máy bay cảnh báo sớm, hoặc máy bay vận tải ở độ cao từ trung bình đến cao, trong phạm vi 200-250 km.

Ngược lại, tầm bắn hiệu quả chống lại máy bay chiến đấu có tốc độ cao và tên lửa hành trình hoạt động tầm thấp có thể chỉ khoảng 20-35 km.

Bên cạnh đó, mặc dù được coi là hiện đại, hệ thống S-400 phụ thuộc vào một radar trực chiến duy nhất và có số lượng nền tảng bắn hạn chế. Do đó, nó dễ bị tổn thương trước hỏa lực nhắm vào radar trực chiến và các cuộc tấn công tổng lực.

Trong trường hợp tên lửa 40N6 sẵn sàng, phạm vi trên lý thuyết 400 km của S-400 không thể được khai thác hiệu quả trước các mục tiêu dưới 3000m trừ khi dữ liệu mục tiêu có thể được cung cấp và cập nhật trong lúc tên lửa đang bay.

Khả năng như vậy chỉ mới đạt được thành công gần đây bởi hải quân Mỹ và là một nỗ lực rất phức tạp và đòi hỏi yêu cầu rất cao mà Nga chưa thể thành thạo trong vòng 10 - 15 năm, báo cáo của FOI kết luận.

Trước đó, S-400 vẫn được biết đến là vũ khí phòng thủ tiên tiến nhất của Nga, được giới truyền thông và chuyên gia nhận định là có hiệu quả và phạm vi hoạt động vượt trội so với các hệ thống của phương Tây.

Gần đây, Nga đã tiến hành các cuộc đàm phán chuyển giao S-400 cho một số đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, làm dấy lên lo ngại đối với giới chức quân sự Washington.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại