Bị "ghẻ lạnh" gần 8 năm, vì sao Syria lại bất ngờ được các nước Ả rập nhiệt tình săn đón?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Sau tám năm "tẩy chay" chính quyền Damascus, các nước Ả Rập đang nối lại quan hệ và thảo luận đưa Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập (AL).

Các nước Ả Rập đang hoạt động tích cực nhằm bình thường hoá quan hệ với Syria

Tiếp theo chuyến thăm chính thức của Tổng thống Sudan Omar Al-Bashir đến Damascus ngày 16/12/2018, ngày 27/12/2018 Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã mở lại Đại sứ quán của mình tại Syria.

Các nước Ả Rập khác cũng đang nối lại quan hệ chính thức với Damascus. Tổng thống Mauritania Mohamed Ould Abdel Aziz, Tổng thống Iraq Burham Saleh sẽ thăm Syria đầu năm 2019.

Tunisia và Algeria đang phối hợp để đưa ra đề nghị dỡ bỏ quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syria tại AL. Ả Rập Saudi là nước ủng hộ mạnh nhất các lực lượng đối lập trong cuộc chiến nhằm lật đổ Tổng thống Bashar Al-Assad thì ngày 30/12/2018 cũng đã thông báo cho tất cả các nước Ả Rập rằng Riyadh "không ngăn cản" Syria trở lại AL.

Theo các nguồn tin Ả Rập cho biết, đến nay đã có 21/22 nước thành viên AL đồng ý khôi phục lại tư cách thành viên của Syria và vấn đề này có nhiều khả năng sẽ được định đoạt sớm trước Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này dự kiến họp vào tháng 3/2019 tại Tunisia.

Qatar là nước duy nhất còn đang do dự và theo cựu Đại sứ của Anh tại Syria Peter Ford thì nguyên nhân chính là do nước này có mối quan hệ rất chặt chẽ với Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) và cung cấp tài chính cho các chiến binh ở Idlib.

Bị ghẻ lạnh gần 8 năm, vì sao Syria lại bất ngờ được các nước Ả rập nhiệt tình săn đón? - Ảnh 1.

Tổng thống Sudan Omar Al-Bashir (phải) đến Damascus ngày 16/12/2018. Ảnh: EPA

Nhìn lại một chút về quá khứ thì đây là một thay đổi to lớn có tính toán của các nước Ả Rập trong bối cảnh mới. Tháng 11/2012, khi chính quyền Syria trấn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ, Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã tẩy chay chính quyền Damascus, ủng hộ tất cả các lực lượng đối lập vũ trang trong cuộc chiến nhằm lật đổ Tổng thống B. Al- Assad.

Cùng với việc ủng hộ các lực lượng đối lập về vũ khí và tài chính, các nước Ả Rập đã công nhận Liên minh dân tộc các lực lượng cách mạng và phe đối lập (National Coalition for Syrian Revolutionary and Opposition Forces gọi tắt là SNC) là người đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Syria.

Cũng trong tháng 11/2012, AL đưa ra cam kết ủng hộ SNC, đòi Tổng thống B. Al-Assad phải ra đi và coi đây là điều kiện tiên quyết cho bất cứ một giải pháp nào cho cuộc xung đột Syria.

Nay, việc nối lại quan hệ với Damascus trước khi đạt được giải pháp có nghĩa là các nước Ả Rập không còn đặt vấn đề về tính hợp pháp của chính quyền Syria và số phận của Tổng thống B. Al-Assad nữa.

Động cơ nào dẫn đến việc các nước Ả Rập nối lại quan hệ với Syria?

Tình hình khu vực Trung Đông nói chung và Syria nói riêng đang có nhiều thay đổi hết sức lớn lao.

Tại Syria, hơn 90% lãnh thổ đã được giải phóng, chính phủ của Tổng thống B. Al-Assad làm chủ tình hình và kiểm soát đất nước. Sau tám năm nội chiến ác liệt, bây giờ hoàn toàn có thể khẳng định được chính quyền và quân đội Syria đã đứng vững, các lực lượng đối lập đã thất bại về quân sự. Syria đang bước vào thời kỳ hậu chiến, mở ra giai đoạn mới cho một giải pháp chính trị.

Bị ghẻ lạnh gần 8 năm, vì sao Syria lại bất ngờ được các nước Ả rập nhiệt tình săn đón? - Ảnh 2.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã mở lại Đại sứ quán tại Syria. Ảnh: Reuters

Các cuộc đàm phán giữa chính phủ Syria và các lực lượng đối lập dưới sự bảo trợ của tam giác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran đang đạt được kết quả bước đầu trong các cuộc đàm phán Astana về việc thành lập Ủy ban Hiến pháp với sự tham gia của các phe phái tại Syria.

Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình hoà bình Syria, Nga-Thổ Nhĩ Kỳ- Iran sẽ tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh vào đầu tháng 1/2019 tại Moskva. Đức và Pháp cũng đang muốn tham gia vào tiến trình này. Nhiều nước đang chờ đợi để được tham gia vào công cuộc tái thiết Syria.

Trong khi đó, trước những thắng lợi trên chiến trường của quân đội Syria, Tổng thống D. Trump đã phải tuyên bố rút quân khỏi nước này. Đặc phái viên của Mỹ về Syria James Jeffrey tuyên bố Washington không tìm cách lật đổ chính quyền B. Al-Assad.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu nói Ankara sẵn sàng quan hệ với Tổng thống B. Al-Assad nếu được bầu lên một cách dân chủ. Các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức tỏ ra uyển chuyển hơn đối với chính quyền Damascus.

Trong khi đó, kế hoạch của chính quyền Tổng thống Trump dưới cái tên "Thỏa thuận thế kỷ" nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine đến nay vẫn bế tắc.

Kế hoạch của Washington nhằm thành lập một "NATO Ả Rập" nhằm chống Iran vẫn chỉ là ý tưởng nằm trên giấy.

Thực chất, thông qua hai kế hoạch này ông Trump muốn đánh lạc hướng các nước Ả Rập từ cuộc xung đột Ả Rập-Israel mà cốt lõi của nó là vấn đề Palestine, nguyên nhân chính gây tình trạng bất ổn tại Trung Đông sang cuộc xung đột chưa hiện hữu với Iran.

Nối lại quan hệ với Syria là phục vụ lợi ích của các nước Ả Rập

Mặc dù còn có một số ý kiến khác nhau nhưng nhìn chung dư luận các nước Ả rập và quốc tế đều cho rằng đây là bước đi cần thiết nhằm khôi phục lại tình đoàn kết giữa các nước Ả Rập trong tình hình mới.

Cựu Tổng Thư ký Liên đoàn Ả Rập Amru Mussa nói "các nước Ả Rập cần phải thảo luận đưa Syria sớm trở lại AL và cần phải được tham gia vào giải pháp cho cuộc xung đột Syria. Không thể nói về vai trò của AL trong khi lại đóng cửa đối với Syria".

Bị ghẻ lạnh gần 8 năm, vì sao Syria lại bất ngờ được các nước Ả rập nhiệt tình săn đón? - Ảnh 3.

Ông Sidqa Fadel, Giáo sư khoa Chính trị trường đại học Abdulaziz của Ả Rập Saudi phát biểu "các nước Ả Rập cần Syria vì Syria là tuyến đầu trong việc bảo vệ an ninh của cộng đồng các quốc gia Ả Rập".

Đã đến lúc các nước Ả Rập hiểu được rằng, những gì ông Trump làm kể từ khi bước vào Nhà Trắng đến nay không phải vì hoà bình, ổn định ở khu vực Trung Đông mà trước hết là tranh thủ tiền của các nước Ả Rập giàu có ở vùng Vịnh.

Chính Tổng thống Trump đã không giấu giếm tham vọng này khi nói với Thái tử Mohammed bin Salman "Ả Rập Saudi là nước rất giàu có, hy vọng sẽ chia sẻ cho Mỹ một phần bằng việc tạo công ăn việc làm cho nước Mỹ và mua vũ khí tốt nhất của Mỹ". Việc làm suy yếu Syria là hoàn toàn có lợi cho Irael.

Như vậy, thái độ của những người chơi chính trên bàn cờ Syria đã thay đổi căn bản.

Các nước Ả Rập không còn có sự lựa chọn nào khác tốt hơn là quan hệ với chính quyền Damascus và ông chủ của nó là Tổng thống B. Al-Assad. Syria là một trong những nước thành lập ra Liên đoàn Ả Rập năm 1945, là nước có vai trò và vị trí địa-chính trị rất quan trọng ở Trung Đông. Không thể hàn gắn được sự rạn nứt giữa các nước Ả Rập nếu không đưa Syria trở lại với đại gia đình Ả Rập.

Việc đưa Syria trở lại với cộng đồng Ả Rập hay các nước Ả Rập trở lại với Syria? Dù câu trả lời thế nào đi chăng nữa thì việc khôi phục lại tình anh em giữa những người Ả Rập sẽ phục vụ lợi ích của dân tộc Ả Rập, trước mắt sẽ góp phần tìm ra một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột, xây dựng lại đất nước Syria bị tàn phá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại