Lý do khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội giúp 2 ông Trump-Kim dễ đạt được đột phá

Hải Võ |

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/2 nói ông không vội vã trong tiến trình phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên, dù mục tiêu của Mỹ là không đổi.

Ông Trump không vội vã trong vấn đề phi hạt nhân hóa

Ông Trump cùng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ tổ chức cuộc gặp cấp cao lần thứ hai trong hai ngày 27-28/2 tới tại thủ đô Hà Nội, Việt Nam, để thảo luận sâu về vấn đề hạt nhân bán đảo.

"Tôi muốn nhìn thấy sự phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên," tổng thống phát biểu tại Nhà Trắng, bổ sung rằng ông "không áp đặt thời gian biểu" cho quá trình này.

"Chừng nào [Triều Tiên] không thử nghiệm thì tôi không vội," ông nói, đề cập các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa mà Bình Nhưỡng tiến hành trước năm 2018. "Nếu như [Triều Tiên] lại thử nghiệm thì thỏa thuận sẽ khác. Tôi mong rằng những điều rất tích cực sẽ đến."

Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào ngày 12/6 năm ngoái ở Singapore, lãnh đạo Triều Tiên đã cam kết "hành động hướng tới" việc phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên, đổi lại những bảo đảm về mặt an ninh từ phía Mỹ.

Hội nghị tuần tới được kỳ vọng sẽ giúp ông Trump và ông Kim đạt được một thỏa thuận cụ thể hơn. Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, ông Stephen Biegun đã tới Hà Nội ngày 19/2 để chuẩn bị cho phiên thượng đỉnh này - Bộ ngoại giao Mỹ cho biết.

Người đồng cấp của Biegun bên phía Triều Tiên, ông Kim Hyok Chol cũng được nhìn thấy cùng ngày tại Bắc Kinh, được cho là cũng trên hành trình tới Hà Nội.

Thông cáo của Bộ ngoại giao Mỹ trước thượng đỉnh cho hay, "Các mục tiêu chính sách của chúng tôi không hề thay đổi. Chúng tôi vẫn tin tưởng vào cam kết đưa ra giữa tổng thống Trump và chủ tịch Kim, và rằng những cam kết tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore sẽ được thực hiện, đó là cam kết của chủ tịch Kim về phi hạt nhân hóa - điều mà cả thế giới đang quan tâm ngay lúc này và vẫn đang là mục tiêu của chúng tôi."

Ông Trump đã có cuộc điện đàm với đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In hôm 19/2 để trao đổi về cuộc gặp sắp tới tại Hà Nội. Ông cũng sẽ gọi điện cho thủ tướng Nhật Shinzo Abe vào ngày 20.

Tổng thống Mỹ bày tỏ hy vọng vào tiến trình phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên, cũng như hé mở viễn cảnh cải thiện tình hình nền kinh tế Triều Tiên.

"Tôi thực sự tin rằng Triều Tiên có thể là một cường quốc kinh tế lớn khi [vấn đề hạt nhân] được giải quyết," ông Trump đánh giá. "Vị trí địa lý [của Triều Tiên] ở giữa Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc thật không thể tin được. Tôi nghĩ Triều Tiên và chủ tịch Kim đã có sẵn những ý tưởng rất tích cực, và chúng ta sẽ sớm biết được."

Về phía Hàn Quốc, Nhà Xanh cho biết ông Moon Jae In nói với ông Trump rằng Seoul sẵn lòng thúc đẩy các dự án kinh tế liên Triều nhằm chia sẻ trách nhiệm với Mỹ trong những nỗ lực hòa dịu quan hệ các bên và phi hạt nhân hóa.

Theo Yonhap, Washington đang cân nhắc nhiều lựa chọn, bao gồm trao đổi quan chức liên lạc song phương, dỡ bỏ một phần cấm vận kinh tế với Triều Tiên, và một tuyên bố hòa bình để chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Lý do khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội giúp 2 ông Trump-Kim dễ đạt được đột phá - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore, ngày 12/6/2018 (Ảnh: Yonhap)

Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội cho lãnh đạo Mỹ-Triều nhiều không gian thảo luận

Yonhap bình luận, việc "thượng đỉnh Mỹ-Triều 2.0" được tổ chức trong hai ngày sẽ giúp lãnh đạo song phương có cơ hội tốt hơn nhằm trao đổi cụ thể nhiều vấn đề.

Lịch trình sự kiện kéo dài cho phép ông Trump và ông Kim có thêm thời gian để dàn xếp khác biệt trong các vấn đề then chốt, qua đó nâng cao cơ hội đạt được bước đột phá - mà các cuộc đàm phán cấp thấp khó đạt được.

Sau cuộc gặp kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ và bữa trưa ở Singapore hồi năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã ra được tuyên bố chung nhất trí tinh thần hành động hướng tới phi hạt nhân hóa. Lần này, với khuôn khổ mở rộng của hội nghị Hà Nội, hai ông sẽ có cơ hội trao đổi trong các cuộc gặp trực tiếp ít nhất hơn hai lần.

Yonhap dẫn phân tích của các nhà quan sát, cho rằng các sự kiện thể hiện quan hệ thân mật giữa lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ là điều thu hút quan tâm nhất, sau màn bắt tay lịch sử ở Singapore. Việc các đệ nhất phu nhân hai nước có tháp tùng ông Trump và ông Kim tới Việt Nam hay không cũng là điểm nhấn được nhiều người chú ý.

Phu nhân lãnh đạo Triều Tiên, bà Ri Sol Ju đóng vai trò đối ngoại quan trọng khi ông Kim Jong Un tiến hành chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên vào tháng 3/2018 và gặp gỡ chủ tịch Tập Cận Bình. Bà Ri cũng có mặt tại Bàn Môn Điếm để tham dự tiệc chiêu đãi của tổng thống Moon Jae In sau cuộc thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4.

Một cuộc họp báo chung giữa hai ông Trump-Kim tại Hà Nội sẽ là tiêu điểm lớn của toàn sự kiện. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận trong những điểm tranh luận chủ yếu, thì có cơ hội không nhỏ dư luận quốc tế sẽ được chứng kiến một phần trả lời báo chí chung đầu tiên của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại