40 năm Nhà nước Hồi giáo Iran: Nỗi cay đắng của Mỹ và "ngòi nổ" thế giới Hồi giáo

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Nhìn lại lịch sử khu vực này trong 40 năm qua, những biến cố quyết định nhất xảy ra từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran đều có liên quan đến Iran.

Thất bại chiến lược của Mỹ

Cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran bắt đầu từ tháng Giêng năm 1978 và đạt được đỉnh điểm từ đầu năm 1979, cách đây đúng 40 năm. Ngày 16.1.1979, khi vợ chồng Shah của Iran Reza và Farah Pahlavi bước lên máy bay rời Iran đi Ai cập cũng là thời điểm chấm dứt nền quân chủ kéo dài 2508 năm ở xứ Ba Tư.

Ngày 1.2.1979, giáo chủ Khomeni từ nơi lưu vong là Pháp trở về Iran và ngày 1.4.1979 tuyên cáo thành lập nước Cộng hoà Hồi giáo Iran. Cục diện tình hình và tương quan lực lượng ở khu vực vùng Vịnh cũng như trong thế giới Hồi giáo có bước chuyển giai đoạn mới với tác động và ảnh hưởng, hậu quả và hệ luỵ sâu sắc và mạnh mẽ cho tới tận ngày nay cũng như sẽ còn như vậy nữa cả trong tương lai tới.

Lý do ở chỗ Iran chuyển biến từ một đồng minh quân sự chiến lược của Mỹ thành đối thủ đáng gờm nhất của Mỹ ở khu vực, từ mắt xích rất quan trọng trong toàn bộ chiến lược đối ngoại và quân sự, an ninh của Mỹ thành khâu rủi ro, nguy hiểm nhất đối với Mỹ ở khu vực.

Khi xưa, Mỹ đã chủ mưu tiến hành cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân chủ dân cử của thủ tướng Mohammed Mossadegh ở Iran (năm 1953) - năm 2008, tổng thống Mỹ Barack Obama đã công nhận việc này.

Thời đương quyền, tổng thống Mỹ Richard Nixon đã ngợi ca Shah Pahlavi của Iran là "người bạn lâu năm, người đứng đầu nhà nước tiến bộ và chính khách nhà nước tầm cỡ hàng đầu thế giới". Suốt thời ấy, Mỹ sử dụng Iran và Shah Pahlavi làm tiền đồn chống Liên Xô và lực lượng tiên phong chống chủ nghĩa cộng sản.

Chỉ như thế thôi đủ để thấy Mỹ cay đắng như thế nào khi cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran thành công và Nhà nước Hồi giáo Iran được thành lập. Chính sách thù địch dai dẳng của Mỹ đối với Iran là bằng chứng cho thấy Mỹ đến hiện tại vẫn chưa nguôi ngoai tâm trạng ấy.

Iran hiện tại vẫn là một trong những thất bại chiến lược của Mỹ ở khu vực này. Mỹ đã không những không lật ngược được tình thế ở Iran mà còn không thể ngăn cản được Iran vươn lên trên mọi phương diện trở thành một cường quốc chính trị và quân sự khu vực.

Bất chấp mọi biện pháp chính sách bao vây, cấm vận và trừng phạt của Mỹ, bất chấp Mỹ có được cả nhiều tập hợp lực lượng khác nhau ở khu vực cùng đối phó Iran, Iran vẫn trở thành thách thức và đối thủ đáng gờm nhất của Mỹ và của các đồng minh của Mỹ về chính trị và quân sự ở khu vực.

Sau bốn thập kỷ, Mỹ và đồng minh hiện còn tiếp tục gây khó khăn cho Iran nhưng rõ ràng không thể bất chấp Iran mà vẫn có thể thực hiện được những lợi ích và mưu tính chiến lược ở khu vực này. Sau khi vấn đề Syria được giải quyết và Iraq được bình ổn, diễn biến tình hình chính trị an ninh ở khu vực này trong thời gian tới sẽ xoay quanh chủ yếu mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh với Iran.

"Ngòi nổ" hàng loạt biến cố

Cùng với sự ra đời của nhà nước Hồi giáo Iran, sự phân hoá trong nội bộ thế giới Hồi giáo cũng gia tăng và cuộc ganh đua ảnh hưởng, vị thế trong thế giới Hồi giáo giữa dòng Sunni và dòng Shi-ite trở nên công khai và càng thêm quyết liệt, hiện thân cụ thể ở cuộc đối địch giữa Iran với Ả rập Xê út cùng một vài vương triều khác ở vùng Vịnh.

40 năm Nhà nước Hồi giáo Iran: Nỗi cay đắng của Mỹ và ngòi nổ thế giới Hồi giáo - Ảnh 3.

Những bài viết cùng tác giả

Nhìn lại lịch sử khu vực này trong 40 năm qua, những biến cố quyết định nhất xảy ra từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran đều có liên quan đến Iran: chuyện sinh viên Iran chiếm đại sứ quán Mỹ ở Tehran và bắt nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin, cuộc chiến tranh giữa Iraq và Iran mà Mỹ hậu thuẫn Iraq - thời tổng thống Iraq Saddam Husein, hai cuộc chiến tranh của Mỹ ở vùng Vịnh, Mùa xuân Ả rập, cuộc chiến ngoại giao của Ả rập Xê út và đồng minh nhằm vào Qatar, Israel tấn công quân sự Hizbollah ở Lebanon, Hamas ở dải Gaza và không kích Syria, cuộc chiến tranh của Ả rập Xê út và liên quân ở Yemen, và rồi vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran.

Cách đây 40 năm, chắc chắn chẳng có ai dám tiên liệu là khu vực này rồi đây biến động như thế. Nhưng hiện tại lại có thể dự đoán được là trong thời gian không hề ngắn sắp tới, khu vực này chưa thể đi vào yên bình và ổn định, chưa thể có hoà giải và hợp tác - nếu như không muốn nói là xung khắc lợi ích và đối địch còn gia tăng thêm.

Và điều cũng có thể chắc chắn được là ảnh hưởng của Mỹ chỉ có thể giảm đi chứ không thể được như thời xưa.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại