8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019

Gia Cuong |

2 gã khổng lồ nghìn tỷ đầu tiên của nước Mỹ, hành trình phục thù kéo dài 8 năm của Microsoft và “kỷ lục” đáng quên của Microsoft là những điểm nhấn cho năm 2018 đầy bão tố của thế giới công nghệ.


8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 1.
8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 2.

Nếu ai đó còn nghi ngờ quyền lực tuyệt đối của các công ty công nghệ lên nền kinh tế Mỹ cũng như nền kinh tế toàn cầu thì sự kiện ngày 2/8/2018 sẽ khiến họ phải suy nghĩ lại: sau báo cáo tài chính đặc biệt thành công cho quý 2, Apple đã chính thức trở thành công ty đầu tiên chạm mốc nghìn tỷ đô. 

Trước đó, bất chấp mức giá đắt đỏ, bất chấp sự kiện iPhone mới đã đến gần – và bất chấp cả sức công phá mạnh mẽ từ những mẫu Android đầu bảng 2018, chiếc iPhone X vẫn đủ sức hấp dẫn để giữ vững ngôi vị smartphone bán chạy nhất thế giới.

Kỳ vọng to lớn này đưa Apple tiếp tục cán mốc 1,1 tỷ USD chỉ 1 tháng sau đó. Và, trong cùng một ngày Apple vươn lên đỉnh cao mới, Amazon – đế chế thương mại điện tử của tỷ phú Jeff Bezos, cũng trở thành gã khổng lồ công nghệ thứ hai đạt đến cột mốc nghìn tỷ. Như thế, trong 1 tháng, nước Mỹ đã có tới 2 gã khổng lồ nghìn tỷ đầu tiên, và cả 2 đều đến từ khối công nghệ.

8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 3.

Nhưng bay cao thì ngã cũng đau. Tháng 10, “đánh hơi” được các dấu hiệu ngừng tăng trưởng đã đến gần, các nhà đầu tư bỗng dưng bán tháo cổ phiếu công nghệ. Nỗi lo sợ của họ trở thành hiện thực khi tất cả các công ty lớn trong nhóm FAANG (Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google) đều công bố kết quả dưới mức mong đợi cho quý 3. 

Tính đến ngày 20/11, 5 ông lớn này đã mất tổng cộng 1 nghìn tỷ đô so với mức trị giá thị trường cao nhất trong vòng 52 tuần đổ lại.

8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 4.

Con số nghìn tỷ “bay hơi” có một ý nghĩa đặc biệt nghiêm trọng với các nhà đầu tư: từ lâu, nhóm FAANG đã được coi là nhóm cổ phiếu công nghệ đáng mua nhất, hấp dẫn nhất của nước Mỹ. May mắn thay, nước Mỹ vẫn còn một gã khổng lồ không nằm trong nhóm này: Microsoft.

8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 5.

Như một trò đùa của số phận, khi FAANG sụt giảm thì Microsoft lại bay cao. Từ quý này sang quý khác, Microsoft lại liên tục công bố những con số trong mơ đến từ mảng dịch vụ đám mây. 

Kết thúc quý 3/2018, tổng doanh thu đám mây của Microsoft thậm chí còn vượt mặt Amazon, kẻ đã luôn làm chủ thị trường cloud trong suốt một thập kỷ qua. Kết quả là đến cuối tháng 10, khi Amazon mất tới 250 tỷ USD trị giá, Microsoft cũng vượt mốc 850 USD và thế chỗ công ty của Jeff Bezos ở vị trí số 2 thế giới.

Một tháng sau, ngày 28/11, Microsoft hoàn tất cuộc phục hận của mình với một đối thủ truyền kiếp khác. Kết thúc phiên giao dịch, Microsoft đạt 851 tỷ USD còn Apple chỉ còn lại vỏn vẹn 847 tỷ USD.

 Dẫu rằng cuộc đấu của 2 gã khổng lồ này vẫn đang diễn ra một cách gay gắt, sự kiện lật đổ của tháng 11 đã đem đến một thông điệp quan trọng: Microsoft đã thực sự trở lại thành một thế lực thống trị.

8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 6.
8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 7.

May mắn cho Apple là trước khi khi khép lại năm 2018 bằng 3 mẫu iPhone không mấy ấn tượng, Apple đã có một năm quá thành công với iPhone X.

 Trong suốt những quý lên kệ, chiếc iPhone này đã luôn giữ vững vị trí bán chạy số 1 thế giới, giữ cho giá bán trung bình iPhone luôn ở trên mức 700 USD và đảm bảo vị thế thống trị tuyệt đối của Apple trong phân khúc cao cấp.

Sức ảnh hưởng của Apple lên thế giới smartphone vì thế lại càng được thể hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Ngoại trừ Samsung và Sony, gần như bất kỳ một nhà sản xuất Android nào khác cũng đều ra mắt smartphone có màn hình “tai thỏ”. 

Một thiết kế không hoàn hảo, bị Apple ra mắt chỉ vì không thể tìm ra giải pháp cho cụm camera trước, bỗng dưng đã trở thành biểu tượng của năm 2018.

8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 8.

May mắn là iPhone X không chỉ hướng cả thế giới lên tai thỏ. Khi Apple nỗ lực đẩy mạnh AI trên iPhone X, các nhà sản xuất Android Trung Quốc cũng nỗ lực đáp trả bằng một số tính năng AI đơn giản như nhận diện cảnh vật hoặc tối ưu hiệu năng bằng thuật toán máy học.

 Ở vị thế là thương hiệu số 1 thế giới, Samsung cũng mang đến đóng góp riêng cho trào lưu AI: Galaxy Note9 có khả năng nhận diện khung hình bị ngược sáng, nhận diện ảnh có người chớp mắt hay thậm chí là nhận diện... lens đang bị bám bẩn.

Dù vậy, ngôi vương của lĩnh vực AI trên smartphone vẫn tiếp tục thuộc về kẻ dẫn đầu của năm ngoái. Khi iPhone XR vừa mới học được cách chụp bokeh trên camera đơn của Pixel 2, Google đã kịp vén màn Pixel 3 với khả năng zoom số như... zoom quang học.

8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 9.
8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 10.

2018 có thể coi là năm của smartphone tai thỏ, nhưng thật đáng ngạc nhiên, trong một năm ngập tràn sự copy, smartphone Trung Quốc lại đang cho thấy những nỗ lực đầu tiên để thoát ra khỏi cái bóng của Apple.

Đầu tiên và đáng chú ý nhất trong số đó có lẽ là Vivo Apex. Từng là một hãng smartphone mù quáng chạy theo thiết kế nhà Táo, Vivo năm nay đã gây sốc khi vượt mặt cả Apple để tạo ra chiếc smartphone “toàn màn hình” đầu tiên bằng cách giấu camera dưới một cơ chế thò thụt. 

Bắt nguồn từ sản phẩm mẫu này, Vivo/OPPO vén màn 2 sản phẩm đầu bảng là Vivo NEX và OPPO, hoàn thiện ý tưởng camera cơ học và đồng thời đánh thẳng vào phân khúc giá cao cấp vốn do Apple và Samsung ngự trị từ lâu. 

Đến tháng 12 vừa qua, Vivo còn vén màn thêm cả một sản phẩm mẫu với 2 màn hình, cho thấy quyết tâm xây dựng lại tên tuổi với những nét riêng mà Apple có lẽ sẽ không bao giờ có được.

8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 11.

Xiaomi không đứng ngoài cuộc. Cho dù Mi 8 vẫn là một bản sao iPhone đúng nghĩa, Xiaomi cũng đã bộc lộ những tham vọng tầm cao đầu tiên khi vén màn Mi 8 EE với lớp vỏ “giả linh kiện” đặc biệt. Đến cuối năm, Xiaomi vén màn thêm Mix 3 nắp trượt và Black Shark 2 dành cho game thủ. 

Tất cả những sản phẩm đáng thèm muốn nhất của Xiaomi đều khởi điểm ở mốc 500 USD tại quê nhà Trung Quốc, cho thấy Hạt Gạo Nhỏ đã sẵn sàng vươn lên những mức giá lớn để cạnh tranh trực diện với Apple và Samsung.

Nhưng ấn tượng hơn cả sẽ là Huawei. Kết thúc quý 2, gã khổng lồ Trung Quốc bán được 54 triệu smartphone, cao hơn đáng kể so với 41 triệu iPhone bán ra cùng kỳ. Với thành tựu này, Huawei đã chiếm vị trí số 2 thế giới khỏi tay Apple, một thành tựu mà gã khổng lồ Trung Quốc có lẽ sẽ giữ vững đến hết năm 2018.

8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 12.
8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 13.

Năm 2018 quả thật đã chứng kiến AI bùng nổ trên smartphone, nhưng đáng tiếc rằng trong những lĩnh vực khác, trí tuệ nhân tạo lại đang gặp phải rất nhiều tranh cãi gay gắt. Ngày 18/3, xe tự lái của Uber đâm chết người qua đường.

Ngày 23/3, một chiếc Tesla gặp nạn khi đang hoạt động ở chế độ Autopilot khiến cho tài xế thiệt mạng. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, đã có tới 2 người thiệt mạng trong những vụ tai nạn có dính dáng đến AI trên xe hơi.

Đến tháng 7, một tài liệu bị rò rỉ từ nội bộ IBM cho thấy “niềm tự hào” Watson thường xuyên đưa ra các gợi ý điều trị ung thư “không an toàn và sai lệch”. Cuối tháng đó, Amazon bị một phen bẽ mặt khi dịch vụ nhận diện khuôn mặt của hãng này nhận diện 28 Thượng Nghị Sĩ thành... tội phạm. 

Trong suốt cả năm, tranh cãi nổ ra liên tiếp giữa các công ty lớn như Google, Microsoft, Amazon và chính nhân viên của họ về vấn đề triển khai AI cho các tổ chức quân sự/quốc phòng.

8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 15.

2018 không phải là không có thành tựu nào về AI. Thú vị nhất, OpenAI của Elon Musk đã đánh bại các nhà vô địch DOTA2 và SDS của Samsung đã chiến thắng trong giải đấu Starcraft quy tụ cả Facebook và ĐH Stanford. 

Thế nhưng, “đi kèm với quyền lực lớn là trách nhiệm lớn”, và năm 2018 quả thật là năm buộc người ta phải nghĩ sẽ phải sử dụng AI thế nào cho thực sự “trách nhiệm”.

8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 16.

Thua Starcraft trước AI của Samsung chắc chắn không phải là nỗi lo lớn nhất của Mark Zuckerberg vào lúc này. Bắt đầu từ tháng 3, các tờ báo lớn bắt đầu đăng tải thông tin cho thấy Facebook đã bán dữ liệu cá nhân của người dùng cho một công ty chuyên thao túng chính trị mang tên “Cambridge Analytica”. 

Chính quyền Mỹ buộc phải tham gia điều tra, trào lưu phản đối Facebook nổ ra trên toàn cầu và chỉ trong vòng vài ngày, Facebook “bay hơi” 100 tỷ USD trị giá vốn hóa.

8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 17.

May mắn cho Facebook là khi CEO Mark Zuckerberg điều trần trước Thượng Viện Mỹ vào ngày 10/4, các Thượng Nghị Sĩ tỏ ra hoàn toàn… thiếu hiểu biết về vấn đề quyền riêng tư. Cổ phiếu của mạng xã hội số 1 hành tinh dần dần bình ổn cho đến tháng 7, khi bộ sậu Mark Zuckerberg thừa nhận rằng Facebook sẽ không thể tiếp tục tăng trưởng “nóng” được nữa.

 Tuyên bố này khiến Facebook buộc phải lập một kỷ lục bất đắc dĩ: bay hơi tới 120 tỷ USD vốn hóa trong một ngày (bao gồm 15 tỷ USD trong khối tài sản của Zuckerberg).

Chỉ từng đó thôi đã là quá buồn, nhưng trong tháng 9 Facebook còn tiếp tục để mất 2 nhà sáng lập Instagram, trong đó có một người ám chỉ “Bạn không từ bỏ công việc khi mọi thứ còn đang tuyệt vời”.

Kết hợp tất cả những sự kiện này với 1 lần hack 30 triệu tài khoản, 1 bug để lộ 6,8 triệu người dùng, hàng loạt các cáo buộc liên quan tới thao túng bầu cử và cả scandal bôi nhọ nhà tài phiệt George Soros, Mark Zuckerberg đã có một năm tồi tệ nhất trong lịch sử.

8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 18.
8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 19.

Ai buồn được như Mark Zuckerberg? Câu trả lời: các nhà đầu tư tiền số. Sau một năm 2017 quá bùng nổ, ngay từ đầu tháng 1 một loạt các đồng tiền số đã cùng nắm tay nhau lao dốc.

 Từ ngày 6/1 đến ngày 6/2, Bitcoin – “anh cả” của làng tiền số đã mất tới 65%. Đến tháng 9, thị trường tiền số mất 80% giá trị tính từ mức đỉnh của tháng 1, thậm chí còn vượt cả mức “bay hơi” 78% của thảm họa Dot-com hơn 2 thập niên trước.

Tiền ảo cũng kéo theo những nạn nhân bất đắc dĩ. Bitmain, công ty sản xuất thiết bị đào tiền vươn lên từ Bitcoin đã phải đóng cửa trung tâm phát triển tại Israel khiến 23 nhân viên mất việc làm. 

Telegram, dịch vụ nhắn tin an toàn từng định ICO đã buộc phải hủy bỏ kế hoạch do lo ngại bị chính phủ các nước điều tra. Ngay trong quý đầu năm, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ SEC đã gửi đi hàng chục giấy triệu tập tới các công ty đã, đang và sẽ ICO tại thời điểm đó.

8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 20.

Thê thảm nhất, NVIDIA, thế lực đã vươn lên mạnh mẽ cùng Bitcoin, đã để mất tới một nửa giá trị thị trường. Quá thất vọng với doanh thu suy giảm vì tiền số, NVIDIA đã phải trở lại tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi của mình và ra mắt dòng card mới với tính năng “ray tracing” cho phép tạo ra hiệu ứng đổ sáng “như thật” trong game.

 Đáng tiếc rằng dòng card mới vẫn không thể giúp NVIDIA tránh được doanh thu èo uột cho quý 3 hay các dự đoán ảm đạm cho quý 4, và kết quả là đến giờ cổ phiếu “team xanh” vẫn tiếp tục lao dốc.

8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 21.
8 dấu mốc bay cao và ngã đau của giới công nghệ 2018, điều số 3 sắp biến mất ngay đầu năm 2019 - Ảnh 22.

Năm 2018 ảm đạm của thế giới hi-tech vẫn có những tín hiệu đáng mừng cho tương lai của loài người. Kết thúc quý 3 vừa qua, Tesla bỗng dưng đạt lãi 300 triệu USD.

Đó không phải là một con số khổng lồ, đặc biệt là khi so sánh với khoản lợi nhuận tầm vóc hàng tỷ USD của Apple, Google, Microsoft hay Samsung. Thế nhưng, 300 triệu USD lại có một ý nghĩa vô cùng to lớn với Tesla: công ty xe điện tiền khởi này đã lần đầu tiên thoát lỗ. 

Từ chỗ là một cỗ máy đốt tiền để thắp sáng những ý tưởng cho tương lai, Tesla đã lột xác trở thành một công ty có tiềm năng kinh doanh cho tương lai.

Thành tựu này đi kèm với một bước ngoặt quan trọng: sản lượng Model 3 đã ổn định và doanh số đã lên tới mốc 56000 chiếc. 

Từng được coi là thử thách bất khả thi với chuỗi cung ứng của Tesla, mẫu sedan “giá mềm” này đã lột xác để trở nên... khả thi với công ty của Elon Musk. 6 năm sau khi chứng minh rằng Tesla có thể tạo ra những chiếc xe điện hấp dẫn, vị “Iron Man” đời thực đã tiến gần hơn tới một cột mốc cao cả: Tesla có thể tạo ra những chiếc xe điện giá hấp dẫn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại