Ẩn ý nguy hiểm về chính phủ Mỹ của TT Trump sau bức ảnh "gây bão mạng" ở Nhà Trắng

Thi Anh |

Tổng thống Trump sử dụng những sản phẩm đông lạnh được sản xuất hàng loạt để khẳng định rằng chính phủ Mỹ là dư thừa.

Bức ảnh viral

Hương vị không phải mối bận tâm hàng đầu đối với buổi tiệc thết đãi mà Nhà Trắng đã tổ chức cho các thành viên của đội bóng Clemson Tiger hồi đầu tuần. Thay vào đó là hình ảnh - những suất ăn từ McDonald's, Wendy's, Burger King và Domino's được bọc gói theo nhãn hiệu và xếp đầy ắp trên các khay bạc, các gói sốt chấm thì được đặt trong hũ gia vị.

Bức chân dung của Lincoln nhìn xuống khung cảnh đó và nhìn xuống người đàn ông đã "nhận công" tổ chức - đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là một cảnh tượng đặc kiểu Trump, hình ảnh của nó nhằm mục đích thu hút sự chú ý và tạo lan tỏa (viral).

Tổng thống Mỹ đã mời các thành viên trong nhóm truyền thông tới phòng ăn của Nhà Trắng trước khi khách mời dùng bữa để chụp ảnh và quay video hình ảnh chiếc bàn ăn, để biến một sự kiện thông thường của Nhà Trắng - tưởng thưởng đội thể thao bằng một cuộc gặp với Tổng thống - thành một thứ gì đó đáng chú ý.

Hình ảnh Tổng thống Trump làm chủ bữa tiệc trước hàng chồng burger gói trong hộp giấy nhanh chóng được chia sẻ chóng mặt. Ông Trump tỏ ra khá tự hào về chuyện đã bỏ tiền túi ra để mua những món ăn hiện đại ấy:

"Vì Chính phủ đóng cửa nên tôi đã mời họ số lượng Đồ ăn Nhanh khổng lồ (tôi trả tiền), hơn 1000 cái hamburger, vv. Chỉ trong 1 giờ, tất cả đã hết sạch. Những chàng trai tuyệt vời và ăn khỏe!", ông Trump đăng trên Twitter.

Ẩn ý của ông Trump

Bữa tối dành cho nhà vô địch nhưng chỉ có 1 kẻ thắng trong chuyện này: Sự kiện rất ít xoay quanh Clemson Tigers, mà phần nhiều lại là về người đàn ông đã đón tiếp họ tại tòa Bạch Ốc. Đây không chỉ là câu chuyện quyền lực của một chính trị gia mà còn cho thấy hạn chế của những người khác.

Lý do thực tế cho bữa tiệc này, như ông Trump đã nói, là do chính phủ đóng cửa một phần - tình trạng khởi phát từ ông Trump và chính ông không chịu kết thúc, dẫn tới việc cắt giảm nhân sự Nhà Trắng, những người đáng lẽ sẽ chuẩn bị một bữa tiệc sang trọng cho các khách mời danh giá.

Dù vậy, bữa tiệc còn có những hàm ý rộng và khôn ngoan hơn. Lẩn khuất quanh vụ đóng cửa chính phủ là những câu hỏi sâu xa về việc: Rốt cuộc Chính phủ Mỹ để làm gì và Chính phủ Mỹ có thể đạt được gì khi đại diện cho một quốc gia to lớn và sôi nổi?

Theo khía cạnh ấy, bữa tiệc của ông Trump thể hiện một luận điểm: Chính phủ Mỹ không quan trọng như một số người Mỹ vẫn nghĩ. Các cơ quan, cán bộ đang đại diện cho đất nước nỗ lực đều được đánh giá quá cao. Chính phủ đóng cửa nhưng dù thế vẫn có món burger cá phi-lê, và người ta ngờ rằng dù có đóng cửa chính phủ hay không thì vẫn có thể ăn tiệc.

Ẩn ý nguy hiểm về chính phủ Mỹ của TT Trump sau bức ảnh gây bão mạng ở Nhà Trắng - Ảnh 1.

Cầu thủ Clemson Tiger tại bữa tiệc ở Nhà Trắng. Ảnh Reuters

Donald Trump - Tổng thống internet

Bữa tiệc đồ ăn nhanh cũng tạo ra một luận điểm kiểu khác - về những cách mà truyền thông chính trị hoạt động trong thời đại của phép mô tả hình tượng gây lan truyền (viral iconography).

Trong cuốn sách của mình, học giả văn hóa số An Xiao Mina cho rằng, meme (trào lưu trên mạng), dù là những phiên bản ngớ ngẩn, cũng có thể tạo ra những thay đổi sâu sắc về chính trị.

Mina đào sâu vào câu chuyện khởi nguồn của những cuộc biểu tình. Mùa xuân Ả Rập, phong trào Black Lives Matter và rất nhiều phong trào khắp thế giới đã ra đời từ mạng internet và nóng lên, để rồi làm rung chuyển sự đồng lòng của thế giới vật chất.

Một trong những ý tưởng đáng chú ý của Mina là những phong trào ấy, dù khác biệt đáng kể về bối cảnh và đất nước, nhưng đều thống nhất bởi động lực cơ bản: Meme.

Ẩn ý nguy hiểm về chính phủ Mỹ của TT Trump sau bức ảnh gây bão mạng ở Nhà Trắng - Ảnh 2.

Mùa xuân Ả Rập, phong trào Black Lives Matter và rất nhiều phong trào khắp thế giới đã ra đời từ mạng internet. Ảnh: Reuters

Trào lưu mạnh mẽ nhất có thể đưa tới cái mà nhà xã hội học của UC Berkeley Arlie Hochschild từng nhắc tới: "Câu chuyện ẩn sâu" (deep story) - những niềm tin và cảm xúc nhấn mạnh câu chuyện mà chúng ta kể và lan truyền một cách âm thầm cùng với những hình ảnh, trò đùa và cảnh quay có phần nông cạn.

"Thật ra, meme cho phép chúng ta phát triển một cách nhanh chóng hơn về ngôn ngữ lời nói và hình ảnh mà các phong trào hình thành xung quanh", Mina nói.

Tôi nghĩ tới cuốn sách của Mina khi tôi nhìn cảnh ông Trump mời các phóng viên vào phòng ăn của Nhà Trắng để chứng kiến hình ảnh hàng chồng Big Macs (một loại hamburger của McDonald's) xếp trên bàn. 

Và đây là Tổng thống Mỹ, đứng trước những chiếc máy quay, quyết tâm biến mình thành một meme, và sử dụng quyền lực đặc trưng của meme - những "câu chuyện ẩn sâu", những biểu tượng chung - để làm chính xác điều mà lý lẽ của Mina dự đoán: Vận động nhằm biến đổi chính trị.

Hình ảnh ông Trump và bữa tiệc đồ ăn nhanh thể hiện một điều (dù có nhiều bằng chứng phản bác) rằng một chính phủ đang vận hành là điều hoàn toàn cần thiết; thứ duy nhất mà người Mỹ thực sự cần là bản thân ông Trump. 

Ông vừa là người cha nghiêm khắc trong cuộc bàn luận chính trị, vừa là người cha hào phóng trong thần thoại cổ - có khả năng cung cấp cho gia đình Mỹ "đàn súc vật béo tròn" phiên bản thế kỷ 21.

Việc ông Trump sử dụng meme như một công cụ tranh luận đang ngày càng phổ biến trong luận bàn chính trị Mỹ. Bill Clinton có thể là Tổng thống Mỹ đầu tiên gửi email, Barack Obama có thể là Tổng thống Mỹ đầu tiên đăng tải trên Twitter, nhưng Donald Trump sẽ là vị "Tổng thống internet" đầu tiên. 

Người ta từng nghĩ rằng lời nói, hành động của các chính trị gia ở mức độ cao cấp nhất là kết quả của cả một đội ngũ cố vấn, những người tạo dựng hình ảnh. Tuy nhiên, mạng internet - vốn đề cao tính trực tiếp, nghiệp dư và cảm giác của sự nguyên bản, độ tin cậy - đang thay đổi những quan điểm đó. 

Rất nhiều lãnh đạo thời đại này đang dần dần hiểu ra điều đó, nhưng Donald Trump là một trong những chính trị gia đầu tiên của Mỹ sử dụng nó làm vũ khí: Dùng meme để chứng tỏ bản thân mình với công chúng Mỹ. 

Trong khi chính trị đang chuyển biến theo ý muốn của mạng internet thì nhiều khả năng bữa tiệc của ông Trump sẽ trở thành những chuyện xảy ra như cơm bữa. 

Tổng thống Mỹ đã sử dụng những tình huống nảy sinh từ vụ Chính phủ đóng cửa mà chính ông gây ra để kéo dài tình trạng này. Ông Trump sử dụng những sản phẩm đông lạnh được sản xuất hàng loạt để khẳng định rằng chính phủ Mỹ là dư thừa. 

Hành động này thật thiên tài, nguy hiểm và vô cùng phù hợp với thời đại. Chính trị hiện và luôn luôn là một dự án làm hình ảnh. Tuy nhiên, tới giờ, những màn trình diễn ấy còn có thể được dàn dựng với tốc độ sản xuất 1 chiếc Big Mac.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của cây viết Megan Garber, lược dịch từ bài phân tích đăng trên The Atlantic. Bài viết không thể hiện quan điểm của tòa soạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại