Người vợ bị tố nhốt chồng trong lồng sắt nhiều năm có vi phạm pháp luật?

Hoàng Hải |

Theo quan điểm của luật sư, hành vi nhốt ông Năm trái ý muốn, hạn chế tiếp xúc, gây khó khăn trong sinh hoạt dù với bất cứ động cơ mục đích gì đều vi phạm pháp luật.

Sau khi nhận được đơn thư của ông Lê Văn Nhung (SN 1959, trú tại thôn Tân Thành, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân) tố em trai là Lê Văn Năm (SN 1967, trú tại cùng địa chỉ) bị vợ là bà Phạm Thị N. cùng con trai nhốt trong lồng sắt đặt trong nhà riêng suốt một thời gian dài Công an huyện Thọ Xuân đã tiến hành xác minh vụ việc.

Đến tối ngày 5/1/2019, cơ quan chức năng phối hợp đưa ông Năm ra khỏi lồng sắt tại nhà riêng và bàn giao cho người thân (là người anh trai ruột) đưa về nhà chăm sóc.

Câu chuyện trên sau khi được báo chí đăng tải đã gây xôn xao dư luận. Bên cạnh đó, nhiều người đặt ra câu hỏi những người thân đã nhốt ông Năm trong lồng sắt có vi phạm pháp luật?

Để giải đáp thắc mắc trên, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội.

Theo quan điểm của Luật sư Thơm: Đây là vụ việc xảy ra trong quan hệ gia đình. Nếu có căn cứ xác định người vợ cùng con trai đã có hành vi nhốt ông Lê Văn Năm trái ý muốn, hạn chế tiếp xúc, gây khó khăn trong sinh hoạt thì dù với bất cứ động cơ mục đích gì (cai nghiện rượu, ma túy,…) đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Đây được xem là hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại về thể chất, tinh thần đối với thành viên trong gia đình.

"Hành vi giam hãm ông Năm, ngăn cản tiếp xúc với xã hội được thực hiện suốt trong một thời gian dài là biểu hiện của sự hành hạ người khác đã có dấu hiệu phạm "Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình" theo quy định tại Điều 185 BLHS 2015.

Tuy nhiên, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, thì hành vi hành hạ phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người vi phạm đã từng bị xử phạt về hành vi này nhưng tiếp tục tái phạm...". Luật sư Thơm nêu quan điểm.

Theo Luật sư Thơm: Hậu quả nghiêm trọng đối với tội này được hiểu là làm cho người bị nhốt luôn giày vò về mặt tinh thần, sỉ nhục về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị hành hạ gây thương tích hây gây tổn hại cho sức khỏe từ 10% trở xuống hoặc gây bất bình trong dư luận xã hội.

Xét trong vụ việc này thấy, ông Lê Văn Năm chưa bị thiệt hại gì nghiêm trọng về sức khỏe, hàng ngày vẫn được vợ con chăm sóc nên nếu có căn cứ xác định có việc giam giữ nhốt ông Năm trái ý muốn, hạn chế sinh hoạt thì cũng cần thiết phải xử phạt hành chính theo Điều 50 Nghị định 167/2013.

Đồng thời yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Duy Đào, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa cho biết: Từ trước tới nay, chính quyền địa phương không biết việc ông Năm bị vợ nhốt trong lồng sắt cho tới khi nhận được đơn tố cáo của ông Nhung vào ngày 3/1.

Sau khi nhận được thông tin, xã đã báo cáo UBND huyện và Công an huyện Thọ Xuân để cùng vào cuộc xử lý.

Hiện ông Lê Văn Năm chưa có tiền án, tiền sự và cũng không nằm trong hồ sơ quản lý nghiện ma túy của địa phương.

Sau nhiều ngày tuyên truyền vận động, bà N. mới chịu mở cửa để cơ quan chức năng vào nhà làm việc, giải cứu ông Năm và đưa về nhà ông Nhung chăm sóc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại