Hiệp ước Aachen: Khi nước thắng trận trong Thế chiến II chia sẻ ghế cho nước thua trận

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Bà Merkel nói việc ký kết Hiệp ước Aachen là "một ngày đặc biệt" đối với cả Đức và Pháp. Còn ông Macron thì cho rằng "một chương mới đang mở ra" trong lịch sử hai nước.

Ngày 22/1/2019, tại thành phố Aachen của Đức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ký "Hiệp ước giữa Cộng hòa Pháp và Cộng hòa Liên bang Đức về hợp tác và nhất thể hoá Pháp-Đức".

Bà Merkel nói việc ký kết Hiệp ước Aachen là "một ngày đặc biệt" đối với cả Đức và Pháp. Còn ông Macron thì cho rằng "một chương mới đang mở ra" trong lịch sử hai nước.

Hiệp ước mới Aachen được soạn thảo trên nền tảng của Hiệp ước Elyse’e ký kết giữa Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer ngày 22/1/1963 về hoà giải giữa Pháp và Đức sau các cuộc xung đột quân sự kéo dài hàng thế kỷ giữa hai nước từ năm 1793 đến khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ II, Đức bị đánh bại năm 1945.

Mục đích và bối cảnh

Mục đích của việc ký kết hiệp ước này là nhằm tăng cường hợp tác toàn diện và hội nhập giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính sách đối ngoại, kể cả quốc phòng.

Theo các nhà phân tích, hiệp ước này là một sự phản ứng trước những chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump, Brexit và sự phát triển của chủ nghĩa dân tuý có thể dẫn đến sự phân tầng hơn nữa ở châu Âu.

Hiệp ước Aachen: Khi nước thắng trận trong Thế chiến II chia sẻ ghế cho nước thua trận - Ảnh 1.

Hiệp ước hữu nghị, hợp tác Pháp-Đức chủ yếu nhằm củng cố địa vị chính trị của Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Angela Merkel.

Châu Âu đang đứng trước cơn sóng gió do sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và một loạt thách thức to lớn trước việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit, khủng hoảng sâu sắc trong khu vực đồng Euro, những thay đổi lớn trên thế giới vượt ra khỏi khuôn khổ quốc gia như biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin, chủ nghĩa khủng bố, làn sóng nhập cư bất hợp pháp và bất đồng EU với Mỹ trong nhiều vấn đề sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền...

Trong tình hình như vậy, Đức và Pháp là hai nước lớn nhất của châu Âu muốn đứng ra chịu trách nhiệm đối phó với những thách thức này trong thế kỷ 21, chèo lái đưa con thuyền EU cập bến an toàn.

Hiệp ước Aachen là một bước chuyển tiếp quan trọng từ hoà giải sang giai đoạn hợp tác chặt chẽ hơn giữa Pháp và Đức.

Theo Hiệp ước này, Paris và Berlin thỏa thuận tăng cường hợp tác, tiến tới thực hiện nhất thể hoá giữa hai nền kinh tế, văn hoá, chính sách đối ngoại, đặc biệt về an ninh và quốc phòng nhằm ứng phó lại các cuộc xâm lược có thế xảy ra từ nước thứ ba.

Hai bên cũng nhất trí thành lập một Hội đồng nghị viện chung gồm 100 đại biểu của Pháp và Đức. Hiệp ước Aachen kêu gọi thành lập một quân đội riêng của châu Âu. Đây là những nội dung hợp tác mới không chỉ trong quan hệ giữa hai nước Đức và Pháp mà còn trên cả bình diện châu Âu nói chung.

Một bước tích cực nhưng việc thực thi không dễ dàng

Về lý thuyết, Hiệp ước Aachen là một bước tích cực góp phần hàn gắn sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu nhằm vượt qua những khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế Hiệp ước này chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng.

Nhiều nhà quan sát chính trị tỏ nghi ngờ về tính khả thi của hiệp ước này được ký kết khi uy tín của Tổng thống Macron vả Thủ tướng Merkel sụt giảm nghiêm trọng.

Kết quả cuộc thăm dò do Viện ý kiến công luận Pháp (IFOP) tổ chức tháng 9/2018 cho biết chỉ có 29% số người Pháp được hỏi hài lòng với sự lãnh đạo của ông Macron. Trong khi đó, theo kết quả thăm dò dư luận công bố tháng 8/2018, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel cũng chỉ nhận được 29% số người ủng hộ, mức thấp nhất kể từ năm 2006.

Hiệp ước Aachen: Khi nước thắng trận trong Thế chiến II chia sẻ ghế cho nước thua trận - Ảnh 2.

Biểu tình tại Pháp phản đối Tổng thống Macron ký Hiệp ước Aachen. Ảnh: AP

Với uy tín xuống thấp như vậy, ông Macron khó có thể tái đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm 2022 và bà Merkel cũng đã tuyên bố không tiếp tục ra tranh cử khi hết nhiệm kỳ năm 2021.

Mặt khác, bất chấp tuyên bố của Tổng thống Macron và Thủ tướng Merkel cho rằng thỏa thuận mới đáp ứng lợi ích của cả hai nước, Hiệp ước Aachen vừa được ký kết đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các chính trị gia đối lập ở cả Berlin lẫn Paris.

Chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia Pháp (NR), trước đây là Mặt trận quốc gia (NF) Marine Le Pen đã công bố một thông điệp cáo buộc Tổng thống Macron phản bội lợi ích của nước Pháp. Bà Le Pen lo ngại ông Macron sẽ chia sẻ với Đức chiếc ghế Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi chương 8 của Hiệp ước này nêu rõ:

"Việc kết nạp Cộng hòa Liên bang Đức với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là ưu tiên của ngoại giao Pháp-Đức".

Nhiều người đặt câu hỏi vì sao Pháp, nước thắng trận trong Thế chiến II lại sẵn sàng chia sẻ chiếc ghế thường trực của Hội đồng Bảo an cho Đức, một quốc gia thua trận, bất chấp việc nhiều nước từ lâu đã bác bỏ đề nghị này.

Nhà lãnh đạo đảng cánh tả "Nước Pháp bất khuất" Jean-Luc Melenchon được đảng Cộng sản Pháp và nhiều phong trào chính trị khác của nước Pháp ủng hộ, đã phát biểu tỏ lo ngại về khả năng Hiệp ước Aachen sẽ sáp nhập nền kinh tế hai nước Đức và Pháp dẫn đến sự xâm phạm quyền lợi của người Pháp.

Ở Đức, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra với sự tham gia đông đảo của những người ủng hộ phong trào áo vàng của Pháp ngay khi Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron ký Hiệp ước Aachen. Nhiều đảng phái và tổ chức chính trị tại Đức cũng không ủng hộ Hiệp ước này.

Hiệp ước Aachen: Khi nước thắng trận trong Thế chiến II chia sẻ ghế cho nước thua trận - Ảnh 3.

Đây là một hiệp ước tay đôi giữa Pháp và Đức không có sự tham gia của các nước châu Âu khác đang gây sự ngờ vực to lớn về ý tưởng góp phần vào khôi phục tình đoàn kết trong Liên minh EU, đặc biệt khi Hiệp ước này không hề đả động gì đến sự lo ngại của các nhà lãnh đạo châu Âu đang tìm cách xoa dịu tình hình căng thẳng do trào lưu dân tuý lan rộng đe dọa đến chủ nghĩa tự do của châu lục này.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng tỏ ngạc nhiên khi họ không được tham khảo ý kiến và cũng không được thông báo về nội dung của Hiệp ước.

Kế hoạch thành lập một quân đội chung của châu Âu được ghi trong Hiệp ước Pháp-Đức mà không hề tham khảo ý kiến của các thành viên EU chỉ là ý tưởng của ông Macron và bà Merkel.

Trong tình hình nội bộ châu Âu chia rẽ, các nước đang phải tập trung ưu tiên giải quyết các vấn đề trong nước thì thành lập một quân đội chung của châu Âu là một việc xa vời.

Ở đây còn chưa đi vào những vấn đề cụ thể như ai sẽ là người chỉ huy, đóng góp tài chính, các binh chủng.... sẽ được phân bổ như thế nào trong khi các nước châu Âu chưa thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ của mình trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Liệu các nước nhỏ trong EU có chấp nhận vai trò lãnh đạo của Pháp và Đức hay không?

Hiệp ước Aachen chủ yếu nhằm củng cố các vị trí chính trị của Thủ tướng Merkel và Tổng thống Macron. Sau khi hai nhà lãnh đạo này rời chính trường vào năm 2021-2022, hiệp ước này khó có thể tìm được đất sống.

Hiệp ước này còn phải được Quốc hội Pháp và Đức phê chuẩn. Trong tình hình chưa có sự đồng thuận của các nước châu Âu nói chung và còn nhiều ý kiến khác nhau trong nội bộ Pháp và Đức nói riêng, việc phê chuẩn Hiệp ước này chắc chắn sẽ phải được thảo luận và xem xét kỹ lưỡng.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại