2 sự kiện chấn động thế giới của Liên Xô: Bẻ gãy âm mưu của Hitler; khiến Mỹ "sợ lạnh gáy"

Trang Ly |

Trước khi thế kỷ 20 kết thúc, Liên Xô trải qua những sự kiện lớn, góp phần làm thay đổi lịch sử thế giới.

Trước khi kết thúc thế kỷ 20, lịch sử thế giới đã có nhiều đổi thay với những diễn biến lịch sử diễn ra tại Liên Xô. Từ việc giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại đến chuyến bay đầu tiên trong lịch sử nhân loại ra ngoài quỹ đạo Trái Đất do phi hành gia Yuri Gagarin thực hiện trên con tàu Phương Đông 1.

Xét ở nhiều góc độ khác nhau, tất cả đều có sức ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển của lịch sử thế giới. Cụ thể ảnh hưởng đó là gì, tác giả Alxey Timofeychev của tờ RBTH sẽ phân tích trong bài viết sau:

2 sự kiện chấn động thế giới của Liên Xô: Bẻ gãy âm mưu của Hitler; khiến Mỹ sợ lạnh gáy - Ảnh 1.

Tháng 12/1940, trong bối cảnh Thế chiến II (1939 - 1945) đang diễn ra ác liệt, trùm phát xít Đức Adolf Hitler phát động chiến dịch mang mật danh Barbarossa nhằm xâm lược và thôn tính Liên Xô, hòng loại bỏ mối đe dọa mà tay trùm phát xít nghi ngờ từ nhà cung cấp dầu của mình, bất chấp "Hiệp ước bất tương xâm" mà hai nước từng ký kết ngày 23/08/1939.

Sáng sớm ngày 22/6/1941, Hitler triển khai chiến dịch được ghi nhận có quy mô lớn nhất về quân số tham chiến trong lịch sử nhân loại, với 150 sư đoàn; 3,2 triệu lính Đức; 3,3 nghìn xe tăng; 2,5 nghìn máy bay cùng 7,1 nghìn khẩu pháo.

2 sự kiện chấn động thế giới của Liên Xô: Bẻ gãy âm mưu của Hitler; khiến Mỹ sợ lạnh gáy - Ảnh 2.

Trùm phát xít Đức Adolf Hitler phát động chiến dịch mang mật danh Barbarossa ngay từ năm 1940. Nguồn: The Atlantic

Đội quân quy mô của Hitler trải rộng trên một vùng rộng hơn 3.200km nhanh chóng "chọc thủng" biên giới và tràn vào lãnh thổ Liên Xô. Thực hiện theo kế hoạch do Hitler đề ra, quân Đức chia làm 3 mũi nhằm chiếm đóng những khu vực trọng yếu của Liên Xô: Nhóm quân phía Bắc sẽ tràn vào vùng Baltic và đánh chiếm Leningrad. Nhóm quân trung tâm có nhiệm vụ chiếm đóng thủ đô Moskva. Đoàn quân phía Nam sẽ tấn công các khu trung tâm nông nghiệp của Ukraine và chiếm nhiều mỏ dầu tại Caucasus (Kavkaz).

Tính đến tháng 12/1941, sau 6 tháng không ngừng đánh chiếm Liên Xô, quân Đức đã chiếm được nhiều vùng kinh tế quan trọng của Liên Xô, tổng diện tích đánh chiếm là 1,2 triệu km2 với hơn 75 triệu người.

Khi quân Đức tràn vào lãnh thổ Liên Xô ngày 22/6/1941, ngày 3/7/1941, Tổng Bí thư Iosif Vissarionovich Stalin hiệu triệu toàn dân Liên Xô tham gia vào cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại nhằm chống lại Đức Quốc xã và các đồng minh của chúng ở Mặt trận Phía đông.

Kết quả, có 190 sư đoàn; 5,5 triệu quân lính; 3,7 nghìn xe tăng; 4,9 nghìn máy bay cùng hơn 47 nghìn khẩu pháo và súng cối đã được Liên Xô triển khai nhằm chống lại quân Đức.

Cuối tháng 1/1942, quân Đức nhận thất bại cay đắng sau đợt tấn công hòng đánh chiếm Moskva. Thất bại dưới tay Hồng quân Liên Xô khiến quân Đức không còn đủ sức tổ chức một đợt tổng tấn công nào khác trên các mặt trận. Đây là bước ngoặt khiến cho chiến dịch Barbarossa của Hitler nhanh chóng phá sản.

Để giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, Liên Xô phải trả một cái giá nặng nề: 27 triệu công dân Liên Xô đã bị giết và nhiều thành phố bị phá hủy nặng nề.

Việc quân Đức bị đẩy lùi sau chiến dịch Barbarossa đã làm suy yếu sức mạnh của phát xít Đức cũng như phe Trục trong khuôn khổ Thế chiến II. Vài tháng sau, Đức đầu hàng quân Đồng Minh, chịu nhận thất bại trong cuộc chiến tranh thế giới kéo dài 6 năm.

2 sự kiện chấn động thế giới của Liên Xô: Bẻ gãy âm mưu của Hitler; khiến Mỹ sợ lạnh gáy - Ảnh 3.

Gần 6 thập kỷ đã trôi qua nhưng sự kiện ngày 12/4/1961 năm đó trở thành dấu mốc không thể quên trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại. 

9 giờ sáng ngày 12/4, nhà du hành vũ trụ người Liên Xô Yuri Gagarin cùng con tàu Phương Đông 1 (Vostok 1) đã thoát khỏi trọng lực của Trái Đất, tiến thẳng ra ngoài vùng không gian rộng lớn, để sải cánh vòng quanh Trái Đất trong sứ mệnh bay kéo dài 108 phút huyền thoại.

Người hùng vũ trụ trẻ tuổi ấy nhanh chóng trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, trở thành "sứ giả" mang giấc mơ ngàn đời của nhân loại chạm đến hiện thực, thỏa mãn khát vọng thông hiểu của loài người bấy lâu này ngoài vũ trụ xa xôi.

2 sự kiện chấn động thế giới của Liên Xô: Bẻ gãy âm mưu của Hitler; khiến Mỹ sợ lạnh gáy - Ảnh 4.

Nhà du hành vũ trụ người Liên Xô Yuri Gagarin (1934 - 1968). Nguồn: Sputnik

Tại sao Liên Xô là quốc gia đầu tiên trên thế giới mở ra cuộc chạy đua vũ trụ để rồi nhờ thế, bản thân họ nói riêng và các quốc gia nói chung về sau đã có những thành tích khó quên trong hành trình khám phá vũ trụ?

Cũng trở lại những năm của thập kỷ 1920. Nếu xét dưới góc độ khoa học, Đức là những người "có công" đầu tiên trong việc tạo nền móng cho cuộc đua vào vũ trụ, bởi chính họ là những người đầu tiên thí nghiệm tên lửa đẩy* vào những năm 1920.

Đến năm 1942, Đức sản xuất và phóng thử thành công tên lửa đạn đạo A4 (còn có tên là tên lửa V2). Đây là tên lửa đầu tiên đạt đến không gian. 

Khi Chiến tranh Thế giới 2 dần đi vào hồi kết, cả Mỹ và Liên Xô đều muốn có được những nghiên cứu về công nghệ tên lửa của người Đức. Cả Liên Xô, Anh và Mỹ đều nắm trong tay thành công nhất định trong việc chế tạo tên lửa sau này.

2 sự kiện chấn động thế giới của Liên Xô: Bẻ gãy âm mưu của Hitler; khiến Mỹ sợ lạnh gáy - Ảnh 6.

Năm 1942, Đức sản xuất và phóng thử thành công tên lửa đạn đạo A4. Nguồn: National Geographic

Chiến tranh Thế giới 2 kết thúc, hai nước Liên Xô và Mỹ từng thuộc quân Đồng Minh chống lại phe Trục nay lại bước vào cuộc chiến mới - Chiến tranh Lạnh. 

15 năm đầu của cuộc chiến không đổ máu kéo dài 4 thập kỷ này chứng kiến cuộc "so găng" quyết liệt của hai cường quốc trong nhiều lĩnh vực, trong đó không thể kể đến cuộc đua vào vũ trụ mà người Liên Xô "dẫn dắt" người Mỹ bước vào sau sự kiện phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử nhân loại - Vệ tinh Sputnik ngày 4/10/1957.

Tuy nhiên, phải đến khi phi hành gia Yuri Gagarin trở về Trái Đất sau khi hoàn thành sứ mệnh vòng quanh Trái Đất trong 108 phút thì người Mỹ mới bắt đầu lo sợ thực sự và buộc tổng thống đương thời phải bắt tay vào chiến dịch mang tầm cỡ quốc gia nhằm đưa người lần đầu tiên đổ bộ lên Mặt Trăng.

Xét dưới góc độ tiến bộ khoa học và phát triển trong lịch sử nhân loại, Chiến tranh Lạnh mang đến cho nhân loại rất nhiều thanh tựu, đặc biệt là thành tựu về khám phá vũ trụ. Không khó để minh chứng cho nhận định này.

8 năm sau khi người Liên Xô thực hiện chuyến bay lịch sử ra ngoài vũ trụ, người Mỹ cũng hoàn thành sứ mệnh có 1-0-2 của mình: Đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng. Ngày 20/7/1969 có lẽ dấu mốc chói lọi nhất trong lịch sử du hành không gian của Mỹ và Neil Armstrong chính là người hùng giúp Mỹ lấy lại thế cân bằng với người Liên Xô.

Sử gia đặt câu hỏi, nếu như không có Liên Xô đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho việc khám phá vũ trụ, rồi đến người Mỹ vốn không chịu nhìn đối thủ của mình ở thế thượng phong mà nỗ lực về sau, thì tiến trình khám phá không gian của loài người sẽ đi về đâu?

Dẫu biết, khát vọng thông hiểu vũ trụ, khát vọng hiểu về nguồn gốc của sự sống và sự hình thành kỳ diệu của hành tinh xanh này, sẽ tất yếu đưa đến những thành tựu mà loài người phát triển cùng với sự chuyển mình của kỹ thuật và thời đại mới. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là ở thời điểm.

Chiến tranh Lạnh chính là thời điểm để Mỹ và Liên Xô chạy đua với nhau. Chạy đua vũ trang, chạy đua vào vũ trụ chính là dấu hiệu đôi bên thống trị về kỹ thuật, khoa học và kinh tế. Nhờ đó, lịch sử nhân loại được chứng kiến những thành tựu thực sự khó quên!

2 sự kiện chấn động thế giới của Liên Xô: Bẻ gãy âm mưu của Hitler; khiến Mỹ sợ lạnh gáy - Ảnh 8.

Chú thích

*Tên lửa đẩy (còn gọi là tên lửa vũ trụ) là loại tên lửa đạn đạo để đưa các tàu vũ trụ hoặc vệ tinh nhân tạo vào quỹ đạo quanh Trái Đất; hoặc tiến hành du hành vũ trụ đến các hành tinh trong phạm vi Hệ Mặt Trời hoặc xa hơn nữa.

Bài viết sử dụng nguồn: RBTH (Nga), History.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại