Lính xe tăng ở chiến trường: Xả cả băng AK hạ lợn rừng - Những bữa thịt tươi quý giá

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Không biết do cái gì hay bản năng sống còn thúc đẩy mà Định tuột khẩu AK ra khỏi vai và mở khóa an toàn nhanh thế. Không cần ngắm anh kéo luôn cả băng đạn về phía con lợn.

Giữa chiến trường gian khổ và ác liệt, những người lính ở mặt trận vẫn có những cách riêng để chuẩn bị cho mình một cái tết tạm đủ về vật chất và vui vẻ về tinh thần.

Tết Quý Sửu 1973: Hân hoan đón mừng Hiệp định Pa-ri nên phải có lợn

Là Tết đầu tiên ở chiến trường, lại nghe tin sắp ký Hiệp định Pa-ri đem lại hòa bình cho đất nước nên Tiểu đoàn xe tăng 408 thuộc Quân khu Trị Thiên quyết định sẽ tổ chức cho bộ đội ăn Tết "tươm tươm" một chút

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Bá Trác khẳng định: "Nhất định phải kiếm bằng được con lợn cho anh em ăn Tết".

Thời đó, lợn rừng đôi khi cũng xuất hiện nhưng chuyện bắn được nó vào dịp Tết là rất khó khăn và cũng không chắc chắn. Vì vậy, phương án đổi lợn của đồng bào được quyết!

Lính xe tăng ở chiến trường: Xả cả băng AK hạ lợn rừng - Những bữa thịt tươi quý giá - Ảnh 1.

Do điều kiện hành quân bằng cơ giới, chở theo được khá nhiều đồ nên tiểu đoàn quyết định xuất ra 50 kg muối và 50 kg gạo đi đổi một con lợn về để tăng cường cho anh em ăn Tết.

Tuy nhiên, để đổi được cũng không đơn giản vì bà con Pa-Kô ở các bản gần đó cũng rất nghèo. Muốn đổi được phải đi đến những bản xa ở tít sâu trong dãy A Bia mới có. Thế là một tiểu đội gùi theo gạo muối lên đường đi suốt gần 1 ngày mới tới bản.

Có lẽ đã ở ổn định ở đây khá lâu rồi và chắc là cũng có bộ đội thường xuyên qua lại nên bản này nhà cửa và vệ sinh rất khá. Đời sống kinh tế của bà con cũng khấm khá hơn rất nhiều so với các bản ở gần đơn vị.

Với sự thông cảm sâu sắc lẫn nhau, cuộc thỏa thuận giữa tổ công tác với trưởng bản diễn ra rất nhanh. Trưởng bản mời anh em nghỉ lại để tối cùng giao lưu với đồng bào.

Sau bữa cơm đoàn kết: gạo của tổ công tác, rau dưa của đồng bào, tình cảm giữa hai bên càng thêm thân mật. Buổi tối, một số bà con trong bản trong đó có mấy cô gái trẻ sang chơi. Có thêm món ngô rang và sắn nướng làm đà, câu chuyện càng thêm đậm đà, vui vẻ.

Sáng hôm sau tổ công tác hành quân về với chiến lợi phẩm đổi được là một con lợn cỡ hơn 40 kg. Thật may là giống lợn này rất ngoan và đi cũng rất khỏe.

Lính xe tăng ở chiến trường: Xả cả băng AK hạ lợn rừng - Những bữa thịt tươi quý giá - Ảnh 2.

Đảm bảo kỹ thuật ở Lữ đoàn xe tăng 203. Ảnh: Nguyễn Khắc Nguyệt.

Chỉ cần buộc một sợi dây vào cổ nó rồi dong đi như dong chó đi chơi. Vừa phấn khởi về kết quả chuyến công tác, vừa không phải đeo nặng nên chỉ nửa chiều đoàn công tác đã về đến nhà.

Do quân số ít so với bộ binh nên chỉ một con lợn đổi về cùng với các thứ quân khu cấp về cũng đủ cho cái Tết đón Xuân Quý Sửu và chào mừng thắng lợi của Hội nghị Pa-ri của Tiểu đoàn xe tăng 408 trở nên hết sức thịnh soạn mặc dù đang ở giữa chiến trường.

Những món ăn truyền thống của dân tộc từ khắp các vùng quê được đem ra thi triển trong dịp Tết đã làm vơi bớt nỗi nhớ nhà của những người lính và thắp lên trong họ niềm tin thắng lợi không xa.

Tết Giáp Dần 1974 - Lợn kỵ năm Hổ

Sau khi Hiệp định Pa ri có hiệu lực, Tiểu đoàn xe tăng 408 tập rung tại vị trí mới ở phía Tây Bắc sân bay A Lưới, cạnh bản Ale Nốc của bà con dân tộc Pa- kô. Một bản nhỏ như vậy mà có đến 2 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là Hồ Vai và Kan Lịch.

Trong điều kiện tiếp tế còn khó khăn, để góp phần nâng cao đời sống cán bộ chiến sĩ, tiểu đoàn đã phát động phong trào tăng gia sản xuất rất mạnh mẽ trong đơn vị. Từ tiểu đoàn bộ đến các đại đội, trung đội đều phải có rẫy sắn, rẫy rau và có kế hoạch phát triển chăn nuôi tùy theo điều kiện.

Đại đội xe tăng 4 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận và chính trị viên Vũ Đăng Toàn ở vào một địa thế khá đẹp và chỉ trong một thời gian ngắn đã tạo dựng được một rẫy sắn chiếm một vạt đồi và một khu chuyên trồng rau ở ven con suối nhỏ.

Cũng như khoai, cây sắn rất ưa đất lạ. Chỉ mới có mấy tháng cái rẫy sắn đã tốt um, cây nào cây ấy đã cao ngập đầu, củ đã bằng ngón chân cái hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Nhưng thật xót xa. Một góc rẫy đã bị bọn lợn rừng về hỏi thăm, chúng dũi tung lên từng đám. Tức một nỗi nữa là mỗi gốc chúng lại chỉ ăn qua loa những phần ngon nhất còn thì bỏ lại đấy.

Lính xe tăng ở chiến trường: Xả cả băng AK hạ lợn rừng - Những bữa thịt tươi quý giá - Ảnh 3.

Cựu chiến binh của Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 từ khắp các miền quê đã hội tụ về đơn vị. Ảnh minh họa: Nguyễn Khắc Nguyệt

Trong đại đội có pháo thủ số hai Vũ Anh Cát- người Tuyên Quang rất mê săn bắn. Thấy đám lợn rừng phá rẫy như vậy, Cát bực lắm và quyết chí săn lùng. Cứ chập tối là Cát vác súng đi. Ai hỏi gì cũng không trả lời với vẻ mặt rất chi là bí hiểm.

Cho đến một hôm quãng gần Tết Giáp Dần 1974, vào tầm ba giờ sáng một loạt đạn liên thanh từ rẫy sắn bỗng rộ lên đánh thức mọi người. Anh em trung đội Hai ở gần rẫy nhất nhanh chân chạy lên, cả bọn hí hửng khiêng về con lợn gần một tạ. Cát vác súng đi sau có vẻ tự hào lắm, cứ như mình vừa lập một chiến công lớn vậy.

Dưới ánh sáng bập bùng của mấy ngọn đuốc dầu diesel, con lợn béo múp nằm bất động như một bao gạo. Bỗng ai đó kêu lên: "Hình như lợn nhà chứ không phải lợn rừng?".

Quả thật, con lợn mà Cát bắn được chẳng có dáng dấp gì của lợn rừng. Lông nó mềm mại và mượt mà như vẫn thường xuyên được chăm sóc, tắm gội. Người nó thì bầu bĩnh, múp míp chứ không săn chắc và thon dài như lợn rừng.

Xấn vào giữa vạch mép lợn ra nhìn không thấy cái răng nanh nào, trung đội trưởng Lê Xuân Tự hốt hoảng: "Đúng là lợn nhà rồi!".

Ban chỉ huy đại đội cũng đã có mặt. Sau khi xem xét mọi đặc điểm con lợn thì rút ra kết luận: "Có nhiều khả năng đây chính là con lợn mà tiểu đoàn nuôi để chuẩn bị ăn Tết!". Thế là một quyết định được đưa ra, cứ để đấy sáng mai xem sao. Ngoài ra, sẽ báo cáo với tiểu đoàn là bẫy súng chứ không phải do người bắn.

Sáng hôm sau, trực ban đại đội gọi điện cho mấy đơn vị xung quanh thông báo: có con lợn bị trúng "bẫy súng" ở rẫy sắn của "xê Bốn", đề nghị các đơn vị kiểm tra xem có phải lợn của mình không.

Ngay lập tức trợ lý hậu cần của tiểu đoàn có mặt, nhìn con lợn anh ta nhăn nhó: "Thế này thì các ông giết tôi rồi! Cái Tết này cả tiểu đoàn trông vào con lợn này đấy! Bây giờ thì biết làm sao đây?".

Cánh Đại đội 4 thì gân cổ cãi: "Rẫy sắn của bọn tôi bị lợn rừng phá bung bét thế kia, săn mãi chẳng được chúng tôi buộc phải gài bẫy súng chứ để thế mãi ai chịu được. Các ông chuồng trại không cẩn thận để nó sổng ra đi linh tinh vấp bẫy thì các ông phải chịu thôi".

Nghe ra thì cũng có lý nên tiểu đoàn chẳng làm gì được. Vui nhất là anh em chiến sĩ toàn tiểu đoàn, tự nhiên được bữa thịt tươi. Tất nhiên là Tết năm đó bữa liên hoan nghèo nàn đi một tý. Chỉ có Vũ Anh Cát là tẽn tò và thề là sẽ bỏ đi săn!

***

Qua Tết mấy hôm, rẫy vẫn bị phá với một cường độ cao hơn. Trung đội phó Bùi Văn Định (sau này là Phó GĐ Sở NN và PTNT Bắc Kạn) xót ruột quá mà động viên mãi Cát không chịu đi săn. Bực mình anh xách súng ra kiểm tra chỗ hàng rào vây quanh rẫy bị lợn phá đổ để ngày mai cho làm lại.

Trời mới chạng vạng. Nghĩ rằng giờ này lợn vẫn chưa ra nên Định vẫn khoác súng ở vai, lần theo dấu chân của lũ lợn anh tiến dần đến chỗ hàng rào đổ. Bỗng một tiếng "hộc" hằn học vang lên ngay bên cạnh.

Định quay đầu lại: cách anh chừng chục bước chân là một con lợn rừng to tướng đang lừ lừ nhìn anh như muốn ăn tươi nuốt sống, hai cái răng nanh trắng ởn bằng quả chuối rừng nhe ra thật dữ tợn.

Không biết do cái gì hay bản năng sống còn thúc đẩy mà Định tuột khẩu AK ra khỏi vai và mở khóa an toàn nhanh thế. Không cần ngắm anh kéo luôn cả băng đạn về phía con lợn. Nó vẫn hộc lên lao về phía Định và chỉ đổ vật xuống khi còn cách anh ba bước chân.

Định ngồi thụp xuống, chân tay bủn rủn, mãi sau mới thận trọng tiến lại gần con vật hung hãn kia. Con lợn đã chết, hai phát đạn của anh đã bắn trúng đầu nó. Anh em kéo lên khiêng về, cân vội cũng được hơn 1 tạ.

Thế là quanh cái Tết Giáp Dần, lính Tiểu đoàn xe tăng 408 được chén 2 bữa thịt lợn tươi liền. Ai cũng bảo: Năm Hổ có khác!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại