Bộ trưởng GDĐT chỉ đạo "nóng" vụ học sinh kém không được vào lớp

Huyên Nguyễn |

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo một tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay sự việc một số trường học ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi.

Như Lao Động đã đưa tin, trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi TP.Hải Phòng cấp tiểu học, tại một số trường, chỉ có những học sinh khá giỏi mới được chỉ định đi học, một số học sinh học tập chưa tốt phải ở nhà. Sự việc diễn ra khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Ngày 12.1, tin từ Bộ GDĐT cho biết, ngay sau khi có thông tin trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có chỉ đạo nóng. 

Theo đó, một tổ công tác đã ngay lập tức kiểm tra sự việc để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, đồng thời làm căn cứ cho việc sửa đổi Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20.7.2010 Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo Bộ GDĐT, thời gian qua, để giảm áp lực của đội ngũ giáo viên từ quy định hồ sơ, sổ sách tới một số hội thi, cuộc thi giáo viên giỏi thiếu thiết thực và hiệu quả, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ tổ chức kiểm tra, rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên và tình hình thực tế tại các địa phương để làm căn cứ cho việc chỉnh sửa, bổ sung các quy định đã cũ, không còn phù hợp.

Hiện nay, Bộ đang trong quá trình rà soát, sửa đổi Thông tư 21 theo hướng thiết thực, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học có chất lượng; khắc phục triệt để việc áp dụng các quy định một cách máy móc, hình thức, gây lãng phí và tạo áp lực cho giáo viên.

Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng đang tích cực rà soát để cắt giảm các quy định về sổ sách, hồ sơ của giáo viên và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, Bộ GDĐT cũng sẽ có những điều chỉnh về tiêu chí thi đua trong năm 2019 để bảo đảm thực chất, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục.

Trước đó, trong chuyến công tác lắng nghe tâm tư nguyện vọng của giáo viên tỉnh Yên Bái cuối năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ: "Các cuộc thi, hội thi dạy giỏi cũng đang gây áp lực lớn cho giáo viên. Nhiều cuộc thi mang tính hình thức. 

Thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, thiết thực chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu. Từ năm ngoái, Bộ đã cắt giảm rất nhiều cuộc thi rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại