Hé lộ kỹ thuật xây dựng Thành nhà Hồ tồn tại trên 600 năm của vương triều Hồ

Thanh Tuấn |

Qua thám sát, khai quật tường và thân thành ở di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), các nhà khoa học đã phần nào giải mã được bí mật xây dựng công trình thành đá đồ sộ, tồn tại hơn 600 năm qua của vương triều Hồ.

Hé lộ kỹ thuật xây dựng Thành nhà Hồ tồn tại trên 600 năm của vương triều Hồ - Ảnh 1.

Đoạn thân Thành nhà Hồ được cắt để khai quật tìm hiểu kỹ thuật xây dựng tồn tại hơn 600 năm qua

Ngày 22-1, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thanh Hóa) đã công bố chính thức kết quả khai quật một đoạn tường thành phía Đông Bắc thuộc di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Theo tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, thực hiện quyết định của Bộ VH-TT-DL, đơn vị đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện khai quật cắt tường thành phía Đông Bắc - Thành nhà Hồ với tổng diện tích khoảng 400 m2 nhằm mục đích tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật gia cố lớp đất đắp trên tường thành, lớp móng gia cố và nên gia cố chân thành khu vực tường thành phía Đông Bắc.

"Kết quả cuộc khai quật đã mang lại nhiều cứ liệu quan trọng, giúp làm rõ được kỹ thuật xây dựng Thành nhà Hồ, qua đó giúp ích rất lớn cho việc trùng tu lại di sản thế giới đang bị xuống cấp này" - ông Trọng nói.

Theo báo cáo sơ bộ, sau 5 tháng tiến hành khai quật (từ tháng 9-2018 đến 1-2019), các nhà khảo cổ học kết luận tường thành có kết cấu được đắp bằng đất ở thân và mặt trong, mặt ngoài tường ốp bằng những tảng đá kích thước lớn nhỏ khác nhau, có những tảng nặng hàng chục tấn.

Đáng chú ý, quá trình khai quật đã phát hiện thành được đắp bằng 11 lớp đất , sỏi cuội rất tỉ mỉ, kiên cố và vững chắc.

Hé lộ kỹ thuật xây dựng Thành nhà Hồ tồn tại trên 600 năm của vương triều Hồ - Ảnh 2.
Hé lộ kỹ thuật xây dựng Thành nhà Hồ tồn tại trên 600 năm của vương triều Hồ - Ảnh 3.

Khu vực khai quật nằm ngay tại vị trí sạt lở thành phía Đông Bắc - Thành nhà Hồ

Tính từ trên xuống, lớp bề mặt trên của tường thành rộng từ 8,5-9 m, là lớp vật liệu bằng sỏi cuội, đá, đất sét được đầm, lèn kiên cố giúp cho tường thành không bị nắng, mưa hủy hoại; lớp thứ 2 là đất sét màu đỏ, vàng, xanh lẫn cát dày từ 0,5-0,55 m được đầm, lèn theo triền dốc đổ xuống phía trong thành.

Lớp thứ 3 là đất sét màu vàng nhạt lẫn nhiều sạn cát có độ dày khoảng 1 m; lớp thứ 4 là đất sét màu đỏ lẫn nhiều cụm sét xám dày từ 0,5-0,6 m; lớp thứ 5 là đất sét vàng nhạt lẫn nhiều sạn cát nhỏ và sỏi laterit, có độ dày khoảng 0,8 m.

Tiếp đến lớp thứ 6 là đất sét màu xám đen có độ dày 0,18-0,2 m; lớp thứ 7 là đất sét vàng lẫn cát vàng đầm lèn chặt, có độ dày từ 0,06-0,08 m; lớp thứ 8 là lớp đất xám đen được đầm chạy từ bề mặt tường thành xuống đến chân thành, có độ dày từ 0,18-0,2 m.

Lớp thứ 9 là đất sét vàng lẫn ít cát, dày từ 0,08-0,1 m; lớp thứ 10 là đất xám đen đầm chặt chạy từ mặt tường thành xuống nền chân thành, dày từ 0,5-0,6 m; lớp cuối cùng sát với chân tường thành là lớp đất sét đỏ sẫm được đầm lèn chặt, chắc chắn và ngăn cách rất rõ với lớn trên và dưới, có độ dày trung bình từ 1,7-1,8 m.

Về phần móng tường thành, các nhà khoa học phát hiện phần móng cũng được gia cố bằng lớp đất sét màu xám xanh và khá đều.

Tiếp đến là lớp sỏi cuội, đá dăm (kích thước đá dăm 1,2x5 cm) và lớp đất sét màu vàng. Tổng cộng, riêng phần móng thành có 7 lớp gia cố bằng sỏi cuội và lớp gia cố bằng đất sét màu đỏ (có độ dày 1,7-1,8 m).

Từ kết quả nghiên cứu về kết cấu tường và chân tường thành, các nhà khảo cổ học đưa ra kết luận thành và chân tường thành của di sản Thành nhà Hồ có kết cấu từ sỏi cuội, đất sét vàng, đỏ, xám xanh và sạn cát hạt thô.

Về đất đắp thành, ban đầu các nhà nghiên cứu nhận định đất được lấy từ quá trình mở rộng lớp lòng hào thành phía ngoài.

Hé lộ kỹ thuật xây dựng Thành nhà Hồ tồn tại trên 600 năm của vương triều Hồ - Ảnh 5.

Qua kết quả khai quật này, nhiều cứ liệu về kỹ thuật xây dựng Thành nhà Hồ dần được hé lộ

Ngoài ra, trong quá trình khai quật, đã phát hiện nhiều di vật, như gạch, ngói, bát gốm men trắng, hoa lam, men nâu, men ngọc, gạch vồ… có niên đại từ thời Trần – Hồ và Lê.

Với những kết quả khai quật được, các nhà khoa học nhận định quy mô kết cấu tường thành di sản thế giới này vô cùng phức tạp, kiên cố, phần nào rõ thêm được việc xây thành thời xưa như thế nào. Từ đó, tạo căn cứ khoa học cho việc trùng tu lại khu vực tường thành phía Bắc và làm rõ được cấu trúc gia cố thành đất bên trong thân tường đá.

Hé lộ kỹ thuật xây dựng Thành nhà Hồ tồn tại trên 600 năm của vương triều Hồ - Ảnh 6.

Một số hiện vật được tìm thấy trong quá trình khai quật Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, hầu hết hoàng thành đã bị phá hủy, nhưng thành quách gần như còn nguyên vẹn. Ngày 27-6-2011, Thành nhà Hồ chính thức được Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liêp Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại