Ukraine "nâng cấp" xe tăng T-64 bằng tháp pháo của T-55: Cải tiến kiểu... thụt lùi?

Hải Dương |

Không rõ toan tính thực sự của Quân đội Ukraine khi "cải lùi" xe tăng chiến đấu chủ lực xương sống T-64BV của mình là nhằm mục đích gì?

Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-64 được xem là một trong những vũ khí trấn quốc của Liên Xô vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh và chưa từng được xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả cho những đồng minh thân thiết nhất.

Thiết kế mang tính cách mạng của T-64 nằm ở chỗ nó là chiến xa đầu tiên được trang bị pháo nòng trơn cỡ 125 mm có uy lực cực mạnh với hệ thống nạp đạn tự động tiên tiến, điều mà nhiều xe tăng phương Tây đến tận thời điểm hiện tại vẫn chưa áp dụng.

Ukraine nâng cấp xe tăng T-64 bằng tháp pháo của T-55: Cải tiến kiểu... thụt lùi? - Ảnh 1.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-64BV của Quân đội Ukraine

Hiện nay trong biên chế Quân đội Ukraine vẫn còn một số lượng rất lớn xe tăng T-64 các phiên bản (nhiều nhất là biến thể T-64BV), dòng MBT trên vẫn giữ vai trò xương sống của lực lượng thiết giáp quốc gia Đông Âu này.

Nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu chiến tranh hiện đại, các nhà máy quốc phòng của Ukraine đã nâng cấp rất nhiều chiếc T-64B lên chuẩn T-64B1M và đặc biệt là T-64BM Bulat mạnh gấp nhiều lần. Vì vậy thật ngạc nhiên khi được biết Kiev lại chế tạo cả một phiên bản "giáng cấp" của T-64.

Ukraine nâng cấp xe tăng T-64 bằng tháp pháo của T-55: Cải tiến kiểu... thụt lùi? - Ảnh 2.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-64-55 của Quân đội Ukraine

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-64-55 do Ukraine chế tạo là một chiếc MBT rất độc đáo, khi nó sử dụng khung gầm của T-64B nhưng lại gắn tháp pháo của T-55 với pháo chính nòng xoắn D-10T2S cỡ 100 mm được nạp đạn bằng tay thay vì loại 2A46 125 mm với hệ thống nạp tự động.

Sự kết hợp này do Nhà máy Kharkov thực hiện, mục đích chính được cho là nhằm đáp ứng yêu cầu của việc nâng cao tính cơ động cũng như đơn giản hóa trong quá trình đào tạo nhân sự vận hành.

Do tháp pháo của T-55 nhẹ hơn T-64 cho nên xe tăng T-64-55 chỉ nặng khoảng 33,8 tấn, cắt giảm được 7 tấn so với khối lượng của T-64 nguyên bản. Điều này khiến động cơ được giảm tải đáng kể, tác dụng tăng độ bền, độ tin cậy và nâng cao khả năng di chuyển linh hoạt.

Một ưu điểm nữa của việc lắp tháp pháo nhẹ hơn đó là nếu kíp xe cảm thấy sức cơ động đã đáp ứng nhu cầu và họ chỉ muốn củng cố độ vững chắc thì T-64-55 sẽ sẵn sàng đáp ứng bằng cách bổ sung thêm nhiều lớp giáp phụ hay giáp phản ứng nổ gắn ngoài.

Ukraine nâng cấp xe tăng T-64 bằng tháp pháo của T-55: Cải tiến kiểu... thụt lùi? - Ảnh 3.

Hiệu quả của chiếc xe tăng kết hợp T-64-55 không được cao như kỳ vọng

Mặc dù vậy nhược điểm của chiếc T-64-55 rất dễ thấy, đó là hỏa lực của nó kém quá xa so với T-64 nguyên bản, pháo D-10T2S 100 mm rõ ràng không đủ sức mạnh để xuyên thủng giáp trước của những chiến xa tối tân ngày nay.

Sau quá trình thử nghiệm, xe tăng T-64-55 bị đánh giá là những ưu điểm về độ linh hoạt hay giáp bảo vệ không tương xứng với sự sụt giảm của uy lực pháo chính, bởi vậy phương tiện này chỉ dừng lại ở dạng mẫu chế thử và bị từ chối nhân rộng trên quy mô lớn.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-64BV của Quân đội Ukraine trong quá trình chiến đấu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại